Print

Nhiều thách thức trong chống hàng giả, hàng nhái

Thứ Ba, 29 /11/2022 16:21

Theo khuyến cáo của chuyên gia, các DN cần đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, nhằm bảo vệ quyền lợi khi phát hiện bị làm giả, làm nhái.

Năm 2021, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong cả nước đã xử lý 4.044 vụ hàng giả, hàng nhái với giá trị hàng hóa hơn 110 tỷ đồng và xử phạt với số tiền hơn 44 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2022, QLTT các địa phương cũng đã xử lý 2.752 vụ hàng giả, hàng nhái với giá trị hàng hóa hơn 31 tỷ đồng và xử phạt gần 26 tỷ đồng. 

Theo ông Trần Văn Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nghiệp vụ (Tổng cục QLTT), đa số địa chỉ có “truyền thống” bán hàng giả trước đây, nay bị kiểm tra vẫn tiếp tục tái phạm. Đáng chú ý, do xuất hiện môi trường kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, đã kéo theo tình trạng mua bán hàng giả diễn ra rất nhiều.

Về giải pháp chống hàng giả, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời thực hiện kiểm tra trên các địa bàn trọng điểm. Đơn cử: Những tháng cuối năm, Tổng cục và lực lượng QLTT TP.HCM đã tăng cường kiểm tra, nhất là tại các trung tâm thương mại như Sài Gòn Square và chợ Bến Thành. Qua kiểm tra, hàng ngàn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng Adidas, Nike, Gucci... đã bị phát hiện và tạm giữ. Ngoài ra, rất nhiều hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được các gian thương lợi dụng dưới hình thức livestream hay bán qua mạng xã hội cũng liên tục bị lực lượng chức năng bóc gỡ.

Ông Phạm Văn Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam nêu thực trạng hàng giả xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ chợ nông thôn cho đến các siêu thị lớn, đặc biệt là hàng bán trên nền tảng trực tuyến. "Điều này gây xáo trộn thị trường và là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, làm giảm uy tín của nhà sản xuất chân chính"- ông Thọ nhấn mạnh.

Nêu rõ những bất cập, vướng mắc trong xử lý kinh doanh hàng giả, ông Thọ cho rằng, việc xử phạt hiện nay chỉ là xử phạt hành chính và mức xử phạt cũng rất nhẹ, nên không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, tâm lý của người tiêu dùng vẫn thích mua hàng giá rẻ và chưa quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc hàng hóa xuất xứ, nên đã tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lộng hành. Đáng chú ý, nhiều DN chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ thương hiệu của mình, chưa thực sự tìm tòi và áp dụng các giải pháp để bảo vệ sản phẩm trước vấn nạn hàng giả.

Vì vậy, để giảm thiểu vấn đề hàng giả, hàng nhái, ông Phạm Văn Thọ lưu ý, rất cần có sự phối hợp vào cuộc đồng bộ giữa các cấp, các ngành như: Nâng cao mức xử phạt, người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông minh; các DN cần chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và áp dụng các giải pháp chống giả cho sản phẩm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tĩnh- Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM đã đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ sản phẩm nên ưu tiên chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng. "Việc trở thành người tiêu dùng thông minh sẽ giúp cho DN khi có những sản phẩm, hàng hóa, thương hiệu được ưa chuộng, DN sẽ càng đổi mới. Điều này thúc đẩy các DN tiếp tục đầu tư nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm"- ông Tĩnh nhấn mạnh.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Minh- Giám đốc marketing Tập đoàn Quốc tế Á Châu nêu một số giải pháp nhằm giảm thiểu hàng giả, hàng nhái như: Cần đăng ký thương hiệu, logo, nhãn hiệu; hợp tác với các cơ quan thẩm định về hàng giả, hàng nhái để xử lý triệt để các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái; luôn dán tem, bao gồm tem về chất lượng và tem chống hàng giả để khách hàng có thể kiểm định ngay tại chỗ; chú trọng công tác truyền thông về vấn đề hàng giả, hàng nhái trên các kênh thông tin chính thống để khách hàng có thể phân biệt.

Liên quan các khuyến cáo của chuyên gia, ông Đặng Văn Dũng- Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ ràng, cụ thể thông qua hệ thống pháp luật và hệ thống các cơ quan thực thi.

Từ năm 2007, khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hàng năm làm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và DN đối với công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cũng theo ông Dũng, việc chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ quan trọng của DN trong vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Mặc dù có rất nhiều cố gắng, nhưng công tác này hiện vẫn đang là thách thức mà các ban, ngành liên quan cũng như DN phải chung tay để đi đến thành công. Vì vậy, ông Dũng đề nghị các DN cần chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, nhất là trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.

T.Hà