Print

Năm 2022: Thế giới đạt được rất ít tiến bộ về giảm thiểu lãng phí thực phẩm

Thứ Sáu, 18 /11/2022 14:00

Vào mỗi thứ Năm hàng tuần, ông Richard Redmond (California, Mỹ) đều đặn mang một thùng đựng thức ăn thừa đến chợ nông sản ở TP.South Pasadena. Ở đây, thức ăn thừa được thu gom, ủ phân để sử dụng bón vườn tược – đây là một nỗ lực nhằm giảm lượng rác thải sinh hoạt của cư dân Thành phố.

Theo LHQ, mỗi năm thế giới vứt bỏ khoảng 931 triệu tấn thực phẩm, hầu hết đều tập kết tại các bãi chôn lấp và khi phân hủy sẽ tạo ra 1/10 lượng khí làm khí quyển nóng lên. Thực trạng này là một thách thức lớn đối với các quốc gia đang giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP27 đang diễn ra ở Ai Cập. Hồi năm 2015, các quốc gia trên thế giới cam kết sẽ giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí vào năm 2030; song đến nay, rất ít quốc gia đang đi đúng hướng để hoàn thành cam kết này.

Bà Rosa Rolle, Trưởng nhóm Nghiên cứu về thất thoát và lãng phí lương thực, thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) cho biết: “Theo ước tính của FAO, 8 năm nữa, thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra về giảm thiểu lượng thực phẩm lãng phí. Ví dụ, trong số 5 quốc gia lãng phí thực phẩm lớn nhất thế giới (tính trung bình theo đầu người), có ít nhất 3 quốc gia là Mỹ, Australia và New Zealand vẫn gia tăng tình trạng lãng phí thực phẩm; 2 quốc gia còn lại là Ireland và Canada chưa có thống kê cụ thể”.

Lãng phí thực phẩm không chỉ là câu chuyện của các quốc gia phát triển. Một nghiên cứu của LHQ vào năm ngoái cho thấy, mối tương quan "không đáng kể" giữa lãng phí thực phẩm của hộ gia đình và tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hầu hết các quốc gia đều chưa có cải thiện về vấn đề này. Một người Mỹ trung bình lãng phí hơn 700 calo thực phẩm/ngày; lượng thực phẩm lãng phí ở Mỹ cũng tăng 12% từ năm 2010 đến năm 2016. California (Mỹ) là một trong nơi đặt mục tiêu tái chế thực phẩm lãng phí khá cao, chính quyền bang luôn cố gắng đảm bảo rác thải thực phẩm được làm phân ủ chứ không xử lý ở các bãi chôn lấp vì hình thức này thải ra ít khí nhà kính hơn. Năm 2016, California đã thông qua luật yêu cầu giảm 75% lượng chất thải hữu cơ được chôn lấp vào năm 2025. Tuy nhiên, đến năm 2020, dường như tiểu bang này vẫn chưa đạt được kết quả nào khi lượng thực phẩm lãng phí tăng thêm 2 triệu tấn so với năm 2014. Đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thừa nhận: “Mỹ còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu về giảm tình trạng lãng phí thực phẩm”.

Còn tại New Zealand, tỷ lệ hộ gia đình lãng phí thực phẩm đã tăng lên 13,4% vào năm 2022 từ mức 8,6% (năm 2021). Người phát ngôn của Bộ Môi trường New Zealand cho biết, New Zealand vẫn đang thu thập số liệu ước tính cơ bản về lãng phí thực phẩm để có thể đạt được mục tiêu của COP27. Đại diện Canada, Australia và Ireland cung cấp thông tin, các quốc gia này đã cam kết thực hiện mục tiêu nhưng chưa rõ tiến triển đã đạt được cho đến nay.

Ở chiều ngược lại, theo The Waste and Resources Action Programme, Vương quốc Anh đã giảm 27% thực phẩm lãng phí từ năm 2007 đến 2018. Chiến dịch của Vương quốc Anh là loại bỏ thông tin "sử dụng tốt nhất trước ngày…" (best before) trên bao bì; phân phối lại thực phẩm chưa sử dụng cho các tổ chức từ thiện và giáo dục cộng đồng về lập kế hoạch cho các bữa ăn.

Tùng Anh (Theo FAO)