Những ngày cuối tháng 4, trong chuyến thực tế cơ sở ở Tiền Giang, chúng tôi có dịp vào thăm di tích Chiến thắng Ấp Bắc lịch sử ở xã Tân Phú (TX.Cai Lậy). Trên vùng đất từng diễn ra trận đánh lớn nhất miệt đồng bằng sông Cửu Long, nay người dân sống an yên, nhẹ nhàng với nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực.
Nghe có người đến nhà, chú Lê Văn Vĩ dừng tay tưới cây, hỏi vọng ra: “Mấy đưa tới rồi thì ngồi chờ chút nghen!”. Anh cán bộ xã dẫn đường cho chúng tôi cất tiếng: “Dạ, con đưa mấy anh phóng viên tới đây chú Hai ơi”. Ở xã Tân Phú, ai cũng kêu chú Vĩ là chú Hai, bởi ngoài việc đã 85 tuổi, chú còn là nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đặc biệt là một trong số rất ít người còn sống từng tham gia trận đánh Ấp Bắc lịch sử.
Sau hồi chỉn chu lại bộ quần áo đang mặc, chú Hai đưa chúng tôi vào bàn giữa nhà cho trang trọng. Nhấp ngụm trà rồi chú mới nhẹ nhàng hỏi: “Giờ mấy đứa muốn nghe chuyện chi nè”. Vậy là, dòng thời gian bắt đầu quay ngược dần về những năm tháng chiến tranh. Như lời chú Hai, lúc diễn ra trận Ấp Bắc, chú mới 21 tuổi, giữ chức Phó ban An ninh xã. Với vai trò địa phương quân, chú không tham gia trực tiếp các trận đánh như quân chủ lực. Song, diễn tiến trận đánh được chú thuật lại vẫn cứ dữ dội và hào hùng.
Sau trận đánh Ấp Bắc, chú Hai được tổ chức điều làm an ninh huyện, rồi an ninh tỉnh. Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), chú Hai lại được tổ chức phân công giữ chức Phó Công an huyện Cai Lậy. 6 năm trước khi nghỉ hưu theo chế độ, chú Hai giữ vai trò Bí thư Đảng ủy xã. Cả đời theo cách mạng, theo ngành an ninh, cống hiến cho quê hương đất nước, nên chú cũng định hướng cho cả 3 người con trai theo ngành Công an. “Tui lương hưu mỗi tháng hơn 7 triệu. Bà nhà tui thụ hưởng chính sách người có công nên nhận hơn 1,5 triệu mỗi tháng. Vợ chồng tui sống an yên với mảnh vườn nhỏ này. Mấy đưa nhỏ không cần lo lắng chi cả. Lắm khi mình còn chi viện ngược lại cho mấy đứa cháu, con của con gái thứ 3 sống gần nhà đây...”- chú Hai mỉm cười chia sẻ.
Mượn sân nhà cha mẹ đặt máy may để may túi xách gia công, con gái chú Hai nói may 100 túi xách mới được 27 nghìn đồng thù lao. Mỗi ngày ngoài chuyện cơm nước và lo tụi nhỏ đi học, chị may tổng cộng cỡ 500 túi xách, tính ra cũng đủ chi phí sinh hoạt, vì ở xã này nhà nào cũng nhẹ lo BHYT do được thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân xã ATK. Thím Hai đang lúi cúi vừa rửa chén, vừa góp thêm lời: “Đây là vùng đất cách mạng, bà con ở đây cũng nhiều người thụ hưởng chính sách có công, cuộc sống nhờ vậy không quá nặng gánh lo...”.
Theo anh Trần Minh Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, kiêm Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã, toàn địa bàn có hơn 5.000 dân. Trong đó, có hơn 450 người đang thụ hưởng chính sách người có công. “Ngoài chính sách chung, chính quyền xã Tân Phú đặc biệt chăm lo cho người có công, như cách tri ơn của thế hệ sau với thế hệ ông cha đã cống hiến, hy sinh vì sự thống nhất đất nước hôm nay...”- anh Hồng chia sẻ. Ngoài các hoạt động thăm viếng, tặng quà dịp lễ, Tết, những người có công trên địa bàn xã Tân Phú còn được chính quyền lo đảm bảo an sinh hoặc giúp chỉnh trang nhà cửa...
Cũng theo anh Trần Minh Hồng, nhờ chính sách hỗ trợ người dân xã ATK được triển khai gần đây, nên người dân trên toàn địa bàn xã Tân Phú đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. “Lo cho bà con thẻ BHYT để bà con được chăm sóc sức khỏe là cách thiết thực đền ơn đáp nghĩa. Cả xã được thụ hưởng chính sách này là chúng tôi rất mừng, bà con cũng rất phấn khởi. Cũng nhờ chính sách này, BCĐ xã thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Lưới an sinh nơi đây đã chắc một bề rồi, chúng tôi đang dốc sức dệt chắc bề còn lại...”- anh Hồng chia sẻ thêm.
Liên quan đến câu chuyện dệt lưới an sinh với BHXH tự nguyện ở xã Tân Phú, địa phương nơi chứng kiến Chiến thắng Ấp Bắc lịch sử luôn thực hiện đạt vượt chỉ tiêu được giao. Hồi năm 2023, toàn xã được giao đạt tỷ lệ bao phủ 32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, nhưng đã đạt tới 42%. Trong năm 2024, xã Tân Phú được giao chỉ tiêu phát triển 80 người tham gia BHXH tự nguyện, nên toàn hệ thống chính trị-xã hội của xã đang tích cực vào cuộc thực hiện với quyết tâm rất cao.
Như lời anh Hồng, trong thời gian qua, việc phát triển BHXH tự nguyện dựa vào vận động người hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua tặng sổ BHXH và CBCCVC đăng ký tham gia cho người thân. Còn năm nay, ngoài tiếp tục phát huy cách làm trước đó, còn mở rộng vận động hơn nữa... “Giúp các cô, các chú trên địa bàn xã có cơ hội nhận được tiền hưu sau này cũng là cách mà thế hệ trẻ Ấp Bắc luôn tự hào về chiến thắng của cha ông, đền ơn đáp nghĩa và phục vụ thiết thực...”- lãnh đạo xã Tân Phú trải lòng.
Trên đường từ UBND xã Tân Phú vào Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc để thắp nhang tưởng niệm 3 chiến sĩ đã hy sinh trong trận Ấp Bắc, anh Trần Văn Kính- Giám đốc BHXH TX.Cai Lậy còn chia sẻ thêm, 100% người hưởng lương hưu trên địa bàn xã Tân Phú đã nhận tiền chế độ qua tài khoản (toàn TX.Cai Lậy tới nay cũng đã bao phủ 100% số người nhận tiền lương hưu qua tài khoản). Theo anh Kính, trên vùng đất Tân Phú anh hùng, nơi diễn ra trận đánh Ấp Bắc lịch sử, âm vang chiến thắng vẫn còn mãi, không chỉ vọng theo chiều dọc thời gian, còn ở các khía cạnh khác của đời sống xã hội, trong đó có công tác dệt lưới an sinh.
Chúng tôi cùng thắp nhang tưởng niệm những người anh hùng đã làm nên Chiến thắng Ấp Bắc lịch sử, cùng lắng đọng nghĩ suy về vùng đất, con người nơi đây. Quả như câu hát tới nay vẫn lưu truyền: “Bom rơi thì mặc bom rơi/Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng/Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng/Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng”.
Thực hiện: Thanh Giang
Trình bày: Hà Hùng