Print

TP.HCM: Đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học

Thứ Ba, 29 /11/2022 14:45

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở giáo dục luôn được nhiều người quan tâm, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của các em HS. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, ngành GD-ĐT và BQL ATTP TP.HCM luôn chú trọng, quan tâm thực hiện nghiêm về ATTP, đặc biệt là với các trường có thực hiện nấu ăn bán trú.

Nhằm đảm bảo công tác ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Sở GD-ĐT và BQL ATTP TP.HCM đã triển khai thực hiện Kế hoạch liên tịch bảo đảm ATTP, với mục đích phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học, góp phần bảo vệ sức khỏe cho HS trên địa bàn. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, thống nhất giữa hai bên; định kỳ có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp để giải quyết các khó khăn trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên yêu cầu 100% bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học đảm bảo ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định; được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP; chấp hành đúng các quy định theo Luật ATVSTP; căn tin đảm bảo vận hành hệ thống tự kiểm tra về ATTP theo 3 cấp trong khối giáo dục.

Bên cạnh đó, 100% cán bộ phụ trách ATTP tại các trường, Phòng GD-ĐT trên địa bàn thành phố được tập huấn việc triển khai hệ thống tự kiểm tra về ATTP theo 3 cấp. Đặc biệt, 100% người quản lý, nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn trong các bếp ăn tập thể được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận không bị mắc các bệnh theo quy định…

Cũng theo Kế hoạch, các bếp ăn nội trú, bán trú, căn tin trong trường học, cơ sở cung cấp suất ăn cho HS bắt buộc phải có giấy chứng nhận theo quy định. Thực phẩm cung cấp phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Riêng các cơ sở cung cấp thực phẩm phải đủ điều kiện ATTP đối với từng loại thực phẩm cung cấp. Ngoài ra, mở rộng triển khai thực hiện việc sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm được sử dụng tại các bếp ăn, căn tin trường học, nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO12000 “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Đặc biệt, phải đảm bảo ATTP đối với Đề án Chương trình "Sữa học đường", để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và HS tiểu học trên địa bàn thành phố. Tổ chức kiểm tra, giám sát, diễn tập xử lý tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm, thông tin kết quả công tác ATTP tại các cơ sở giáo dục, tổ chức họp định kỳ rút kinh nghiệm vào cuối mỗi học kỳ của năm học và tổng kết 3 năm về công tác đảm bảo ATTP của ngành GD-ĐT Thành phố…

Theo BQL ATTP TP.HCM, để triển khai có hiệu quả Kế hoạch, BQL sẽ thông tin về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong trường học; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người trực tiếp chế biến thực phẩm, nhà quản lý tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Phối hợp với Sở GD-ĐT giới thiệu, hướng dẫn điều kiện tham gia và nhận diện chuỗi thực phẩm an toàn, danh sách các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, địa điểm kinh doanh sản phẩm chuỗi cho các đối tượng, cán bộ quản lý của ngành GD-ĐT, các cơ sở cung cấp suất ăn cho HS trên địa bàn thành phố và thực hiện theo đúng quy định về ATTP… Riêng đối với Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với BQL ATTP để bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố và đơn vị trực thuộc trong ngành GD-ĐT…

Câu chuyện hơn 700 HS ở Trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Samonella có trong mẫu cánh gà chiên tại bữa ăn của trường này và 1 HS không may tử vong đã dấy lên “hồi chuông” về vấn đề ATTP tại các cơ sở giáo dục. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng BQL ATTP TP.HCM: “Trường học là đối tượng ưu tiên của chúng tôi trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP. Để đảm bảo ATTP, BQL đề nghị các trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học”.

Được biết, trong năm học 2022-2022, BQL ATTP TP.HCM đã kiểm tra 2.231 cơ sở, trong đó có 1.363 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 122 bếp ăn tập thể hợp đồng, 2 căn tin tự tổ chức, 474 căn tin hợp đồng, 270 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn của các trường học trên địa bàn và phát hiện 2 cơ sở vi phạm ATTP.

Đăng Khoa