Print

Thành quả thực hiện chính sách BHYT thể hiện rõ phương thức lãnh đạo của Đảng

Thứ Ba, 06 /12/2022 09:30

“Chính sách BHYT đã được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Đại hội VII đến Đại hội X, do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nên Luật BHYT vẫn đang quy định người dân có trách nhiệm tham gia BHYT và đến nhiệm kỳ Đại hội XI, Luật BHYT mới quy định rõ BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc để chăm sóc sức khoẻ không vì mục đích lợi nhuận…”- bà Trương Thị Mai- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Tại Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, chiều 5/12, các đại biểu đã nghe bà Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.

Theo bà Trương Thị Mai, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được hiểu là phương pháp, cách thức để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của hệ thống chính trị, nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Các kỳ Đại hội gần đây của Đảng đều đặc biệt nhấn mạnh công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó Đại hội XIII xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng (chính trị; tư tưởng; đạo đức; tổ chức; cơ sở đảng và đảng viên; cán bộ; kiểm tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, tiêu cực…).

Bà Trương Thị Mai cũng chỉ rõ, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 28-NQ/TW) đã xác định rõ 3 quan điểm:

Thứ nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

Thứ hai, phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao; đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan Nhà nước, từng tổ chức chính trị-xã hội.

Thứ ba, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ các phương thức lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời đẩy mạnh CCHC, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Cùng với 3 quan điểm nêu trên, Nghị quyết cũng nhấn mạnh 3 mục tiêu lớn. Cụ thể:

Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Hai là, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hoá, cụ thể hoá thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp. Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Ba là, xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Từ quan điểm, mục tiêu nêu trên, theo bà Trương Thị Mai, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu lên các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Đáng chú ý, theo bà Trương Thị Mai, một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 6 là đánh giá 15 năm việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Theo đó, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Dẫn chứng cho nội dung này, bà Trương Thị Mai chỉ rõ, chính sách BHYT đã được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Đại hội VII đến Đại hội X của Đảng, do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nên Luật BHYT vẫn đang quy định người dân có trách nhiệm tham gia BHYT; song đến nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Luật BHYT mới quy định rõ BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc để chăm sóc sức khoẻ không vì mục đích lợi nhuận.

Cụ thể, từ chỗ quy định BHYT bắt buộc và BHYT tự nguyện, với số người tham gia chủ yếu là CBCC, NLĐ trong các cơ quan nhà nước, đến nay cả nước có trên 90% dân số có thẻ BHYT, thể hiện sự quyết tâm chính trị và thành quả của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Qua thực tế triển khai, chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, đã giúp cho hàng triệu người dân giảm bớt gánh nặng về tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

"Với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới, Nghị quyết Trung ương 6 đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới gồm: Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở"- bà Mai nhấn mạnh.

PV