PortalViewLongForm
E-magazine

Đảm bảo an ninh mạng để hệ thống hoạt động hiệu quả nhất

Shared facebook

Trao đổi với Tạp chí BHXH về vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Tấn- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06- Bộ Công an), Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết:

- Thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Sự quyết tâm từ Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có ngành BHXH Việt Nam đã giúp gia tăng hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi của người dân. Mô hình hoạt động mới dựa trên nền tảng số đã thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra nhiều tiện ích cho người dân. Những thay đổi này tiếp tục khẳng định đây là phong trào, xu thế, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển kinh tế- xã hội của thời kỳ 4.0.

Nguyên tắc đảm bảo triển khai thành công Đề án 06, đó là: “5 vấn đề- 4 xuyên suốt- 3 giá trị- 2 nhận thức- 1 quyết tâm”. Tức là: Để thực hiện thành công đề án này phải hoàn thiện 5 vấn đề về pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người); việc tổ chức triển khai phải xuyên suốt 4 cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; quán triệt việc triển khai để tạo ra 3 giá trị (văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm); nhận thức đúng và có giải pháp sáng tạo; đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo, điều hành, phải phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian” và có cơ chế kiểm tra, giám sát.

* PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024?

- Đại tá Vũ Văn Tấn: Do thực hiện tốt những nguyên tắc đã đề ra, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều tác động vào công cuộc chuyển đổi số nói chung và triển khai Đề án 06 nói riêng. Việc ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam đã góp phần tối ưu hóa quy trình, tạo thuận lợi cho DN và người dân khi tham gia các hoạt động giao dịch thuộc lĩnh vực bảo hiểm. Đến nay cả nước có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 10% so với năm 2023).

Thực tế cho thấy, trong thời gian đầu triển khai chi trả chế độ BHXH không dùng tiền mặt, nhiều người e ngại khó làm được vì trong số những người hưởng các chế độ BHXH có nhiều người cao tuổi- những người ít tiếp xúc và sử dụng CNTT. Nhưng trên thực tế, đến nay nhiều địa phương đã có trên 90% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM; tỷ lệ nhận trợ cấp BH thất nghiệp, BHXH một lần bằng phương thức không dùng tiền mặt đạt cao hơn nhiều.

Hay trong triển khai thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, đến nay 100% cơ sở y tế đã chấp nhận KCB bằng CCCD gắn chip hoặc tài khoản VNeID mức độ 2 thay thế thẻ BHYT. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống quét thẻ chip tại tất cả các BV với thiết bị thông minh, đồng thời đẩy mạnh sử dụng ứng dụng “VssID-BHXH số”, nhằm chấm dứt tình trạng gian lận quỹ BHYT.

Với việc triển khai thủ tục KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, vừa đơn giản hóa thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế. Cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Thời gian tiếp đón bệnh nhân nếu thực hiện qua Kiosk sinh trắc đã giảm 12 lần (từ 3 - 5 phút/lượt xuống còn 15-30 giây/lượt).

Cùng với đó, cơ quan chức năng phải làm sạch dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý dữ liệu, xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến lĩnh vực trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Thời gian qua, chúng ta đã triển khai hiệu quả 2 DVC liên thông là “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”. Ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 1 triệu hồ sơ thông qua 2 nhóm TTHC liên thông này; hỗ trợ các địa phương kết nối phần mềm; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan cập nhật, điều chỉnh phần mềm...

Thực hiện kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu, xác thực hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về Dân cư. Trong đó, có khoảng 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 98% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về Dân cư; phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VNeID. Đến nay, đã có hơn 19,4 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công để tích hợp lên ứng dụng VNeID.

Đồng thời, BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai thí điểm Sổ Sức khỏe điện tử, kết nối, liên thông dữ liệu BHYT của 47 BV, 30 PKĐK và 297 trạm y tế; đồng bộ hơn 3,5 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân lên cổng CSDL quốc gia về Bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

* Bên cạnh những thành tựu đó, ông dự báo những thách thức mà ngành BHXH Việt Nam phải đối mặt là gì? Ông có cảnh báo gì để đảm bảo an toàn thông tin toàn hệ thống?

- Có thể nói, ngành BHXH Việt Nam đang đối mặt với những thách thức vì sự thay đổi trong cơ cấu việc làm, thị trường lao động từ những biến động của thị trường toàn cầu và do quá trình chuyển đổi số mang lại. Do đó, cần xây dựng một hệ thống CNTT liên kết, đồng bộ để việc quản lý và giám sát hoạt động BHXH, BHYT được thống nhất và hiệu quả hơn, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi trong tương lai.

Theo tôi, trước hết cần nâng cao nhận thức người đứng đầu các cấp ở địa phương, quyết liệt chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, thống nhất nhận thức hành động và tổ chức thực hiện trong chuyển đổi số. Tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an trong triển khai Sổ sức khỏe điện tử để người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan cập nhật, điều chỉnh phần mềm đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị định số 63/2024/NĐ-CP về triển khai 2 nhóm TTHC liên thông là “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”, hỗ trợ các địa phương kết nối với phần mềm liên thông.

Cùng với đó, xây dựng giải pháp phối hợp với ngành Y tế để triển khai hệ thống Kisok tại các BV để chấm dứt tình trạng gian lận bảo hiểm.

Nghiên cứu triển khai dịch vụ chấm điểm khả tín đối với người dân, người thất nghiệp, yếu thế vay vốn để tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn sạch thông qua dữ liệu của BHXH Việt Nam được liên kết, đồng bộ sang CSDL quốc gia về Dân cư. Cần đẩy mạnh kết nối CSDL quốc gia về Bảo hiểm để triển khai Đề án Xây dựng sàn giao dịch việc làm phục vụ triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Để hỗ trợ ngành BHXH Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cam kết sẽ tăng cường phối hợp, đồng hành, chia sẻ thông tin và cung cấp các giải pháp về an ninh mạng, đảm bảo hệ thống bảo hiểm hoạt động một cách an toàn và hiệu quả nhất, hỗ trợ thông tin để phát triển người tham gia.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Châu Anh (Thực hiện)

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới