Được anh Châu Giang Sơn và chị Quỳnh Anh- hai cán bộ Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Sóc Trăng) dẫn đường, chúng tôi bắt phà Đại Ngãi qua dòng sông Hậu để đến với vùng đất Cù Lao Dung. “Ở nơi xa xôi cách trở này, nhờ sự tích cực vào cuộc của cơ quan BHXH, nên phong trào tham gia BHXH tự nguyện của người dân khá sôi nổi. Cũng bởi vậy, nhiều người đã được hưởng lương hưu hoặc chế độ liên quan”- chị Quỳnh Anh thông tin với tôi trên đường về mảnh đất cù lao.
Tới nơi, theo giới thiệu của BHXH huyện, chúng tôi đến Trung tâm Hành chính công huyện để gặp bác Trần Thanh Bé (sinh năm 1962, ấp An Quới, xã An Thạnh 3)- khi bác Bé đến đây nộp hồ sơ hưởng lương hưu. Vui vẻ bắt chuyện, bác Bé cho biết, trước đây bác làm công an xã và được tham gia BHXH bắt buộc. Hồi năm 2006, khi mới 44 tuổi, bác nghỉ việc để lo việc gia đình. “Khi đó cầm quyết định thôi việc và sổ BHXH với quá trình đóng hơn 15 năm mà tôi cứ đắn đo mãi. Rất nhiều người cùng thời đã chọn nhận BHXH một lần. Còn tôi quyết định vẫn tiếp tục làm việc, cất giữ cuốn sổ BHXH lại để chờ cơ hội”- bác Bé chia sẻ.
Trở về với công việc của nhà nông, cũng có thời điểm khó khăn, nhưng bác Bé không bao giờ “nhòm ngó” vào cuốn sổ BHXH. Bởi, trong thâm tâm, cuốn sổ này không chỉ là kỷ vật, là quá trình công tác, mà còn là thứ tài sản để dành cho tương lai. Đặc biệt, chính việc người em vốn làm ở cơ quan nhà nước tư vấn và can ngăn, nên bác Bé đã thay đổi hoàn toàn ý định, kiên quyết nói không với việc rút BHXH một lần. Và, đúng như những gì bác Bé dự tính, khi chính sách BHXH tự nguyện ra đời, thông qua tìm hiểu từ báo chí cũng như được cán bộ BHXH tư vấn, bác nhận thấy tham gia chính sách này sẽ rất có ích.
“Số tiền đóng mỗi tháng không cao, hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Có khi đóng số tiền 1,2 triệu đồng, khi thì triệu rưỡi. Lúc nào dành giụm kha khá thì tôi đóng cao hơn. Vợ và các con tôi cũng rất nhiệt tình ủng hộ”- bác Bé cho biết. Và, cái kết ngọt ngào cũng đã đến với bác Bé. Cách đây ít hôm (kể từ tháng 6/2024), sau 8 năm 3 tháng tham gia BHXH tự nguyện, bác đã nhận được quyết định hưởng chế độ hưu trí từ BHXH huyện Cù Lao Dung, với mức hưởng gần 1,5 triệu đồng/tháng.
Nói về tâm trạng của mình, bác Bé bảo: “Cũng khá bất ngờ, vì không nghĩ BHXH huyện lại xử lý nhanh gọn như vậy. Theo tôi, mọi người không đi làm ở cơ quan nhà nước, không làm công ty, mà làm tự do, buôn bán, làm nông, nuôi tôm… cũng nên tham gia BHXH tự nguyện. Bởi vì, ngoài việc có lương hưu khi về già, thì còn vui hơn khi có thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95%, sau này nếu ốm đau sẽ được BHYT thanh toán chi phí KCB. Cuộc sống lỡ gặp lúc trắc trở, rồi đám tiệc, quà bánh cho các cháu còn có chỗ trông cậy, nhất là trong điều kiện tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu...”- bác Bé chia sẻ thêm.
Chia tay bác Bé, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Trí- chuyên viên phụ trách truyền thông của BHXH huyện Cù Lao Dung dẫn đến thăm gia đình bà Phạm Thị Lếnl (ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung). Trên đường đi, anh Trí cho biết, bà Lếnl đăng ký tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2019, đến tháng 4/2024 chẳng may bị bệnh qua đời. Căn cứ hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện của bà Lếnl, BHXH huyện Cù Lao Dung đã giải quyết kịp thời chế độ tử tuất và mai táng phí cho người thân của bà Lếnl, với số tiền gần 30 triệu đồng.
Gia đình bà Lếnl sinh sống trong căn nhà cấp bốn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Trong nhà, ông Nguyễn Văn Vường (chồng bà Lếnl) đang nhang khói cho bà. Tiếp chúng tôi, ông Vường trầm ngâm hớp ngụm trà và rất ít nói về chuyện đã qua. Bởi, trong suốt câu chuyện, ông luôn lặp lại lời cảm ơn cơ quan BHXH đã quan tâm, giải quyết kịp thời chế độ, giúp gia đình ông đỡ phải lo lắng thêm.
Anh Nguyễn Thanh Tùng- con của bà Lếnl chia sẻ thêm: “Khi tham gia BHXH tự nguyện cho mẹ, tôi chỉ muốn sau này bà có một khoản lương hưu nho nhỏ của chính bà, không phụ thuộc vào đứa con nào cả. Cụ muốn mua gì hay ăn gì cũng có tiền riêng, tạo tâm lý thoải mái và không bận tâm hay phụ thuộc vào ai. Mong muốn là thế, nhưng không ngờ tham gia được hơn 5 năm thì cụ qua đời”. Theo anh Tùng, số tiền đóng góp vào quỹ BHXH chỉ khoảng 12 triệu đồng, nhưng tiền chế độ gia đình được hưởng lên tới gần 30 triệu đồng, khiến anh khá bất ngờ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hoàng Hải- Phó Giám đốc BHXH huyện Cù Lao Dung cho biết, trường hợp của bà Lếnl khá đặc biệt và hy hữu. Bởi, bà tham gia BHXH tự nguyện vừa đủ 60 tháng thì qua đời và đó cũng là điều kiện vừa đủ để được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định pháp luật. “Khi người thân của bà Lếnl liên hệ làm thủ tục, BHXH huyện đã hỗ trợ làm hồ sơ cũng như triển khai giải quyết chế độ nhanh chóng, để gia đình sớm được hưởng quyền lợi chính đáng”- ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, việc bác Bé hay thân nhân bà Lếnl là 2 trong số những trường hợp gần đây nhất trên địa bàn huyện Cù Lao Dung được hưởng quyền lợi nhờ tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đang có 1.356 người tham gia BHXH tự nguyện, nên cơ hội hưởng lương hưu với họ đã hiện hữu. Đáng chú ý, BHXH huyện đang chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cho 214 người do tham gia BHXH tự nguyện.
“Tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu, giúp người dân không phải phụ thuộc con cháu khi về già, cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, còn được cấp thẻ BHYT miễn phí phòng khi ốm đau sẽ được chăm lo sức khỏe; khi không may qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí… Những quyền lợi thiết thực này chính là cơ sở để BHXH huyện Cù Lao Dung cũng như các đơn vị liên quan tiếp tục vận động, tuyên truyền để ngày càng có thêm nhiều người dân ở mảnh đất cù lao xa xôi này được thụ hưởng chính sách”- ông Dương Hoàng Hải nhấn mạnh.
Thực hiện: Phạm Thọ
Trình bày: Hà Hùng