PortalViewLongForm
E-magazine

“Cao thủ” dệt lưới an sinh ở Phú Thạnh

Shared facebook

“Tới hẹn lại lên nè chị Thanh Ba ơi”- chiếc xe gắn máy vừa dừng, nhưng tiếng chị Nguyệt đã vọng tới gia chủ- chị Nguyễn Thị Thanh Ba, chủ cửa hàng chuyên doanh lúa giống và thức ăn chăn nuôi ở phường Phú Thạnh. “Biết rồi, biết rồi”- chị Ba hồi đáp đính kèm nụ cười. Còn chị Nguyệt- nhân viên tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT (Công ty Truyền thông cộng đồng Phú Yên) tháng nào cũng ghé nhà chị Ba để thu phí tham gia BHXH tự nguyện. Nghe giới thiệu có phóng viên Tạp chí BHXH và cán bộ Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Phú Yên) đi cùng, chị Ba mừng rỡ đon đả mời chào. 

Theo lời giới thiệu, trước đây chị Ba công tác tại Công ty Giống, Kỹ thuật và Cây trồng Phú Yên. Sau khi nghỉ hưu, chị mở cửa hàng và làm đại lý cho Công ty. Đang hưởng lương hưu, chị Ba hiểu rất rõ ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, nên quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho chồng và con. Chưa dừng lại đó, hằng ngày chị còn “to nhỏ chuyện an sinh” với em ruột, em chồng. Nghe khuyên nhủ, lại tận mắt chứng kiến thực tế, gia đình hai người em cũng đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện. “Ai sướng như em Nguyệt nhà mình không. Chỉ cần tới mỗi nhà chị là thu phí BHXH tự nguyện mấy hộ khác luôn”- chị Ba nói vui.

Mấy năm trước, chị Nguyệt có dịp gặp và trò chuyện với chị Ba về BHXH tự nguyện. Nghe tư vấn, chị Ba mừng rỡ vì chồng và con mình cũng có cơ hội hưởng lương hưu. “Nói thực là lương hưu của mình chưa đủ để trang trải hết cuộc sống hiện tại. Nhưng càng phải nói thực hơn là, số tiền hưu ngoài 3 triệu mỗi tháng ấy giúp sinh hoạt gia đình nhẹ gánh hết sức luôn. Bởi vậy, mình phải chia sẻ câu chuyện an sinh thực tế đó tới mấy đứa em, để tụi nhỏ không bỏ lỡ cơ hội...”- chị Ba trải lòng.

Ở phường Phú Thạnh, chị Nguyệt là người tham gia BHXH tự nguyện sớm nhất. “Còn 4 tháng nữa là mình tham gia tròn 5 năm”- chị Nguyệt chia sẻ. Trước đó, chị Nguyệt là Hội trưởng Hội Phụ nữ phường, đồng thời là “cao thủ” vận động phát triển BHYT và hiện đang quản lý thu đối với hơn 1.600 người tham gia BHYT. “Kể nhà báo nghe, mấy năm trước, ước mơ lớn nhất của mình là được tham gia BHXH để sau này có lương hưu. Nhưng hoàn cảnh mình đâu có được vậy. Đương lúc đó thì BHXH tỉnh Phú Yên về phường Phú Thạnh tổ chức hội nghị về BHXH, BHYT. Mình nghe là mê, nên tham gia liền cho thỏa ước mơ”- chị Nguyệt nhớ lại.

Thỏa ước mơ khi tham gia BHXH tự nguyện, nhưng nhìn anh chị em ruột rà, bà con nội ngoại chưa biết tới BHXH tự nguyện, chưa biết tích lũy để sau này có lương hưu, chị Nguyệt bèn ra tay tư vấn, động viên. Đang là nhân viên đại lý thu BHYT của UBND phường, nên chị Nguyệt dễ dàng tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện để chia sẻ với mọi người. “Chỉ bản thân mình nói thôi thì không thể đạt hiệu ứng. Điểm hay ở Phú Thạnh là người này to nhỏ chuyện an sinh với người khác, hệt như chị Thanh Ba vậy. Nhờ vậy, ngày càng nhiều người ở phường tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách BHXH tự nguyện có điểm hay, ý nghĩa thiết thực, thì bà con mới tiếp tục lan tỏa cho nhau chứ...”- chị Nguyệt kể.

Hầu như ngày nào chị Nguyệt cũng chạy xe gắn máy tới các gia đình để giúp bà con tái tục BHXH tự nguyện, BHYT. Theo ước tính của chị Nguyệt, có khoảng 1/3 trong số hơn 1.800 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT có thể chuyển khoản, số còn lại đóng tiền trực tiếp. “Buổi trưa và buổi chiều, bà con thường gọi hoặc nhắn tin tới để tái tục. Ở địa phương mình, bà con hoặc mua bán nhỏ hoặc đi làm thuê, nên giờ đó mới rỗi, mới tranh thủ gặp nhau được”- chị Nguyệt giải thích.

Theo kinh nghiệm mấy năm “to nhỏ chuyện an sinh” của chị Nguyệt, những người buôn bán nhỏ ở phường Phú Thạnh thuộc diện dễ vận động nhất, bởi họ luôn “có đồng ra, đồng vô”. Còn với những gia đình khác dù không có điều kiện như người buôn bán nhỏ, song họ cũng cố tích cóp phòng thân, nên có thể vận động tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, nhiều người đi làm cho những DN chế biến hạt điều cũng chủ động dành dụm tham gia BHXH tự nguyện cho người thân...

Cũng từ kinh nghiệm của chị Nguyệt, ở phường Phú Thạnh, bà con làm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) khó vận động tham gia lưới an sinh nhất, bởi thu nhập của nhóm này vừa ít, vừa bấp bênh. “Thời gian gần đây, chuyện làm ăn, mua bán của bà con bị ảnh hưởng nhiều, làm hồ cũng ít việc, làm điều cũng không tăng ca nhiều, mua bán nhỏ thì ít sôi động, nhộn nhịp hơn trước... Vậy nên, mình phải ráng chịu nhọc đi thu từng tháng phí tham gia lưới an sinh để bà con nhẹ đóng”- chị Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm.

Trước đây, chị Nguyệt là nhân viên thu BHXH, BHYT kỳ cựu của UBND phường Phú Thạnh; còn nay chị là nhân viên thu của Công ty truyền thông cộng đồng Phú Yên- tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT lớn nhất trong số 4 đơn vị đang hoạt động ở địa phương duyên hải miền Trung này. Theo kinh nghiệm của chị Nguyệt, bà con khi tham gia BHXH tự nguyện thì ai cũng muốn theo tới cùng để nhận được lương hưu. Chỉ là, trong suốt quá trình ấy, vào lúc tái tục (tới hạn đóng phí), bà con có chuẩn bị tiền kịp hay không mà thôi. Thấu hiểu điều này, chị phải cẩn thận nắm chắc danh sách để nhắc bà con, giúp mọi người không bị động trong việc tham gia. Đặc biệt, với những trường hợp phát sinh sự cố đột xuất nên hụt tiền phí, chị Nguyệt cho tạm ứng trước, để câu chuyện an sinh của bà con được liên tục và tròn trịa.

Theo chị Nguyệt, trong hành trình thiết lập lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện, vì khá dài hơi, nên phải chuẩn bị chu đáo và cắt nhỏ chi phí. “Mình chịu khó thu hằng tháng là cắt nhỏ chi phí giúp bà con. Còn mình luôn nhắc hạn tái tục để bà con không bị động là chuẩn bị chu đáo. Mình nghĩ nguyên lý chỉ đơn giản vậy thôi. Thiệt ra, bản thân mình mơ ước ra sao về lương hưu, thì bà con cũng ước mơ na ná vậy. Rồi mình tính toán để đi đường dài thế nào (chuyện tham gia BHXH tự nguyện), thì bà con cũng tính vậy thôi. Đôi khi bà con bận bịu chuyện mưu sinh nhiều quá, nên chưa kịp tính vấn đề này, thì mình tính phụ bà con...”- người dệt lưới an sinh bằng trái tim chứa chan ở phường Phú Thạnh sẻ chia, đính kèm nụ cười tươi.

Bài: Đỗ Bá

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới