Print

Chuyện của những người thu gom phế liệu cao tuổi ở Hong Kong

Thứ Tư, 23 /11/2022 18:24

Ở tuổi 67, bà Âu Phùng Lan là một trong số khoảng 2.900 người thu gom phế liệu tại Hong Kong. Những ngón tay của bà Âu đã chai sần, sứt sẹo sau 20 năm làm nghề này, song bà chưa từng có ý định từ bỏ công việc.

Hằng ngày, bà Âu Phùng Lan cùng hàng ngàn người thu gom phế liệu- đa phần là phụ nữ trên 60 tuổi, còng lưng đẩy hoặc kéo những chiếc xe đẩy chất đầy bìa carton trên đường phố Hong Kong. Họ đi nhặt phế liệu từ cửa hàng, chợ búa, ngõ hẻm và chung cư, bán chúng với giá vài đô-la Hong Kong cho các kho, xưởng để tái chế. Các kho, xưởng này sau đó vận chuyển phế liệu ra nước ngoài; theo số liệu, khoảng 95% đưa đến Trung Quốc đại lục, vì Hong Kong chưa có nhà máy tái chế hiện đại đủ để biến phế liệu thành vật liệu có thể sử dụng được.

Tuy nhiên, từ năm 2017, khi Trung Quốc bắt đầu hạn chế nhập khẩu rác, kể cả từ các khu vực bán tự trị như Hong Kong, thì sinh kế của bà Âu và những đồng nghiệp của bà đang bị đe dọa. Bà Âu thành thật cho biết, bà cố gắng không nghĩ quá nhiều về việc công việc của mình trong tương lai, mà vẫn tiếp tục làm việc 14 giờ mỗi ngày để có thể nuôi sống bản thân và người chồng 77 tuổi: "Một số người cho rằng công việc của tôi vất vả và có vẻ coi thường tôi. Họ nói “Bà già rồi, về nhà và tận hưởng cuộc sống đi, tại sao phải tự làm khổ mình như vậy. Nhưng tôi lại nghĩ khác, khi vẫn có thể làm việc, tôi không muốn dựa vào người khác".

Bà Âu hành nghề thu gom phế liệu sau khi bị sa thải. Trước đó, bà từng là công nhân nhà máy và nhân viên chuyển phát nhanh. Bà có 3 người con đã lớn, có công ăn việc làm ổn định, song không muốn là gánh nặng của con cái. Làm việc từ trước bình minh cho đến khi chạng vạng tối, bà kiếm được khoảng 300 đô-la Hong Kong (tương đương khoảng 38 USD) mỗi ngày, trung bình bán 300kg bìa carton với giá 1 đô-la Hong Kong (13 cent Mỹ) mỗi kg.

Xòe bàn tay trước mặt PV, bà Âu cho biết, những ngón tay cong vẹo của bà là do dùng tay không xé bìa cứng trong nhiều năm để làm phẳng. Bà bị ô tô đâm 2 lần, bị thương ở vai và chân khi đẩy xe phế liệu dọc theo con đường đông đúc. Xe đẩy của bà cũng đã nhiều lần bị tịch thu bởi lực lượng quản lý thị trường. “Nhưng tôi thích cảm giác tự do khi “làm thuê” cho chính mình. Tôi không ngại. Tôi làm việc chăm chỉ hằng ngày"- bà Âu lạc quan.

Theo thông tin của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Hong Kong, 80% người thu gom phế liệu ở đặc khu này trên 60 tuổi, trong đó người lớn tuổi nhất đã ngoài 90 tuổi. 80% là phụ nữ, khoảng 1/3 số đó đang làm việc ít nhất 8 giờ/ngày. Nhiều người trong số họ làm việc thu gom phế liệu để mưu sinh vì lương hưu hoặc tiền tiết kiệm của họ không đáp ứng được chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở Hong Kong (theo Economist Intelligence Unit, chi phí sinh hoạt Hong Kong cao thứ 4 trên thế giới, số liệu năm 2018).

WPP ước tính, ít nhất 193 tấn phế liệu dạng bìa carton, giấy vụn được những người thu gom phế liệu cao tuổi chuyển đến các kho, xưởng tái chế mỗi ngày. Đại diện Hiệp hội DN địa phương về ngành tái chế và rác thải cho biết, lệnh hạn chế và cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh kế của NLĐ cao tuổi mà còn làm hệ thống kho, xưởng thuộc lĩnh vực này có nguy cơ đóng cửa, phá sản. Không chỉ thế, sẽ xảy ra một "cuộc khủng hoảng phế liệu" ở Hong Kong.

Mặc dù tương lai mờ mịt như bà Âu cho biết, vợ chồng bà ít nhất cũng có một mái nhà, đó là một căn hộ mà họ đã mua vào những năm 1970. Nhưng việc sở hữu nhà lại làm vợ chồng bà không đủ điều kiện nhận trợ cấp khó khăn của Chính phủ, ngoại trừ một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng cho những người trên 70 tuổi, mà chồng của bà Âu nhận được ngoài lương hưu. Các con của bà Âu luôn năn nỉ, thúc giục bà từ bỏ công việc thu gom phế liệu, song bà coi đó là một khoản tích lũy cho tương lai của vợ chồng bà: "Tôi nói với các con, nếu các con cảm thấy tôi đang làm các con xấu hổ, thì đừng gọi tôi là mẹ khi các con gặp tôi. Từ đó, các con im lặng và không can thiệp vào công việc của tôi nữa".

Tùng Anh (Theo Today Online)