Print

Thúc đẩy di cư an toàn, bình đẳng cho lao động nữ

Thứ Ba, 15 /11/2022 08:25

Các quốc gia cần bảo vệ lao động nữ di cư tốt hơn thông qua quá trình lập pháp, đẩy mạnh hỗ trợ lao động di cư là nữ giới, để đảm bảo công bằng và bảo vệ họ khỏi các rủi ro như xâm hại hay lạm dụng. Đây là nội dung Hội thảo “Hợp tác thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng cho nữ lao động di cư 2022”, do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức.

Tại Hội thảo, bà Hà Minh Đức- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, hoạt động liên quan đến lao động di cư, bảo vệ lao động di cư bị hạn chế. Trước đại dịch, trung bình mỗi năm, lao động của Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài khoảng 145.000-150.000 người (năm 2021 khoảng 45.000 người).

Trong đó, số lao động nữ di cư ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 30% số lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài. Đáng chú ý, lao động nữ di cư chỉ tập trung vào một số ngành nghề như lao động giúp việc, các công việc chăm sóc sức khỏe như y tá, hộ lý… Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, nâng cao kỹ năng nghề do di cư mang lại, trong quá trình di cư cũng có nhiều rủi ro xảy ra đối với NLĐ.

Để bảo vệ lao động di cư, đặc biệt lao động nữ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm đảm bảo lao động di cư được bình đẳng, an toàn. Cùng với đó, Việt Nam đã hợp tác với các nước ASEAN để bảo vệ phụ nữ di cư… Tại Việt Nam, dự án di cư lao động an toàn, công bằng nhằm hỗ trợ các bên chia sẻ về các quan ngại và thảo luận những giải pháp để các cơ quan liên quan thúc đẩy, hỗ trợ lao động di cư an toàn, bình đẳng, tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.

Bà Ingrid Christensen- Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với số lượng 18,1 tỷ USD vào năm 2021, chiếm đến 4,9% GDP. Đây là chỉ số cho thấy tầm quan trọng của kinh tế từ lao động di cư. “Thời gian qua, bối cảnh di cư thay đổi nhanh chóng do đại dịch Covid-19. Thị trường lao động của nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng chậm, đã ảnh hưởng đến mô hình di cư trong khu vực. Điều này cho thấy, cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo quyền cho lao động di cư- những người làm việc trong điều kiện bị trả lương thấp”- bà Ingrid Christensen nhấn mạnh.

Dưới góc độ khác, bà Vũ Hồng Minh- Chánh Văn phòng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là hơn 46.000 người. Dự kiến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 140.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Các chính sách liên quan đến lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng hoàn thiện; nội dung hỗ trợ ngày càng đa dạng, mức hỗ trợ cao, đảm bảo bình đằng giới. Cụ thể: Mức hỗ trợ thân nhân của NLĐ bị chết, mất tích tăng từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng; hỗ trợ chí phí tư vấn pháp lý, thuê luật sư trong trường hợp phát sinh vụ việc phức tạp (đây là điều khoản mới áp dụng, rút ra từ kinh nghiệm giải quyết vụ việc trong thực tiễn); hỗ trợ chi phí chỗ ở cho NLĐ… Các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ NLĐ Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với đặc điểm giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ về các biện pháp tăng cường khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền của lao động nữ di cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác; những thành tựu quan trọng và bài học kinh nghiệm từ sự tham gia của dự án, cũng như từ việc tạo cơ sở thông tin cho việc ra quyết định về di cư lao động dựa trên bằng chứng. Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi về việc củng cố hệ thống để xử lý vấn đề bạo lực đối với lao động nữ di cư, trong đó tập trung vào cách tiếp cận trong củng cố hệ thống, để giải quyết bạo lực đối với lao động nữ di cư; những thành tựu chính và bài học kinh nghiệm từ các hoạt động can thiệp dựa vào cộng đồng…

PV