Print

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc vẫn thấp nhất thế giới

Thứ Hai, 05 /12/2022 20:33

Hàn Quốc vừa phá kỷ lục của chính nước này về tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu. Theo số liệu tháng 11, số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc có trong đời giảm xuống chỉ còn 0,79.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định, thậm chí thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác có tỷ lệ đang giảm, như Mỹ (1,6) và Nhật Bản (1,3). Đây là thực trạng báo động cho một quốc gia có dân số già đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có xu hướng gia tăng nhóm người hưởng lương hưu. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ các yếu tố kinh tế khiến giới trẻ Hàn Quốc không muốn lập gia đình, bao gồm giá nhà cao và chi phí giáo dục tăng trong khi công ăn việc làm không ổn định.

Dù đầu tư nhiều tiền của vào nỗ lực tăng tỷ lệ sinh, các chính phủ kế tiếp nhau của Hàn Quốc không thể giải quyết được bài toán khó này.

Trong chuyến thăm một nhà trẻ vào tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận hơn 200 tỷ USD đã được chi ra để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, chính quyền của ông Yoon đã đưa ra một số ý tưởng mới, bao gồm thành lập một ủy ban để nghiên cứu sâu vấn đề kết hôn và sinh con và cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho trẻ sơ sinh. Trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi sẽ tăng từ 300.000 won hiện tại lên 700.000 won (230-540 USD) vào năm 2023 và lên 1 triệu won (770 USD) vào năm 2024.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định chủ trương này mang tính một chiều và cho rằng nên tiếp tục hỗ trợ trong suốt cuộc đời của đứa trẻ.

Kim Min-jeong, người sắp sinh con thứ hai trong tháng 12 này, tỏ ra thờ ơ với lời cam kết của chính phủ về việc tăng trợ cấp. "Họ chỉ đổi tên và gộp các khoản trợ cấp lại. Đối với những bậc cha mẹ như chúng tôi, không hề có thêm lợi ích nào nữa", người phụ nữ này chia sẻ. Cô cho biết mình đã không thể đi làm từ khi sinh con đứa con đầu. Vì hai vợ chồng không đủ tiền chi trả cho việc gửi con ở nhà trẻ tư nhân nên cô phải ở nhà để trông con.

Rào cản đối với việc sinh con ở Hàn Quốc còn là một loạt vấn đề mang bản chất xã hội và chúng tồn tại dai dẳng dù chính phủ rót rất nhiều tiền cho việc gia tăng dân số. Trong số đó có những điều có thể được gọi là quy tắc bất thành văn về vai trò làm cha mẹ. Điển hình, tuy sinh con là điều rất được các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc mong đợi, quan điểm chung của xã hội vẫn không ủng hộ hay có cái nhìn thiện cảm đối với những ông bố bà mẹ đơn thân. Dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không được cung cấp cho phụ nữ độc thân, theo số liệu chính thức từ các bệnh viện.

"Chúng ta vẫn có cái nhìn rất khắt khe đối với các bà mẹ đơn thân. Cứ như thể họ đã làm sai điều gì đó khi mang thai ngoài giá thú… Cớ sao cứ phải có hôn nhân mới có thể nuôi con?", giáo sư luật Cho Hee-kyoung, người giữ một chuyên mục về các vấn đề xã hội trên báo Hàn Quốc, bình luận.

Các cặp vợ chồng khác biệt về xu hướng tình dục cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Cho đến nay, Hàn Quốc chưa công nhận hôn nhân đồng giới và tiếp tục ban hành các quy định gây khó khăn cho các cặp vợ chồng chưa cưới nhận con nuôi.

Lee Jin-song, tác giả viết sách về xu hướng không kết hôn hoặc sinh con của những người trẻ tuổi, cho rằng các chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc cần phải bao hàm nhiều hơn chứ không chỉ quan niệm truyền thống về hôn nhân giữa nam và nữ. "Hôn nhân truyền thống vẫn dựa trên cách tiếp cận lấy sự bình thường làm trung tâm. Vì vậy, cách tiếp cận này đã loại trừ những người khuyết tật, người có bệnh hoặc sức khỏe sinh sản kém", cô nói.

Lee cũng nhấn mạnh những áp lực sinh con đối với phụ nữ trong một xã hội gia trưởng: "Kết hôn, sinh con và chăm sóc con cái đòi hỏi người phụ nữ phải hy sinh quá nhiều trong một xã hội gia trưởng, đặc biệt là trong thập niên vừa qua. Vì vậy, họ bắt đầu khám phá khả năng có thể sống tốt mà không cần kết hôn".

Giáo sư Cho chỉ ra rằng, lâu nay có một kỳ vọng xã hội rằng người cha hy sinh cho công việc còn người mẹ hỗ trợ gia đình, ngay cả khi phụ nữ cũng đi làm. "Tôi biết rất nhiều cặp vợ chồng mà phụ nữ thực sự kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông, nhưng khi họ về nhà, vợ phải làm việc nhà, chăm sóc con cái và hỗ trợ tinh thần cho chồng", bà phản ánh.

Hoàng Dương