PortalViewLongForm
E-magazine

Kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống an sinh xã hội của các nước

Shared facebook

Có người cho rằng chuyển đổi số (CĐS) là ứng dụng CNTT; có người lại cho rằng CĐS là quá trình chuyển từ các văn bản, tài liệu giấy, sang các phiên bản điện tử… Nhiều nơi, nhiều cơ quan buộc các nhân viên sau khi có bản tài liệu giấy (còn gọi là bản cứng) thì phải gửi cả bản điện tử để… đối chiếu.

Thực ra, hiểu như vậy có phần không sai, nhưng chưa đầy đủ hoặc đôi khi lại gây thêm những phiền hà không cần thiết. Vậy, CĐS là gì?

Những vấn đề có liên quan đến CĐS đã có ở mức độ nhất định khi CNTT ra đời. Nhưng phải đến khi bùng nổ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thì CĐS mới được phát triển. CMCN 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi có tính bản chất của kinh tế- xã hội toàn cầu và một trong những thay đổi đó là quá trình CĐS.

Các chuyên gia công nghệ và kinh tế có nhiều nhận định khác nhau, đánh giá khác nhau về CĐS, nhưng đều khẳng định CĐS là sản phẩm và là hệ quả tất yếu của cuộc CMCN 4.0, là xu thế khách quan không thể đảo ngược xu thế trong kỷ nguyên số và không một quốc gia nào đứng ngoài, không bị tác động, dù đó là nước phát triển hay đang phát triển.

Hiểu một cách chung nhất, theo chúng tôi, CĐS (digital transformation) là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức hoạt động trên môi trường số và tạo ra giá trị mới.

Với cách tiếp cận đó, CĐS trong lĩnh vực BHXH, BHYT là quá trình sử dụng các dữ liệu về quản lý và hoạt động BHXH, BHYT và ứng dụng các công nghệ số để thay đổi toàn diện hệ thống BHXH về phong cách làm việc, phương thức hoạt động trên môi trường số, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Để CĐS thành công trong BHXH, ngoài đầu tư công nghệ, trước hết cần có nhân lực số BHXH. Nguồn nhân lực số BHXH được thể hiện trên các phương diện như:

- Có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác của các hoạt động BHXH, BHYT ở cả cấp độ hệ thống (xây dựng thể chế, chính sách) và hoạt động cụ thể của BHXH, BHYT (quản lý đối tượng, quản lý các hoạt động thu chi và đầu tư quỹ BHXH).

- Có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường làm việc 4.0 của hệ thống BHXH hiện đại và với tiến bộ khoa học công nghệ mới.

- Có tác phong kỷ luật và đạo đức công vụ, văn hóa trong công việc, lấy người dân, đối tượng làm “trung tâm”.

- Có khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo.

Các nước trên thế giới đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nhân lực số nói chung và nhân lực số BHXH nói riêng.

- Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu đã ưu tiên và hỗ trợ phát triển kỹ năng số cho mọi thành viên trong xã hội. Khung năng lực số cho công dân châu Âu gồm 21 năng lực, chia thành 5 nhóm: (1) Hiểu biết thông tin và dữ liệu (gồm 3 năng lực); (2) Giao tiếp và cộng tác (gồm 6 năng lực); (3) Sáng tạo nội dung số (gồm 4 năng lực); (4) An toàn (gồm 4 năng lực) và (5) Giải quyết vấn đề (gồm 4 năng lực).

Từ khung năng lực này, các nước cụ thể hóa các tiêu chí đặc thù của BHXH, BHYT xây dựng khung năng lực số nhân lực BHXH, BHYT tương thích.

- Tại Trung Quốc, chính phủ đã có các giải pháp tổng thể xây dựng "Trung Quốc số", với mục tiêu là đến năm 2025 cơ bản hình thành bố cục thúc đẩy kết nối thông suốt, hài hòa và hiệu quả, mở rộng quy mô và chất lượng nguồn lực số để nhanh chóng gia tăng giá trị của các dữ liệu, tích hợp các dữ liệu xã hội (trong đó, có dữ liệu về an sinh xã hội, BHXH quốc gia).

Trung Quốc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để thực hiện thông minh hóa trong hoạt động quản lý xã hội, quản trị hệ thống an sinh xã hội, BHXH quốc gia do Bộ nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đảm nhận. Hệ thống này hướng tới tiện lợi hóa cho người dân, xây dựng hệ sinh thái số; hệ thống quản trị số trong lĩnh vực an sinh xã hội, BHXH.

Việc xây dựng "Trung Quốc số" được tiến hành theo bố cục "2 nền tảng" là hạ tầng số và hệ thống tài nguyên số; "2 khả năng" là tăng cường hệ thống đổi mới công nghệ số và hàng rào an ninh số.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chính phủ Trung Quốc đã chú trọng CĐS với các ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là làm cho người dân tiếp cận rộng hơn với dịch vụ chăm sóc ban đầu, cung cấp đầy đủ sự kết hợp giữa dịch vụ y tế từ xa và hiệu thuốc điện tử.

Thực hiện số hóa các dịch vụ của BV, các BV đang thiết lập các cổng kỹ thuật số để tương tác với bệnh nhân, cung cấp một cổng thông tin toàn diện để họ đặt lịch hẹn, đặt thuốc và truy cập hồ sơ.

Ở Trung Quốc hiện có tới 1.000 “BV Internet”, bao gồm các dịch vụ từ sự hợp tác của các BV truyền thống và các nhà công nghệ. Các BV đang tận dụng các kênh kỹ thuật số để cải tiến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc thông qua tư vấn trực tuyến và hiệu thuốc điện tử, đồng thời đưa hệ thống hỗ trợ thông tin BV (HISS) trực tuyến và thoát khỏi kỷ nguyên giấy mực.

Trung Quốc hiện cũng đã áp dụng thẻ an sinh xã hội điện tử cho người dân. Thẻ an sinh xã hội điện tử dựa trên ứng dụng WeChat sẽ cho phép người sử dụng cung cấp thông tin nhận dạng, tình trạng, hồ sơ thanh toán và các thông tin liên quan đến đến quyền lợi của người được bảo hiểm.

Chính phủ Trung Quốc đồng thời cũng sử dụng WeChat như là kho lưu trữ dữ liệu điện tử của người dùng. Điều này tạo cơ hội và điều kiện tận dụng nguồn lực xã hội để phát triển các ứng dụng kỹ thuật số của Chính phủ, góp phần giúp người dân được tiếp cận rộng rãi hơn với DVC một cách tiện dụng.

- Tại Italy, ngoài việc phát triển nguồn nhân lực số về BHXH theo Chương trình công dân số châu Âu, chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ hạ tầng công nghệ để quản lý hệ thống BHXH, tập trung quản lý quỹ BHXH theo hướng an toàn, minh bạch, công khai. Mọi NLĐ tham gia BHXH được cấp mã định danh BHXH và người dân có quyền và có thể kiểm tra được các “dòng” tiền của quỹ BHXH, biết được các hướng đầu tư, các khoản đầu tư của quỹ BHXH thông qua điện thoại thông minh hoặc các điểm công cộng. Đây cũng rất điển hình về CĐS và ứng dụng công nghệ số của một số nước trên thế giới.

Một vài khuyến nghị

- BHXH, BHYT là một lĩnh vực dịch vụ- phục vụ, nơi thường xuyên diễn ra sự tương tác giữa các cơ quan công quyền và người dân. Vì vậy, CĐS trong lĩnh vực BHXH, BHYT diễn ra từ trung ương đến cơ sở, từ DN đến người dân, NLĐ với sự đa dạng, phức tạp, từ việc thiết lập, quản lý hồ sơ bảo hiểm, đến việc thu- chi BHXH, quản lý đầu tư quỹ BHXH… 

Muốn CĐS thành công trong lĩnh vực BHXH, bên cạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, trước hết phải có nguồn nhân lực số, có các kỹ năng số về BHXH. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực BHXH số là yêu cầu cấp thiết. Các nhân viên BHXH phải nâng tầm mình, trang bị những kỹ năng mới mà trước đó chưa từng có. Đó không chỉ là kỹ năng chuyên môn (được số hóa) mà còn có các kỹ năng mềm, nhất các kỹ năng xã hội, kỹ năng hành vi, trở thành CCVC số, công dân số, có văn hóa số. 

Để CĐS trong lĩnh vực BHXH thành công, đòi hỏi phải phát triển đội ngũ nhân lực của ngành có kỹ năng số (digital skills) bao gồm một loạt các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép mỗi người tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Để có những kỹ năng này, các nhân viên BHXH, một mặt tự đào tạo, mặt khác, phải được đào tạo, bồi đưỡng thông qua hệ thống trường lớp.

- Về mặt nhận thức, cần phải coi kỹ năng số là một chỉ số trong phát triển con người Việt Nam nói chung và nhân lực BHXH nói riêng. Ngành BHXH Việt Nam cần cụ thể hóa các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực số với những chương trình cụ thể, phân lớp kỹ năng cho các nhóm nhân lực khác nhau.

Trước hết, cần xây dựng khung năng lực/kỹ năng số cho đội ngũ CCVC trong Ngành. Cần rà soát kỹ năng CNTT của toàn bộ hệ thống BHXH, xây dựng lộ trình đào tạo kỹ năng số để xác định các xu hướng và những kỹ năng còn thiếu; nuôi dưỡng năng lực số nền tảng cho những CCVC ngay từ khi vào Ngành và luôn tự học hỏi, tự nâng cao trình độ.

- Hoàn thiện thể chế BHXH, BHYT trong kỷ nguyên số nhằm tạo ra hệ thống BHXH đa tầng, hệ thống BHXH thông minh. Xây dựng hệ sinh thái BHXH, BHYT số, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc, chia sẻ, minh bạch và có tính bảo mật cao.

- Về mặt công nghệ, cần đầu tư đồng bộ, hiện đại cả phần cứng và phần mềm trong quản lý, quản trị hệ thống, gia tăng tiện ích cho các đối tượng thụ hưởng BHXH, BHYT. Cần hướng tới mỗi công dân chỉ có một mã số cho các hoạt động trong đời sống xã hội, gồm cả việc tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH và BHYT nói riêng.

Bài: PGS.TS. Mạc Văn Tiến (Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông)

Đồ họa: Thanh An

Tài liệu tham khảo: Gardner, A. (2021, 3 16). BNN Bloomberg. Retrieved from Remote work listings in U.S. doubled in year, job site finds: https://www.bnnbloomberg.ca/remote-work-listings-in-u-s-doubled-in-year-jobsitef-inds-1.157752); Trần Văn Huấn (2021), Xã hội số và và vấn đề quản lý xã hội, Tạp chí Lý luận Chính trị; Nguyễn Tiến Hùng (2022) ASXH ở Việt nam trong thời kỳ CĐS, Tạp chí Cộng sản; Kenechi Okeleke, Henry James & Yoonee Jeong: Advancing Digital Societies in Asia, GSMA Head Office, United Kingdom, 2016, tr.6, 9; Neil Selwyn: What is Digital Sociology? Politics Press, UK & USA, 2019, tr.11; Ngân hàng thế giới (WB, 2019), Tương lai việc làm Việt Nam: Khai thác xu hướng lớn cho sự phát triển thịnh vượng hơn, Báo cáo tổng quan; ILO (2020), Digital skills and the future of work; Simon Lindgren: Digital Media & Society, SAGE, USA, Indian, Singapore, 2017, tr.4.


Viết bình luận
Bình luận mới