Hôm 29/9, chúng tôi theo chân chị Đẹp- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hải đi gặp các thành viên mô hình “1 sổ + 1 sổ”. Điểm hẹn là nhà chị Ái ở ấp Thanh Đạm. Ngôi nhà nổi bật giữa sắc đục của nước, sắc đen của bùn đang khô quanh nhà và sắc xanh của mây trời. Chủ nhà đã lo xong trà nước, các thành viên tham gia mô hình cũng đã tề tựu đông đủ. Tiếng cười nói cứ thế rộn ràng như vang khắp ấp. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị Ái vừa tham gia BHXH tự nguyện được 2 tháng và đang động viên người thân cùng tham gia. Đây chính là cốt lõi của mô hình “1 sổ + 1 sổ”- nghĩa là cứ một chị tham gia mô hình cũng đồng thời tham gia BHXH tự nguyện, sẽ khích lệ thêm một chị khác cũng vừa tham gia mô hình vừa tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Tứ nhà gần đấy cũng tương tự như chị Ái. Ít hôm nữa chị Tứ mới nhận được sổ BHXH tự nguyện của mình. Từ Ninh Bình vào tận Cà Mau lập nghiệp, gia đình chị Tứ nay đã ổn định và chị vừa lên chức bà ngoại được vài hôm. “Ở Ninh Bình có nhiều bà con mình tham gia BHXH tự nguyện, nên mình cũng rành chính sách này lắm. Hôm rồi các chị ở Hội Phụ nữ ấp Thanh Đạm tới vận động mình tham gia BHXH tự nguyện nên mình gật đầu liền. Để phụ chăm cháu ngoại cứng cáp chút, rồi mình sẽ dành thời gian nói chuyện với chị em dâu vụ này...”- chị Tứ vui vẻ chia sẻ.
Còn chị Hiền, chị Trang, chị Lam có thời gian tham gia BHXH tự nguyện lâu hơn. Khi mô hình “1 sổ + 1 sổ” ra đời, các chị đã gắn kết và trở thành thành viên ngay, nên đều có thành tựu trong khích lệ, vận động những người xung quanh cùng tham gia. Chị Hiền có thành tựu đáng nể nhất khi đã thuyết phục được 5 người tham gia BHXH tự nguyện. “Chính sách này hay quá, không giúp bà con tiếp cận thì tiếc lắm”- chị Hiền lý giải nguyên nhân vượt quá kỳ vọng của mô hình “1 sổ + 1 sổ”.
Chia sẻ về ý tưởng trên, cả chị Trang lẫn chị Lam đều nhất trí chính sách BHXH tự nguyện rất hay và thiết thực với bà con. Đặc biệt, với những chị em quanh năm gắn bó với gia đình, ít cơ hội làm việc trong các công ty, thì việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp họ có cơ hội được hưởng lương hưu. “Với chính sách BHXH tự nguyện, chúng tôi không cần đi làm công ty hay nhà nước, chỉ cần chịu khó chắt chiu sinh kế hiện tại cũng với tới được lương hưu sau này”- chị Trang chia sẻ. Còn chị Lam thì nói rằng “sẽ không dừng lại ở 1+ 1 mà phải 1 + nhiều hơn, để giúp được nhiều chị em hơn nữa”.
Cuộc trò chuyện trở nên rôm rả hơn khi có người lên tiếng đề xuất đổi tên mô hình thành “1 + một chục”. “Gì chớ một chục là khả thi nghen!”- chị Hiền lên tiếng đáp lời. Ý của chị Hiền là, trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục khích lệ, động viên nhiều người xung quanh tham gia BHXH tự nguyện hơn. Khi đó, từ 1 sổ BHXH tự nguyện của chị sẽ “nở” ra 10 sổ BHXH tự nguyện khác.
Cuộc trò chuyện còn rôm rả hơn nữa khi có ý kiến tiếp là “chục 18 chớ không tính chục trơn” (ở Tây Nam Bộ đếm trái cây hay dùng “một chục”, có chục 12 trái, có chục 14 trái, chục nhiều nhất từng được biết đến là 16 trái). Bởi vậy, khi nghe đề xuất, chị Hiền không khỏi bật cười: “Mèn ơi, ở đâu ra chục 18 đó?”. Lập tức có tiếng đáp lời: “Này là chục an sinh nên tới 18 nghen chị Hiền ơi”. Trong niềm vui chung và cũng để động viên các chị em, chị Hiền gật đầu nói: “Nghe chục an sinh là kết rồi, quyết định chục 18 luôn nghen”.
Xã Tân Hải có tổng cộng 7 ấp. Ấp nào cũng có Chi hội Phụ nữ. Theo đó, không chỉ 7 Chi hội trưởng cùng tham gia mô hình “1 sổ + 1 sổ”, mà các hội viên phụ nữ cũng tích cực tham gia mô hình này. “Hồi mới đưa mô hình xuống các ấp để triển khai, Hội Phụ nữ xã kỳ vọng đến cuối năm sẽ gia tăng 28 người tham gia mới BHXH tự nguyện. Ai ngờ mới tới nay đã được 35 người tham gia mới”- chị Đẹp phấn khởi thông tin.
Cùng đi với chúng tôi có chị Phong- Phó Trưởng phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Cà Mau) và chị Yên- Phó Giám đốc BHXH huyện Phú Tân. Theo lời chị Yên, gắn bó với chị em phụ nữ các xã, đặc biệt là xã Tân Hải, luôn là ưu tiên số 1 của BHXH huyện trong nỗ lực dệt lưới an sinh. “Kết quả của mô hình mà chị em phụ nữ Tân Hải gây dựng đang được thực hiện hết sức tích cực. Phía BHXH huyện đang theo dõi sát mô hình để nghiên cứu, nhân rộng trong thời gian tới”- chị Yên chia sẻ. Trong khi đó, từ góc nhìn của người làm truyền thông, chị Phong cảm thấy “mê” ngay mô hình ở xã Tân Hải.
Qua trò chuyện với chị em phụ nữ ở Tân Hải, đại diện Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh) tỏ ra hết sức tâm đắc. “Các chị vừa nắm bắt được chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, lại thực chứng khi bản thân đã tham gia các chính sách ấy. Vậy nên, hiệu ứng chia sẻ, khích lệ người khác của các chị rất lớn. Có câu nói “dệt lưới an sinh không là chuyện riêng ai. Ở xã Tân Hải, với mô hình “1 sổ + 1 sổ” cho thấy, rõ ràng các chị đang chăm lo cho nhau, chăm lo cho cộng đồng, để sau này ai cũng có lương hưu...”- đại diện Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Cà Mau) chia sẻ.
Có thể thấy, mô hình “1 sổ + 1 sổ” hay “1 + một chục” theo cách gọi dân dã, có điểm đặc biệt là thiết lập được mạng lưới chị em vừa tự lo an sinh cho mình, vừa lan tỏa an sinh đến người thân cận. Mạng lưới này về lý sẽ tăng theo cấp số cộng, nhưng thực tế với những người đầy tâm huyết với cộng đồng như chị Hiền, chị Trang, chị Lam và sắp tới có thêm chị Ái, chị Tứ…, thì mạng lưới này sẽ tăng theo cấp số nhân. Qua đó, giúp mô hình “1 sổ + 1 sổ” ở Tân Hải tiếp tục tạo thêm nhiều bất ngờ.
Thực hiện: Thanh Giang
Trình bày: Hà Hùng