PortalViewLongForm
E-magazine

DN chậm, nợ BHXH, NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi

Shared facebook

Liên quan đến việc xử lý DN nợ BHXH, thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến chỉ rõ những bất cập của chính sách như: Sự thiếu chặt chẽ, chồng chéo trong các quy định, chế tài không đủ mạnh khiến nhiều DN nhờn với luật. Theo Điều 17 Luật BHXH 2014, hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bị nghiêm cấm, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Còn theo Điều 11 Luật BHYT, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định, chứ chưa quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng. Như vậy, cả Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng dù đã được quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng, nên không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt vi phạm hành chính- vốn là cơ sở cho việc xử lý hình sự. Thực tế cho thấy, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHYT theo quy định...

Mặt khác, Điều 216 Bộ luật Hình sự nêu rõ quy định hành vi trốn đóng BHXH như sau: “Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên”. Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng BHXH là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác. Tuy nhiên, do không tách biệt rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng, nên có sự khác nhau trong việc hiểu và xác định hành vi, yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành tội phạm giữa các văn bản.

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai, cơ quan BHXH không có công cụ để xác định được hành vi vi phạm đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán. Do đó, dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp.

Ngày 29/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi)- Luật BHXH 2024, trong đó bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Theo đó, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, trốn đóng; đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BH thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng, còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, Luật BHXH 2024 không chỉ làm rõ khái niệm chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, mà còn bổ sung trách nhiệm của chủ DN phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, đóng BHXH không kịp thời, gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đây là một giải pháp mạnh và rõ ràng. Như vậy, với những thay đổi, bổ sung của Luật BHXH 2024, không chỉ hành vi trốn đóng mới bị xử lý hình sự, mà cả những DN không đóng, đóng không đủ hoặc đóng chậm BHXH đều có thể bị xử lý hình sự, khiến DN phải chùn tay khi thực hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT.

Cụ thể, DN không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT từ 6 tháng trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50-300 triệu đồng; trốn đóng cho từ 10 đến dưới 50 NLĐ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng. Phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với các trường hợp trốn đóng BHXH từ 2 lần trở lên hoặc trốn đóng từ 300 triệu đồng trở lên; DN trốn đóng cho từ 50 NLĐ trở lên thì bị xử lý hình sự mà không xét đến việc có bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó hay chưa. Hành vi trốn đóng từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; trốn đóng từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.

Theo Luật sư Nguyễn Chiến- Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Chiến, tình trạng nợ lương, trốn đóng BHXH của các DN vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội và là bài toán khó giải đối với cơ quan chức năng trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đáng nói, việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về thi hành quyết định xử phạt. “Những trường hợp này, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện để xử lý đã khó, nhưng khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi, thì việc thi hành lại càng khó hơn”- Luật sư Chiến chỉ rõ.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Chiến, chế tài xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm để có sức răn đe. Do đó, có trường hợp DN tuyên bố phá sản, thay đổi pháp nhân hoặc dừng hoạt động, để né tránh nghĩa vụ đối với NLĐ. “Việc xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH nên có sự thay đổi theo hướng gia tăng, bổ sung biện pháp. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Các chế tài này cần được quy định rõ ràng và đúng về bản chất hành vi. Trên cơ sở đó, mới quy định được phương thức, mức độ xử lý, cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý và biện pháp bảo đảm thi hành chế tài…”- Luật sư Chiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Luật sư Chiến, Luật BHXH 2024 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý về BHXH và thanh tra trong việc xử lý DN vi phạm. Với quy định này, ngành BHXH Việt Nam, ngành LĐ-TB&XH cũng như những cơ quan liên quan sẽ phải “dốc sức” đôn đốc, có thêm biện pháp để buộc DN phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, có những giải pháp đồng bộ và căn cơ trong xây dựng chế tài xử phạt nhằm tăng tính răn đe, giúp các DN nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia BHXH cho NLĐ.

Bài: Nguyệt Hà

Đồ họa: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Bình luận mới