PortalViewLongForm
E-magazine

“Lưới an sinh” cho lao động phi chính thức: Cách hóa giải vướng mắc

Shared facebook

Hình ảnh dòng người rời bỏ thành phố trở về quê tìm việc làm vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam khó có thể xóa nhòa trong tâm trí nhiều người. Cú sốc do đại dịch gây ra tác động mạnh và cho thấy rõ hơn tình trạng bấp bênh của nhóm lao động phi chính thức- khu vực có việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có HĐLĐ hoặc có nhưng không được đóng BHXH bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác…

Trong khi đó, mặc dù Việt Nam đã có nhiều chương trình, chính sách khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, song tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức tham gia chính sách này vẫn đạt thấp, thậm chí có đến 90% lao động phi chính thức không tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào. Cụ thể: Năm 2022 có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ bao phủ 3,18% dân số; năm 2023 tăng lên khoảng 1,9 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 4,09%; dự kiến năm 2024 tăng lên 2,56 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 5,42%.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), số lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện thấp một phần do thu nhập của nhóm này bấp bênh, không ổn định, nên họ thường chú trọng đến những nhu cầu trước mắt, chứ chưa quan tâm đến việc lo cho tương lai. “Nhóm này ít tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, còn tâm lý trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước và còn tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con”. Họ chưa hình thành được văn hóa đóng-hưởng, tức là tự bảo đảm an sinh xã hội thông qua tích lũy, đóng góp khi trẻ để hưởng thụ khi già. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất”- ông Thọ chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện mức hỗ trợ của Nhà nước chưa tạo được “cú hích” khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu còn dài (20 năm) cũng làm nản lòng một bộ phận người dân; chế độ BHXH tự nguyện còn ít nên chưa tạo sự hấp dẫn. Tuy nhiên, đối với chính sách này, để có thêm nhiều chế độ khác, đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn từ NSNN mới đảm bảo được.

“Nếu NSNN có điều kiện thì sẽ hỗ trợ người dân nhiều hơn, từ đó đưa BHXH tự nguyện trở thành chính sách an sinh xã hội mang tính chủ động, tránh việc khi về già phải nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Ngoài ra, việc lan truyền một số thông tin sai lệch về BHXH, nhất là tính toán mức hưởng sau này chưa rõ cũng phần nào làm người dân e ngại khi tham gia”- ông Thọ phân tích.

Nhưng đây mới chỉ là “bề nổi” của vấn đề. Theo phân tích của GS-TS.Giang Thanh Long- Giảng viên cao cấp (Khoa Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), việc tham gia BHXH tự nguyện của lao động khu vực phi chính thức không chỉ được quyết định bởi vấn đề thu nhập thấp hay việc làm bếp bênh. Với những hộ gia đình có lao động phi chính thức mà có nhiều con đang trong độ tuổi đi học, nếu càng có nhiều con thì xác suất tham gia BHXH tự nguyện càng ít. Bên cạnh đó, nếu số người trong hộ gia đình tham gia BHXH cao, thì xác suất không tham gia BHXH sẽ thấp hơn. Điều đó có nghĩa, các thành viên trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới việc quyết định tham gia hay không tham gia của lao động phi chính thức.

Cũng theo GS-TS.Giang Thanh Long, thực tế cho thấy, 99% chủ hộ lao động kinh doanh có thu nhập trung bình và cao nhưng có chưa đến 2% tham gia BHXH tự nguyện. Rõ ràng, về mặt thu nhập, họ hoàn toàn đáp ứng được, nhưng có thể họ vẫn chưa tham gia bởi chính sách chưa hấp dẫn. “Như vậy, những vấn đề như thu nhập hay quy định mới chỉ là một góc độ, còn đằng sau đấy là các câu chuyện liên quan trực tiếp đến NLĐ cũng như người SDLĐ. Do đó, chúng ta cần phải khai thác sâu hơn nữa để có chính sách phù hợp hơn, nhằm thúc đẩy những lao động này tham gia vào hệ thống BHXH”- GS-TS.Giang Thanh Long nhấn mạnh.

Hiện nay, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện như hỗ trợ 30% kinh phí cho người thuộc hộ nghèo, 25% cho người thuộc hộ cận nghèo và 10% cho các nhóm đối tượng khác. Song, mức hỗ trợ này không đủ để thu hút lao động phi chính thức tham gia vào hệ thống BHXH.

“Chúng ta gần như cố định mức hỗ trợ vào trong một cái chuẩn và cái chuẩn này rất ít thay đổi- chuẩn nghèo. Và chuẩn nghèo nếu thay đổi lại liên quan đến hàng triệu người đang thụ hưởng các chính sách khác nhau. “Vì thế, mức hỗ trợ lao động phi chính thức thực sự thấp, họ nhìn số tiền hỗ trợ khoảng vài chục ngàn đến một trăm ngàn thì sẽ không thấy nhiều động lực để tham gia BHXH”- GS-TS.Giang Thanh Long chia sẻ.

Song, có lẽ điều quan trọng hơn, về mặt dài hạn, theo nguyên tắc đóng-hưởng, ai đóng thấp được hưởng mức BHXH thấp và tạo thành một vòng xoáy “mức đóng này không đảm bảo hưởng để đảm bảo mức sống tối thiểu. Và, một lần nữa Chính phủ lại bỏ tiền ra để bù đắp khoảng cách giữa thực tế NLĐ nhận được từ hệ thống và phần thu nhập tối thiểu để đủ sống. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho NLĐ không chỉ trong hệ thống hưu trí, mà cả những hệ thống thu nhập khác- đây là điều chúng ta cần phải nghĩ tới.

“Dù khó khăn thế nào đi nữa thì việc đầu tư cho giáo dục, y tế của con cái NLĐ vẫn là điều quan trọng nhất. Thế nên, việc tác động đến cả thế hệ tương lai của họ sẽ là điều giúp hệ thống trở nên bền vững hơn. Đó cũng là lý do chúng ta cần nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc trợ cấp trẻ em. Đơn cử, một số quốc gia thực hiện như sau, thay vì anh phải bỏ ra 100 USD để đóng tiền học cho con, tôi sẵn sàng miễn phí cho con anh 100 USD đó. Nhưng số tiền này anh sẽ phải đưa vào trong hệ thống- đóng góp vào quỹ BHXH. Như vậy, việc này vừa đảm bảo việc người dân tham gia BHXH và đóng ở mức rất cụ thể, vừa đảm bảo việc học tập cho con cái của họ”- GS-TS.Giang Thanh Long khuyến nghị.

Cũng theo phân tích của GS-TS.Giang Thanh Long, nhiều khi nhóm người cần được hỗ trợ lại “vô hình” trong các chính sách- điều được các chuyên gia hay gọi là “nhóm ở giữa mất tích”. Bởi, họ không phải nhóm nghèo mà cũng không giàu. Họ lửng lơ ở giữa- không nhận được những hỗ trợ như người nghèo, nhưng cũng không có đủ tiềm lực để tự đóng BHXH, vì còn phải cân nhắc nhiều vấn đề. Do đó, việc tìm ra được những vấn đề liên quan đến những NLĐ như vậy rất quan trọng. “Chúng ta cần có tác động từ nhiều phía để tạo ra một môi trường khiến NLĐ thấy rằng việc tham gia BHXH là điều hết sức cần thiết, không chỉ cho họ mà thậm chí cho các thế hệ tiếp theo”- GS-TS.Giang Thanh Long nói thêm.

Bên cạnh việc tìm đúng đối tượng để tác động, sự đồng bộ của chính sách cũng là điều rất quan trọng trong thực hiện BHXH. Theo TS.Phạm Thị Thu Lan- Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), chúng ta cần phải có một chính sách toàn diện cho vấn đề này. Theo đó, các chính sách về xóa đói giảm nghèo là các chính sách cần phải tiếp tục được thúc đẩy, thông qua tạo việc làm cho NLĐ và việc làm này phải là việc làm có chất lượng, đảm bảo thu nhập, có các hỗ trợ về vấn đề vay vốn cho lao động phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình. “Hiện nay, khu vực lao động chính thức đã có chính sách thu nhập tối thiểu thông qua chính sách tiền lương tối thiểu. Nhưng chúng ta cần phải xây dựng một chính sách thu nhập tối thiểu cho tất cả mọi người”- TS.Lan phân tích.

Theo bà Bùi Thị An- nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chính sách, pháp luật BHXH hiện nay đã tốt hơn, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được mục tiêu bao phủ BHXH. Do đó, chúng ta cần thiết kế chính sách BHXH sao cho hấp dẫn hơn. Đặc biệt, cần truyền thông thay đổi tâm lý của người dân khi tham gia BHXH, nhất là trong việc đóng-hưởng.

“Chính sách nào cũng cần đáp ứng tính khả thi. Bởi, với nhóm chưa tham gia BHXH có thu nhập bấp bênh, thì mối quan tâm thường là vấn đề trước mắt như lấy gì chi tiêu cho hôm nay, đầu tư cho con cái trước… chứ không phải là câu chuyện của 20 năm sau được hưởng gì. Ngoài việc thiết kế các gói ngắn hạn, mức đóng-hưởng phù hợp, thì việc xây dựng chính sách cần hướng tới sự phát triển bền vững. Nhà nước có thể tăng cường chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống để có tiền tham gia BHXH tự nguyện”- bà An phân tích.

TS.Phạm Đình Thành- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) cũng cho biết, một trong những giải pháp là phải tăng cường vai trò của hệ thống chính trị, nhất là ở cấp xã, phường và sự phối hợp của ngành BHXH Việt Nam trong việc phát triển số lao động phi chính thức tham gia BHXH. Nghị định số 33/2023/NĐ/CP quy định “Công chức Văn hóa-Xã hội xã... tham mưu giúp UBND cấp xã trong công tác BHXH, BHYT, ATVSLĐ; xây dựng tiêu chí phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm…”- đây là cơ sở pháp lý để triển khai vận động, phát triển BHXH tự nguyện ngay từ gốc, từ cơ sở.

Bên cạnh đó, NLĐ luôn sống gắn bó với gia đình trên địa bàn dân cư, nên việc vận động họ tham gia BHXH phải bắt đầu từ gia đình họ. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần phối hợp với BHXH Việt Nam ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã, phường, trong đó chú trọng hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện.

Dưới góc độ khác, GS-TS.Giang Thanh Long cho rằng, Luật BHXH không thể đứng độc lập mà có quan hệ với tất cả các ngành khác trong nền kinh tế, từ tài chính cho đến dân số. Chính vì vậy, cần xác định mở rộng diện bao phủ BHXH để người dân được hưởng lợi sau này, chứ không chỉ trông chờ vào chế độ trợ cấp xã hội- vốn được coi là chính sách thụ động. Đồng thời, hỗ trợ chuyển dịch thị trường lao động từ phi chính thức sang chính thức; hỗ trợ trợ mức đóng BHXH tự nguyện.

Thực tế cho thấy, lao động chính thức đang được bảo vệ chắc chắn bởi các chế độ ngắn hạn và dài hạn- những chế độ này tiếp tục được đảm bảo. Trong khi đó, lao động phi chính thức vốn “rất mong manh” về thu nhập và các vấn đề khác, thì lại chỉ được thụ hưởng chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, còn các chế độ ngắn hạn sát sườn như thai sản, TNLĐ-BNN lại chưa được quy định trong luật…

“Tôi cho rằng, đưa các chính sách này vào luật sẽ tạo sức hấp dẫn với lao động phi chính thức. Tất nhiên, còn liên quan đến các vấn đề khác như về mức đóng-hưởng; thông tin cũng cần công khai để người thụ hưởng biết được mức hưởng đến thời điểm tham gia. Việc tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực phi chính thức cũng không chỉ được quyết định bởi vấn đề thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, mà cần nhìn nhận ở nhiều khía cạnh để đưa ra chính sách phù hợp và thúc đẩy người tham gia BHXH tự nguyện”- GS-TS.Giang Thanh Long nhấn mạnh.

Bài: Nguyệt Hà

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới