* PV: Khép lại năm 2024 với nhiều thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là mở rộng diện bao phủ chính sách BHXH trên địa bàn. Ông có thể chia sẻ những giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo mà BHXH tỉnh Nghệ An đã triển khai để đạt được thành tựu này?
- Ông Hoàng Văn Minh- Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An:
Năm 2024 là năm mà BHXH tỉnh Nghệ An đã tập trung cao độ, tăng tốc để hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp, sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên toàn ngành, BHXH tỉnh Nghệ An đã vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhiều giải pháp đã được BHXH tỉnh Nghệ An chủ động triển khai thực hiện. Từ trước đó, chúng tôi đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025; đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết của từng cấp ủy các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; tham mưu UBND tỉnh lấy tháng 5 hàng năm là tháng cao điểm tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT (hiện nay là tháng vận động triển khai BHXH, BHYT toàn dân). Theo đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các hoạt động thông tin truyền thông chính sách BHXH được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với các nhóm đối tượng tại cơ sở.
Với phương châm “bám làng, bám dân”, “không để người dân phải tìm đến chính sách”, cơ quan BHXH từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và các Tổ chức dịch vụ thu thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ngay tại xóm, bản, làng, cụm dân cư; thời gian tổ chức tuyên truyền đảm bảo linh hoạt, kể cả ngày nghỉ và ban đêm. Cách thức tuyên truyền được chuyển từ hình thức độc thoại sang đối thoại, tư vấn, giải đáp chính sách trực tiếp với người dân. Việc thay đổi hình thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp với người dân là cơ hội để ngành BHXH đưa chính sách đến với người dân một cách kịp thời, đầy đủ và đúng định hướng.
BHXH tỉnh cũng đã thực hiện hình thức truyền thông huy động nhằm quyên góp ủng hộ kinh phí tặng sổ BHXH, thẻ BHYT và kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong giai đoạn 2019-2023, BHXH tỉnh đã kêu gọi và nhận được hơn 3 tỷ đồng để trao tặng 799 sổ BHXH tự nguyện, hơn 10 nghìn thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các hoạt động truyền thông được tổ chức thường xuyên, theo định kỳ, hằng năm (đặc biệt là từ năm 2019 đến nay), tùy thuộc vào từng nhiệm vụ chính trị cụ thể, BHXH tỉnh đã tổ chức các Sự kiện truyền thông – Tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm tuyên truyền BHXH, BHYT, Tổ chức Lễ ra quân vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thu hút sự chú ý của đại đa số tầng lớp nhân dân nhằm lan tỏa chính sách. Lễ phát động, Lễ ra quân được tổ chức đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh với sự tham gia và hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể viên chức, người lao động hai ngành Bưu điện và BHXH từ tỉnh đến huyện. Với sự chuẩn bị chu đáo và nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức ngay tại các địa bàn dân cư đã thu hút sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các các cấp tại các địa phương; gây được sự chú ý, tạo sức lan tỏa lớn trong tất cả các tầng lớp nhân dân.
Công tác truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi cơ bản nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội về trách nhiệm của đơn vị đối với việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào công tác tuyên truyền, đảm bảo thực hiện chính sách an sinh trên địa bàn tỉnh; Những thành quả của 30 năm xây dựng và trưởng thành của toàn ngành được giữ vững, niềm tin của đại đa số nhân dân về chính sách BHXH, BHYT ngày càng được củng cố, bồi đắp.
* Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách BHXH cho nông dân từ năm 1998. Theo ông, điểm khởi đầu này đã có ý nghĩa như thế nào với việc thực hiện chính sách BHXH tại Nghệ An hiện nay?
Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước từng thực hiện BHXH nông dân. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ý nghĩa nhân văn của BHXH nông dân đã bước đầu tạo được niềm tin của người nông dân trên địa bàn tỉnh đối với chính sách của Đảng, nhà nước.
Năm 2009, sau 10 năm triển khai, cùng với sự ra đời của Luật BHXH, trong đó có chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực thi hành; từ thực tiễn triển khai chính sách BHXH nông dân, Nghệ An đã phân tích, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, đúc rút những bài học kinh nghiệm và đã có kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ chuyển BHXH nông dân Nghệ An sang BHXH tự nguyện theo Luật BHXH.
Đây được xem là một thuận lợi lớn, là tiền đề để Nghệ An thực hiện thành công chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
* Nghệ An là một địa phương có nhiều điểm đặc biệt với diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, và dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm số lượng lớn dân số toàn tỉnh… Do đó, chính sách an sinh xã hội trong đời sống người dân càng có ý nghĩa quan trọng. Ông/bà có thể chia sẻ một số “dấu ấn” đáng nhớ của riêng BHXH địa phương mình trong chặng đường thực hiện mục tiêu an sinh xã hội chung này?
Có thể nói, nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, việc triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả cơ bản, làm chuyển biến cả trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp và người dân đối với chủ trương, chính sách BHXH, BHYT.
Thành tựu đầu tiên mà Nghệ An tự hào là sự phát huy hiệu quả sự vào cuộc và trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Điều đó thể hiện trong nhiều văn bản chỉ đạo bám sát thực tế thực hiện chính sách trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã thành tiêu chí để xem xét khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. Đến nay, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh, và 21/21 huyện, thành, thị và 460/460 xã, phường, thị trấn đã được kiện toàn do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng thành viên trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi chính sách BHXH, BHYT.
Đặc biệt, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn…
Song song với đó là sự chủ động của BHXH tỉnh Nghệ An nỗ lực tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác thu, phát triển người tham gia, xây dựng các “kịch bản” thu tương ứng với những yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời gian và diễn biến tình hình thực tế. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng đều qua các giai đoạn, cụ thể: năm 2025 tăng 51,62% so với năm 2015, năm 2015 tăng 49,14% so với năm 2005, năm 2005 tăng 77,17% so với năm 1995.
Đặc biệt, tại Nghệ An, số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nếu năm 2010 mới chỉ có 12.600 người tham gia, thì đến năm 2024 là 127.720 người, và ước tính đến năm 2025 là 137.938 người, tăng 125.338 người so với năm 2010 (tương ứng tăng 994,74%). BHXH tỉnh Nghệ An được đánh giá là một trong số những tỉnh dẫn đầu cả nước trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHYT đến năm 2024 là 2.991.118 người; ước tính đến năm 2025 là 3.066.284 người, đạt tỉ lệ bao phủ 95% dân số, tăng 2.485.879 người so với năm 2003 (tương ứng tăng 428,30%).
Công tác thông tin, truyền thông đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, làm cho đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, từ đó chủ động, tự giác tham gia BHXH, BHYT...
Không chỉ tập trung mở rộng độ bao phủ, BHXH tỉnh Nghệ An cũng đặt nhiệm vụ đảm bảo giải quyết đúng, đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT lên hàng đầu. Từ năm 1995 đến năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết và chi trả 2.602.548 lượt người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp. Tổng số tiền chi BHXH, BH thất nghiệp trong giai đoạn này là 126.867 tỷ đồng, trong đó riêng chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 110.739 tỷ đồng… Trong giai đoạn thực hiện hỗ trợ dịch bệnh Covid-19, BHXH tỉnh Nghệ An đã huy động tổng lực viên chức, người lao động cơ quan BHXH tập trung rà soát, tiếp nhận và hỗ trợ người sử dụng lao động giảm đóng quỹ BH thất nghiệp với số tiền 119,7 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 222.515 người lao động với số tiền 551,2 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh Nghệ An đã không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, người dân tham gia BHXH ngày càng tin tưởng và hài lòng về chính sách BHXH, BHYT…
* Chính sách BHXH, BHYT gắn liền với chăm lo đời sống nhân dân. Ông có thể chia sẻ rõ hơn, trong những năm qua, yếu tố con người- chủ thể thực hiện chính sách đã được BHXH địa phương bồi đắp, xây dựng như thế nào, để tạo dựng niềm tin với hệ thống chính trị, với người dân; cũng như xây dựng vị thế của cơ quan BHXH?
Để tạo dựng niềm tin với hệ thống chính trị, với người dân; cũng như xây dựng vị thế của cơ quan BHXH, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Nghệ An đã không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng mô hình cơ chế liên thông một cửa, giao dịch hồ sơ điện tử, giải quyết giao nhận hồ sơ, chi trả chế độ trực tiếp qua bưu điện, ngân hàng đúng quy trình, tiến độ. Việc tăng cường ứng dụng và sử dụng các phần mềm hỗ trợ có hiệu quả đã giúp cho công tác giải quyết hồ sơ, chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH đảm bảo chính xác, kịp thời. BHXH tỉnh Nghệ An không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH. Những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp BHXH tỉnh Nghệ An cảnh báo, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người dân có thẻ BHYT. Việc triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT.
BHXH tỉnh cũng thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; coi trọng công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ viên chức, chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc theo hướng phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, thực thi công vụ nhằm nâng cao trách nhiệm từng người trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục , tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.
* Năm 2025 cũng sẽ là một dấu ấn đặc biệt với ngành BHXH Việt Nam khi rất nhiều chính sách mới sẽ được triển khai khi một loạt văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành BHXH có hiệu lực như: Luật BHXH 2024, Luật BHYT sửa đổi, Luật việc làm… Đồng thời, hoạt động chuyển đổi số càng được đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh mục tiêu Chính phủ số đã và đang triển khai đồng bộ tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương… Để chuẩn bị cho bước phát triển mới này, BHXH Nghệ An đã có những chuẩn bị và tâm thế sẵn sàng như thế nào, thưa ông?
Mục tiêu cao nhất trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Để triển khai có hiệu quả Luật BHXH 2024, Luật BHYT sửa đổi, Luật việc làm…và các văn bản hướng dẫn thi hành, BHXH tỉnh Nghệ An sẽ bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, các Bộ ngành có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để triển khai Luật ngay từ những ngày đầu có hiệu lực. Song song với đó, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về những nội dung chính, những điểm mới của Luật để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho BHXH các huyện để đảm bảo việc thực hiện đúng quy định, quy trình, thủ tục, quyền lợi cho các nhóm đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
BHXH tỉnh Nghệ An luôn xác định việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng của Ngành. BHXH tỉnh Nghệ An đã và đang chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử quốc gia.
*Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Lương Thảo
Trình bày: Hà Hùng