PortalViewLongForm
E-magazine

Cần lấp đầy “khoảng trống” BHYT cho người cao tuổi

Shared facebook

Theo Nghị quyết 11 ngày 7/7/2023 của HĐND tỉnh Bắc Ninh, kể từ 1/1/2024, Bắc Ninh sẽ hỗ trợ người từ 60- 65 tuổi tham gia BHYT, thay vì chỉ hỗ trợ người từ 65- 80 tuổi như trước.

Trong năm 2022, đã có khoảng 39.000 người từ 65-80 tuổi tại Bắc Ninh được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; tổng kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là trên 29,98 tỷ đồng. Năm 2023, số được hỗ trợ là khoảng 41.560 người, với tổng kinh phí là khoảng 36,91 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Minh Hòa- Trưởng phòng Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trong năm 2024, theo chính sách hỗ trợ mới, dự kiến sẽ có thêm khoảng 4.300 người từ 60-65 tuổi được ngân sách tỉnh đóng BHYT 100%; tổng số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng trên 4,17 tỷ đồng. Như vậy, với chính sách này, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đạt bao phủ BHYT tới 100% người cao tuổi (NCT).

Sau tỉnh Bắc Ninh, tin vui tương tự cũng đến với những NCT tại TP.Hải Phòng. Ông Mạc Thanh Giang, Phó Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng phấn khởi cho biết, từ tháng 8/2024, số tham gia BHYT trên địa bàn sẽ có động lực phát triển mới tích cực hơn. Theo Nghị quyết của HĐND TP.Hải Phòng, Thành phố sẽ hỗ trợ 100% mức đóng BHYT với người từ đủ 60 tuổi đến 79 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH  (trước kia chỉ hỗ trợ cho nhóm từ 70 tuổi đến 79 tuổi). Như vậy, kể từ thời điểm này, Hải Phòng đảm bảo bao phủ BHYT tới 100% NCT trên địa bàn.

Ngoài 2 địa phương trên, còn có Hưng Yên, Kon Tum cũng hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho nhóm NCT từ 60 đến 79 tuổi. Tại các phương khác đã và đang hỗ trợ mức đóng BHYT cho NCT với độ tuổi ngày càng nới rộng.

Theo quy định của Luật NCT, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên được tính là NCT. Theo thống kê từ CSDL quốc gia về Dân cư, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu NCT, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, có khoảng 2,6 triệu người trên 80 tuổi (chiếm 15,9% tổng số NCT); 9,05 triệu NCT là nữ (chiếm 57,8%), 10,3 triệu NCT sống ở nông thôn (chiếm 64%). Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo là 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung của cả nước.

Theo quy định hiện hành (Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng), NCT từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu thì thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, đồng thời sẽ được cấp thẻ BHYT. Với NCT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, độ tuổi được hưởng bảo trợ xã hội, cấp thẻ BHYT là từ đủ 75 tuổi.

Chính sách này đã và đang tác động tích cực đến nhóm NCT ở nước ta, giúp nhiều NCT được cấp thẻ BHYT từ NSNN. Tuy nhiên, chủ yếu NCT phải từ 80 tuổi trở lên mới được cấp thẻ BHYT (thuộc diện NSNN đóng BHYT). Nhóm từ 60- dưới 80 tuổi, về cơ bản, nếu không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, sẽ phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Thực tế này dẫn đến khoảng trống BHYT với nhóm NCT từ 60- dưới 80 tuổi.

Như đã nêu, tại một số địa phương khác, cơ chế hỗ trợ cũng đã được xây dựng, tuy nhiên, có giới hạn độ tuổi được hỗ trợ cấp thẻ BHYT; thường dao động từ 70 hoặc 75 tuổi đến dưới 80. Do đó, tại nhiều tỉnh, thành phố, vẫn còn nhiều NCT chưa có BHYT.

Năm 2024, có 17 tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho nhóm NCT trên địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương với mức hỗ trợ từ 30-100% mức đóng BHYT.

NCT là một trong những nhóm đối tượng yếu thế, do đó, cần các cơ chế hỗ trợ, chăm sóc để đảm bảo an sinh tốt hơn. Cũng bởi lý do này nên các chính sách hướng tới NCT ngày càng được chú trọng hơn. Ở nước ta, Quốc hội đã ban hành 9 luật có liên quan đến NCT. Ngoài Luật NCT, còn có nhiều đạo luật liên quan đến NCT như: Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Lao động; Luật BHXH; Luật BHYT; Luật KCB; Luật Trợ giúp pháp lý...

Đặc biệt, Luật BHXH mới được ban hành sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025, có quy định: NCT từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Về BHYT, các chính sách cũng như cơ chế hỗ trợ tại các địa phương đã có tác động rất tích cực để thúc đẩy tỷ lệ bao phủ BHYT với nhóm NCT. Tuy nhiên, cần được nhấn mạnh mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ngày 25/10/2017 về công tác dân số là: Đến năm 2030, 100% NCT có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Già hoá dân số ở nước ta được dự báo sẽ ngày càng diễn ra nhanh hơn. Giai đoạn 2009- 2019, dân số tăng bình quân 1,14%/năm, trong khi dân số cao tuổi tăng bình quân 4,35%/năm, tương ứng bình quân tăng 400.000 NCT/năm; riêng giai đoạn từ 2019- 2021, bình quân tăng 600.000 NCT/năm.

Năm 2021, số NCT ở nước ta mới chỉ ở mức 12,5 triệu người, chiếm 12,8% dân số; nhưng đến nay, đã đạt 16,1 triệu người, chiếm 16% dân số. Số NCT tăng bình quân mỗi năm trong giai đoạn từ 2021 đến nay là khoảng 900.000 người.

Trước dự báo tốc độ già hoá dân số trong giai đoạn tiếp theo, rõ ràng, cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng chính sách và thực hiện BHYT cho NCT. Các cơ chế hỗ trợ như tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Kon Tum là rất tốt, đảm bảo bao phủ 100% BHYT đến NCT. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có đủ nguồn lực ngân sách để thực hiện cơ chế này. Ngay như tại Bắc Ninh và Hải Phòng, cơ chế hỗ trợ BHYT cho NCT cũng chỉ có thể thực hiện hiện theo lộ trình, từng bước.

Thiết nghĩ, cùng với việc cấp uỷ, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm và dành nguồn lực hỗ trợ hỗ trợ BHYT đến nhóm NCT, thì các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng cần tiếp tục mở rộng, hướng tới mục tiêu 100% NCT có BHYT vào năm 2030.

Bài: Minh Đức 

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới