Print

Đại lộ số 5 (New York, Mỹ) trở thành khu mua sắm đắt đỏ nhất thế giới năm 2022

Thứ Bảy, 26 /11/2022 14:10

Theo khảo sát của Tập đoàn Bất động sản toàn cầu Cushman& Wakefield, TOP3 khu mua sắm đắt đỏ nhất thế giới lần lượt là Đại lộ số 5 (New York, Mỹ); Tiêm Sa Chủy (Hong Kong) và Via Montenapoleone (Milan, Italy).

Theo thông tin từ Cushman& Wakefield, giá thuê mặt bằng trung bình ở Đại lộ số 5 (New York, Mỹ) đã tăng 14%, lên 2.000 USD/sqft (foot vuông) trong Quý III/2022 so với mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong khi đó, giá thuê ở Tiêm Sa Chủy (Hong Kong) giảm 41%, xuống 1.436 USD/sqft và Via Montenapoleone (Milan, Italy) tăng 9%, lên 1.380 USD/sqft.

Tiêm Sa Chủy (Hong Kong) luôn giữ vị trí số 1 Bảng xếp hạng Khu mua sắm đắt đỏ nhất thế giới kể từ khi Cushman & Wakefield thực hiện khảo sát vào năm 2019. Tuy nhiên, những năm gần đây, Hong Kong đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế sau khi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc đại lục đã làm giảm số lượng khách du lịch. Đặc khu này chỉ đón 250.000 lượt khách trong 9 tháng đầu năm 2022, so với gần 56 triệu lượt vào năm 2019. Ngoài ra, giá thuê tại một khu mua sắm lớn khác của Hong Kong là Vịnh Đồng La giảm 7% trong năm qua và 49% kể từ trước đại dịch xuống còn 1.292 USD/m2.

New Bond Street (London, Anh) tụt một bậc so với năm ngoái, xuống vị trí thứ tư, với giá thuê trung bình giảm 11%; Đại lộ Des Champs Elysees (Paris, Pháp) xếp thứ 5, giá thuê trung bình giảm 18%. 4 khu mua sắm khác ở châu Á- Thái Bình Dương góp mặt trong TOP10 bao gồm Ginza (Tokyo, Nhật Bản), xếp vị trí thứ 6; Pitt Street Mall (Sydney, Australia), thứ 8; Myeongdong (Seoul, Hàn Quốc), thứ 9 và Tây Nam Kinh (Thượng Hải, Trung Quốc), thứ 10.

Cushman& Wakefield cho biết thêm, châu Mỹ là khu vực có khả năng phục hồi tốt nhất sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt là Mỹ, giá thuê trung bình hiện cao hơn 15% so với mức trước đại dịch. Ở châu Á, giá thuê giảm trung bình 17% do hạn chế của các biện pháp phòng, chống dịch. "Hiện đa phần các quốc gia vẫn đang cẩn trọng trong việc áp dụng các quy tắc phòng, chống dịch. Chẳng hạn, sử dụng các ứng dụng về kê khai sức khỏe, quy tắc giãn cách xã hội và cấm tụ tập đông người… Nếu các Chính phủ không dần dần nới lỏng, sẽ có nguy cơ cản trở nghiêm trọng hoạt động kinh tế- xã hội; nên chăng, bên cạnh phòng, chống dịch, cần thiết lập “trạng thái bình thường mới”, từ đó cải thiện tâm lý tiêu dùng của người dân và thúc đẩy doanh số bán lẻ”- các nhà phân tích của Tổ chức Knight Frank khuyến nghị.

Tùng Anh (Theo South China Morning Post)