PortalViewLongForm
E-magazine

BHXH tỉnh Bắc Giang: Truyền thông “hướng đích” để phát triển BHXH tự nguyện (Bài cuối)

Shared facebook

Theo ông Nguyễn Công Phương- Trưởng phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Bắc Giang), nhóm lao động phi chính thức, lao động tự do, làm việc bán thời gian có nhiều tiềm năng, song cũng có nhiều yếu tố mang tính đặc thù. Do đó, BHXH tỉnh Bắc Giang đã tập trung phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố; Hội Nông dân các cấp; Liên minh các HTX và đặc biệt là sự vào cuộc của UBND các xã, phường để triển khai các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với từng nhóm cụ thể.

BHXH tỉnh cũng lưu ý, với hộ kinh doanh cá thể, không đến tuyên truyền, vận động ở những tháng “giáp hạt”, tránh những thời điểm như lúc mới lấy hàng, mới mua sắm vật tư, mới đầu tư… Đặc biệt, phải chọn thời điểm hộ có nguồn thu, chẳng hạn như các tháng cuối năm, dịp thu tiền hàng... Khi đó, cán bộ BHXH, nhân viên thu cùng với lãnh đạo thôn, tổ dân phố hoặc thông qua người thân để đến tuyên truyền, vận động. Quá trình tuyên truyền nên nhấn mạnh vai trò của hộ kinh doanh trong việc phát triển kinh tế gia đình cũng như với xã hội, đồng thời đề cập khéo leo trích một phần nhỏ kinh phí để tham gia BHXH.

Với hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, căn cứ vào báo cáo của các cấp Hội Nông dân, chủ động phối hợp với trưởng thôn, bản để rà soát các lĩnh vực mà các hộ đang tham gia sản xuất kinh doanh. Qua đó, tiến hành phân loại thời gian, địa điểm và cách thức tuyên truyền. Với các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cần phải bám sát thời điểm hộ đó thu hoạch thủy sản hoặc mùa thu hoạch hoa quả… rồi cử người bám sát tuyên truyền; có thể vận động nhóm này tham gia với thời gian đóng dài hạn (5 năm/lần), vì thời điểm thu hoạch, các hộ thường có khoản thu nhập khá lớn.

Ngoài ra, đối với các hộ sản xuất nông, lâm nghiệp có các con làm việc và có thu nhập ổn định tại các đơn vị, DN trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc có con đang đi xuất khẩu lao động, cơ quan BHXH cũng chủ động phối hợp tiếp cận tuyên truyền, vận động để gia đình tham gia cho nhiều người trong gia đình.

Đối với nhóm NLĐ trong các HTX, cơ quan BHXH chủ động, phối hợp với Liên minh HTX và Phòng Kinh tế các huyện tiếp cận Giám đốc các HTX để tuyên truyền. Đối với HTX có xã viên làm hợp đồng khoán công việc, bán thời gian, nhận khoán, nhận thầu của HTX không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có thu nhập ổn định và chưa tham gia BHXH tự nguyện, cần chủ động tiếp cận trực tiếp, tuyên truyền, vận động, phân tích lợi ích khi tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Đồng thời, thông qua hội nghị, cuộc họp, sự kiện của HTX để tuyên truyền, thông qua nhóm xã viên để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện.

Đối với nhóm người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố, bao gồm: Bí thư, Trưởng thôn, Phó thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số… Đây là thành viên chủ chốt trong Ban Dân vận cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các thành viên này cũng là thành viên Ban Vận động người dân tham gia BHXH, BHYT của thôn. Theo quy định, nhóm này làm việc kiêm nhiêm, bán thời gian và hưởng phụ cấp từ ngân sách theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, nên mức khoán phụ cấp cho nhóm này cũng khá cao.

Để vận động BHXH tự nguyện đối với nhóm này, cần phải rà soát, xác định người tiềm năng (trong độ tuổi) để tuyên truyền. Trước hết tuyên truyền, trang bị cho đội ngũ cán bộ này về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng; trang bị kỹ năng tuyên truyền, vận động- coi đây là “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH đến tận thôn, bản. Đồng thời, phân tích, tuyên truyền, vận động trực tiếp cho nhóm người này tham gia và vận động người thân cùng tham gia.

Vai trò của nhóm cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố rất quan trọng trong việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng tại thôn, tổ dân phố, do vậy cần vận động nhóm này tham gia đầy đủ để tiếp tục lan toả chính sách BHXH tự nguyện sang nhóm khác.

Với các nhóm trên, cần phải căn cứ tình hình thực tiễn để tuyên truyền, vận động, thuyết phục sao cho phù hợp với không gian, thời điểm, nhất là khả năng tài chính của từng nhóm. Riêng nhóm cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, cần đặc biệt quan tâm, do những người này có uy tín, tiếng nói, đồng thời là những người triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước đến tận người dân.

Đáng chú ý, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo cố gắng huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với Đảng ủy các cơ quan tỉnh để tuyên truyên, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT đến 100% đảng viên và viên chức thuộc các cơ quan trong tỉnh. Triển khai 15 quy chế, chương trình phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố… Qua đó, liên tục đẩy mạnh và phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang.

BHXH tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tuyên truyền BHXH, BHYT trên mạng internet. Trong đó, phân công, chỉ đạo BHXH các huyện thành lập ít nhất 2 kênh truyền thông trên nền tảng Zalo và Facebook. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Trung tâm VH-TT huyện tuyên truyền trên Đài Truyền thanh và trên Cổng Thông tin của huyện.

Riêng Phòng Truyền thông của BHXH tỉnh duy trì, cập nhật tổng hợp tin, bài thường xuyên trên website của BHXH tỉnh. Đặc biệt, duy trì việc tổ chức đều đặn hội nghị trực tuyến (livestream) trên Fanpage tối thứ 4 hàng tuần. Biên tập, cập nhật đầy đủ tin tức trên trang Zalo OA, kênh YouTube của BHXH tỉnh. Thường xuyên phối hợp và cung cấp tin, bài cho Báo Bắc Giang, Đài PTTH tỉnh và Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh.

Ngoài ra, thường xuyên biên tập, xây dựng các sản phẩm truyền thông, cung cấp cho BCĐ các xã, phường, thị trấn, các đơn vị trường học, phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Ghi hình, biên soạn, biên tập các đoạn clip, các bản Inforgaphic để gửi tuyên truyền trên các tổ, nhóm của tổ liên gia, tổ dân vận cộng đồng, hệ thống loa công cộng. Để phù hợp với đặc thù tính chất địa phương, Phòng Truyền thông còn biên tập các file ghi âm phù hợp với từng huyện, từng xã để phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Trong tháng 5- Tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHXH và Tháng 11- Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT của tỉnh Bắc Giang, tất cả hệ thống loa truyền thanh xã, phường đều đặn phát sóng 2 buổi/ngày vào giờ cao điểm là 5h30 sáng và 17h30 chiều; với các tháng còn lại phát sóng ít nhất 2 lần/tuần.

Cơ quan BHXH cũng chú trọng tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua việc tham mưu cho UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các phường, xã, thị trấn. Trên cơ sở kế hoạch đề ra, cán bộ BHXH và nhân viên thu phối hợp với chính quyền thôn, xã rà soát nhóm người tiềm năng để mời tham gia hội nghị. Tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tổ chức hội nghị độc lập, hội nghị lồng ghép, vừa tuyên truyền, vừa tiếp cận để tư vấn.

Ngoài việc tổ chức theo các hình thức truyền thống, cơ quan BHXH tại Bắc Giang còn đẩy mạnh các buổi ra quân theo chủ đề, theo mùa vụ, theo địa bàn thôn, xã, huyện. Tiêu biểu như: BHXH huyện Lục Ngạn ra quân tuyên truyền vận động vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm- đúng dịp bà con nông dân thu hoạch vải thiều xong…

Ngoài ra, xác định người có uy tín, người thân, anh em ruột thịt, ông bà, cha mẹ, con cháu có ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi cá nhân. Do vậy, cơ quan BHXH tập trung tuyên truyền cho người thân, người có uy tín để tác động đến người tiềm năng chưa tham gia BHXH. Cụ thể, tham mưu các cấp, các ngành phát động, giao chỉ tiêu cho cán bộ, đảng viên vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện. Đối với chính quyền thôn, tổ dân phố tham mưu chính quyền giao cho đảng viên chỉ tiêu vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện.

Hay như tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho đội ngũ CBVC tại các đơn vị, nhất là trong hệ thống ngành Giáo dục và ngành Y tế để CBVC hiểu rõ chính sách BHXH và vận động người thân tham gia. Tuyên truyền, vận động người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng vận động con cháu tham gia BHXH tự nguyện. Phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền tới cán bộ, chiến sĩ về lợi ích của BHXH tự nguyện để họ tuyên truyền, vận động, mua tặng thân nhân…

Cho đến nay, các mô hình, giải pháp phát triển BHXH tự nguyện vẫn đang được phát huy tích cực tại Bắc Giang. Hiệu quả được thấy rõ qua số người tham gia tăng mới ở từng năm; đồng thời tỷ lệ dừng đóng cũng từng bước được giảm xuống đáng kể. Dấu ấn nổi bật hơn cả chính là việc liên tục triển khai thành công Tháng cao điểm vận động BHXH tự nguyện từ năm 2020 đến nay.

“Năm 2024, đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện được BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai sớm hơn một tháng và kéo dài 2 tháng (tháng 4-5/2024). Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ tỉnh; sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến xã, thôn; sự tin tưởng vào chính sách của nhân dân… đợt cao điểm được diễn ra đồng loạt trên toàn tỉnh. Nhiều địa phương đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo và đạt được kết quả cao. Toàn tỉnh phát triển mới được 7.555 người, vượt 30,26% so với kế hoạch, tăng 2.355 người so với Tháng cao điểm năm 2023”- bà Nguyễn Thị Thu Huyền- Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết.

Tại địa bàn các huyện của Bắc Giang, cơ quan BHXH cũng đang linh hoạt áp dụng các biện pháp, mô hình phù hợp. Chẳng hạn như, tại huyện Hiệp Hòa đang triển khai mô hình tuyên truyền với nhóm hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; TP.Bắc Giang tập trung với nhóm hộ sản xuất kinh doanh cá thể; huyện Lạng Giang và TX.Việt Yên đẩy mạnh tuyên truyền gián tiếp, vận động cán bộ, đảng viên tham gia BHXH tự nguyện cho người thân; huyện Lục Nam và Lục Ngạn triển khai mô hình thôn điểm BHXH tự nguyện, thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền BHXH tự nguyện ngay sau khi kết thúc mùa vụ thu hoạch hoa quả (vải thiếu, cam, bưởi…).

Việc triển khai, áp dụng các biện pháp truyền thông hướng đích trên cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng và khả năng triển khai của từng đơn vị. Đặc biệt, các mô hình này được BHXH tỉnh Bắc Giang xây dựng hoàn toàn dựa trên điều kiện thực tiễn; do đó có khả năng áp dụng triển khai rộng rãi, dễ làm, không tốn kém.

Bài: Minh Đức

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới