PortalViewLongForm
E-magazine

BHXH tỉnh Bắc Giang: Truyền thông “hướng đích” để phát triển BHXH tự nguyện (Bài 1)

Shared facebook

Theo thống kê của BHXH tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đã đạt ngưỡng trên 38% LLLĐ trong độ tuổi, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện cũng đạt con số khả quan, chiếm khoảng 6,2% lực lượng nông dân, lao động phi chính thức trong độ tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện đạt và vượt mức so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao, là tỉnh có tỷ lệ phát triển người tham gia BHXH nhanh, bền vững của cả nước…

Cụ thể: Năm 2020, Bắc Giang mói chỉ có 21.233 người tham gia BHXH tự nguyện; con số này tăng gần gấp đôi trong năm 2022; đến hết năm 2023 đạt 51.241 người tham gia (đạt 107,6% kế hoạch BHXH Việt Nam giao). Số tăng mới cũng được ghi nhận rất tích cực qua mỗi năm như: Năm 2020 tăng mới trên 12.000 người, năm 2021 là 9.150 người, năm 2022 là 15.233 người. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện từ 2,8% lực lượng nông dân, lao động phi chính thức trong độ tuổi (năm 2020) đã tăng lên và đạt khoảng 6,2% như đã nêu.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, không chủ quan, lãnh đạo BHXH tỉnh Bắc Giang cũng nhìn nhận rõ những hạn chế. Theo đó, số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; số lượng người chưa tham gia BHXH tự nguyện khá lớn, nhất là trong nhóm lao động làm việc ở khu vực phi chính thức. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh, nhưng người đến hạn đóng chưa đóng hoặc không tiếp tục đóng cũng khá phổ biến; số người tham gia BHXH bắt buộc nay chấm dứt hợp đồng, chốt thời gian đóng BHXH bắc buộc, tuy nhiên cũng không lựa chọn đóng BHXH tự nguyện.

Do đó, theo BHXH tỉnh Bắc Giang, cần phải khắc phục được những hạn chế vừa nêu; đồng thời phát huy tối đa lực lượng làm công tác truyền thông BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Cần lưu ý rằng, tại Bắc Giang, lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc tham gia công tác truyền thông BHXH, BHYT được ghi nhận khá đông đảo.

Cụ thể, có 27 cán bộ được giao chuyên trách thực hiện công tác truyền thông của cơ quan BHXH (bao gồm BHXH tỉnh và BHXH 9 huyện, thị xã); khoảng 270 cán bộ ở các mảng nghiệp vụ của cơ quan BHXH (thường xuyên tham gia gián tiếp hoặc trực tiếp trong các đợt ra quân tuyên truyền); trên 200 nhân viên tổ chức dịch vụ thu; cùng gần 700 cán bộ thực hiện công tác BHYT HSSV tại các trường học. Ngoài ra, còn có thành viên BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp (18 cán bộ của BCĐ cấp tỉnh, 150 cán bộ của BCĐ cấp huyện, 2.136 cán bộ của BCĐ cấp xã). Đặc biệt, còn có 2.128 Tổ dân vận cộng đồng với 18.186 người tham gia truyền thông về BHXH, BHYT.

Tập trung rà soát, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau, BHXH tỉnh Bắc Giang ước tính, toàn tỉnh có khoảng 740.000 người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH, làm việc trong khu vực phi chính thức. Số này được chia thành các nhóm cơ bản như: Khoảng 300.000 người có thu nhập ở mức khá, thuộc những hộ sản xuất kinh doanh giỏi; khoảng 21.000 người thuộc 70.000 hộ kinh doanh cá thể; gần 7.000 người làm việc tại 1.100 HTX; khoảng 6.500 người là cán bộ không chuyên trách (được hưởng phụ cấp) tại 2.182 thôn, tổ dân phố; khoảng 25.500 người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, chấm dứt HĐLĐ và đang bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Theo đó, cần tập trung vào 3 nhóm NLĐ chủ yếu gồm: Nhóm đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc đang hưởng BH thất nghiệp hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH; nhóm đang tham gia BHXH tự nguyện đến hạn đóng, tiếp tục đóng; nhóm lao động phi chính thức, lao động tự do, người làm việc bán thời gian, người làm việc không chuyên trách tại các thôn, bản, tổ dân phố.

Lãnh đạo BHXH tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo chú trọng xây dựng mô hình vận động tham gia BHXH tự nguyện với nhóm NLĐ đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc đang hưởng BH thất nghiệp hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH. Đây là nhóm đã có sẵn thông tin trong CSDL của cơ quan BHXH, từ đó thuận lợi trong việc liên hệ, tiếp cận và triển khai các biện pháp truyền thông, vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Cụ thể, các bước thực hiện chi tiết như sau:

- Trên CSDL thu, danh sách người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người đang bảo lưu tham gia BHXH, cán bộ Phòng Truyền thông sẽ phối hợp với cán bộ Phòng Quản lý Thu-Sổ thẻ và Phòng Chế độ tiến hành rà soát, lọc dữ liệu lập danh sách những NLĐ thuộc diện “tiềm năng”. Tiêu chí lọc bao gồm: Từ 35 tuổi trở lên (độ tuổi được ghi nhận sự chín chắn, có tư duy, mong muốn tích lũy để lo cho cuộc sống về già, dễ thuyết phục vận động);  có thời gian bảo lưu đóng BHXH từ 2 năm trở lên.

- Căn cứ danh sách tiềm năng, phối hợp với nhân viên tổ chức dịch vụ thu, đội ngũ cộng tác viên, lãnh đạo thôn, tổ dân phố rà soát khả năng tài chính của từng người, từng gia đình, tìm hiểu kỹ về NLĐ để có phương pháp vận động phù hợp. Lập danh sách chuẩn bị nội dung tuyên truyền, vận động, tính toán chi tiết mức đóng, mức hưởng lương hưu kỳ vọng, gửi trước cho NLĐ.

- Cử cán bộ cơ quan BHXH cùng lãnh đạo thôn, tổ dân phố, người thân, người có uy tín tiếp cận NLĐ hoặc mời tham gia hội nghị. Trường hợp đông người thì mở hội nghị tuyên truyền trực tiếp, trường hợp ít thì tuyên truyền trực tiếp nhóm nhỏ. Trường hợp NLĐ không bố trí được thời gian thì gửi tài liệu truyền thông, trong đó thông tin phải dễ hiểu, ngắn gọn, tóm lược cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của NLĐ. Ngoài ra, thông tin cho NLĐ các kênh tuyên truyền chính thống của BHXH huyện, BHXH tỉnh và BHXH Việt Nam; gửi trực tiếp các file, các tin bài, infogphic, clip, các đường link bài viết từ các trang chính thống tuyên truyền về BHXH tự nguyện đến NLĐ.

- Lưu giữ thông tin của NLĐ. Kịp thời thông tin đến NLĐ về các buổi livestream, tư vấn về BHXH tự nguyện, lấy những dẫn chứng cụ thể về các trường hợp người đã đóng và được hưởng BHXH tự nguyện; phân tích những thiệt thòi khi lĩnh BHXH một lần và những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Trường hợp NLĐ đang khó khăn về tài chính, thì động viên, khuyến khích. Theo sát đến khi NLĐ có khả năng tham gia, tiếp tục chủ động tiếp cận để vận động tham gia; tránh trường hợp tuyên truyền, vận động một lần.

BHXH tỉnh Bắc Giang cũng xác định, đây là nhóm NLĐ dễ vận động tham gia BHXH tự nguyện nhất. Họ đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đã được hưởng một số chế độ BHXH ngắn hạn, có sự hiểu biết nhất định về chính sách BHXH. Do vậy, nếu có phương pháp tiếp cận và vận động phù hợp, đồng thời kiên trì theo sát, lựa chọn thời điểm thích hợp, NLĐ thuộc nhóm này sẽ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Qua tìm hiểu nguyên nhân, nhóm tác giả nhận thấy việc NLĐ đang tham gia BHXH tự nguyện đến hạn không đóng, nguyên nhân chủ yếu là do: Cơ quan BHXH, nhân viên thu không bám sát, không đôn đốc nhắc nhở kịp thời; do đột xuất khó khăn về tài chính, hoặc có yếu tố khách quan; còn lưỡng lự, phân vân, lo lắng vì thời gian tham gia quá dài, chưa hiểu rõ chính sách; do tác động của các yếu tố ngoại cảnh, tiếp cận các thông tin không đúng, không toàn diện, chính thống về BHXH (nhất là bối cảnh ở thời điểm trước khi sửa Luật BHXH).

Do đó, giải pháp khắc phục được BHXH tỉnh đề ra, đó là hàng tháng phải rà soát danh sách, phân công cho từng CBVC theo dõi tổ chức dịch vụ thu, hỏi thăm và đôn đốc người tham gia đóng kịp thời hạn. Thiết lập nhóm người đang tham gia, phân công nhân viên tổ chức dịch vụ thu trực tiếp theo dõi, định kỳ hàng tháng thực hiện rà soát, đảm bảo mỗi người đều được đôn đốc, nhắc nhở ít nhất 2 lần trở lên trước khi đến hạn đóng; thường xuyên tìm hiểu khả năng tài chính để tư vấn về việc chuyển phương thức đóng, mức đóng cho phù hợp; cung cấp các tin mới về chính sách BHXH, kịp thời tư vấn, giải thích khi có các tin không chính thống.

Đồng thời, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, gửi tin nhóm brandname đến người tham gia, hỏi thăm, động viên, gửi tin chức mừng người tham gia nhân dịp các sự kiện như: Sinh nhật, Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Phụ nữ… Qua đó, giúp cho người tham gia BHXH tự nguyện cảm thấy cán bộ BHXH cũng như nhân viên thu luôn đồng hành, gắn kết như người thân, người nhà.

Ngoài ra, thường xuyên gửi tin bài, clip, đường link bài viết từ các trang tuyên truyền chính thống để người tham gia BHXH tự nguyện luôn được cập nhật thông tin; đồng thời đều có ý thức dành kinh phí để chuẩn bị đến hạn đóng kịp thời.

Riêng đối với nhóm đang đóng BHXH tự nguyện đến hạn đóng, cần quan tâm “chăm sóc khách hàng” chu đáo, bằng mọi phương pháp vận động để người đang tham gia tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Bởi, nếu người đang tham gia dừng đóng BHXH tự nguyện (không phải lý do bất khả kháng), sẽ gây tác động không tốt tới việc lan tỏa hiệu ứng truyền thông BHXH tự nguyện đến những người khác.

Bài: Minh Đức

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới