PortalViewLongForm
E-magazine

Nguyễn Công Nhân- Anh bảo vệ “tay ngang”

Shared facebook

Mới đây, chúng tôi cùng anh Võ Tấn Nam- Giám đốc BHXH huyện Tây Sơn có dịp về xã Vĩnh An. Ở Tây Sơn có 3 xã là nơi cư ngụ của bà con Ba Na, trong đó Vĩnh An là xã tập trung nhiều người Ba Na nhất, chiếm gần 100% dân số. Từ BHXH huyện tới xã Vĩnh An gần 20km, nhiều đoạn đồi núi, cầu treo, vậy mà anh Nguyễn Công Nhân- bảo vệ BHXH huyện ngày nào cũng đi xe gắn máy tới đây dệt lưới an sinh. “Lát nữa nhà báo gặp sẽ thấy anh mê nghề tới cỡ nào”- anh Võ Tấn Nam cười bảo.

Cũng theo lãnh đạo BHXH huyện, xã Vĩnh An có 5 làng (Kon Giang, Kon Giọt 1, Kon Giọt 2, Kon Mon, Xà Tang) và anh Nhân đều thân thiết với từng già làng, trưởng làng, bí thư chi bộ... Thậm chí, anh có thể kể vanh vách làng có bao hộ, mỗi hộ có bao người, ai lớn ai nhỏ trong hộ, rồi hộ này bà con với hộ kia ra sao... Nhờ nắm rõ tình hình, đặc điểm vùng đất, con người ở Vĩnh An, nên anh Nhân mới chọn đây là “căn cứ địa” phát triển BHXH tự nguyện.

“Thời gian trước, anh Nhân đã từng đi khắp các xã trên địa bàn huyện để phát triển người tham gia. Song, với bà con miền xuôi không hiệu quả như với bà con Ba Na. Có lẽ do có duyên dệt lưới an sinh với bà con miền ngược, nên anh chọn Vĩnh An làm địa bàn chính. Hồi năm 2023, mình anh Nhân đã phát triển BHXH tự nguyện được 213 người, chủ yếu là bà con Ba Na...”- Giám đốc BHXH huyện thông tin thêm.

Câu chuyện trên xe của chúng tôi tạm dừng khi thấy anh Nhân trong chiếc áo thun xanh có gắn logo ngành BHXH Việt Nam chào đón. Giới thiệu với chúng tôi về người đàn ông Ba Na đang ngồi cùng bàn, anh Nhân nói đây là Đinh Trân- Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An. Theo anh Nhân, anh và anh Đinh Trân đang “chốt lịch” lát nữa gặp ai thiện chí nhất với lưới an sinh để vận động. “Mình với lãnh đạo xã thường xuyên thế này mà. Không gắn bó với họ mình không làm được đâu”- anh Nhân giải thích.

Vậy là việc ai nấy làm, anh Đinh Trân liên hệ với bà con qua điện thoại bằng tiếng Ba Na, còn anh Nhân tranh thủ kể chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Thi thoảng, anh Đinh Trân lại dùng tiếng Việt để chốt với anh Nhân, xong lại dùng tiếng Ba Na tiếp cuộc trò chuyện qua điện thoại. “Phó Bí thư hay lắm, vừa uy tín lại vừa khéo nói, nên chốt hộ nào là vào lưới an sinh hộ đó”- anh Nhân nói và giơ ngón tay với biểu tượng số 1 đính kèm.

Thời gian dài lăn lộn ở Vĩnh An, anh Nhân rút cho mình những kinh nghiệm về thời điểm, về cách trao đổi, về người đi kèm phải có mối liên hệ ra sao với gia đình... Thậm chí, cả độ kiên nhẫn để thuyết phục thành công giúp một gia đình Ba Na vào lưới an sinh. “Ở đây mình phải tới với bà con vào sáng sớm, hoặc chiều tối, hoặc giữa trưa. Vì những thời gian còn lại trong ngày, bà con đều ở rẫy, ở rừng, chứ đâu có nhà”- anh Nhân giải thích.

Nói về sự kiên nhẫn trong thuyết phục bà con, lần gần đây nhất của anh Nhân là thuyết phục hộ gia đình anh Đinh An ở làng Kon Giọt 2. Sau hơn chục lần tới lui thuyết phục, lần cuối anh ra tận ruộng nằm dưới gốc xoài núp nắng chờ cả buổi, để “mời cả nhà Đinh An 6 người tham gia BHXH tự nguyện”. Chuyện tới đây lại tạm dừng, vì Phó Bí thư Đinh Trân thông báo “vợ chồng Đinh Mâu ở làng Xà Tang sắp về tới nhà, giờ đi là vừa”.

Chúng tôi cả 4 người lên xe đi luôn cho tiện. Nhà Đinh Mâu cũng gần đó, đi cỡ 15 phút là tới. Vợ chồng gia chủ vừa ngoài ruộng về, còn đang rửa mặt mũi tay chân khi chúng tôi tới. Ngôi nhà nền gạch gác gỗ mới cất khá khang trang. Đinh Mâu và vợ là Đinh Thị Duoh vừa có ruộng vừa có hơn 1 héc-ta trồng keo, nên cơ bản cuộc sống cũng ổn. Vả lại, Đinh Mâu vừa tham gia làm cán bộ làng Xà Tang, nên nhận được phụ cấp trên dưới 2 triệu mỗi tháng.

Anh Nhân và Đinh Trân đã vận động gia đình Đinh Mâu tham gia BHXH tự nguyện từ trước đó, như là cách sử dụng phần phụ cấp hiệu quả cho tương lai. Vợ chồng Đinh Mâu đã gật đầu, nay gặp chỉ để thu phí và nhận sổ BHXH. Trước sự chứng kiến của Giám đốc BHXH huyện và Phó Bí thư xã, anh Nhân nhanh chóng trao sổ BHXH cho Đinh Mâu và nói thêm mấy nội dung cần thiết liên quan tới BHXH tự nguyện. Nhận sổ BHXH, Đinh Mâu tự tin nói sẽ tham gia tới cùng để sau này có lương hưu. Đinh Mâu bảo rằng: “Lời anh Nhân nói rất thuyết phục và chí lý, đại diện chính quyền làng Xà Tang không làm gương thì sao nói bà con nghe…”.

Rời nhà Đinh Mâu, chúng tôi đưa anh Nhân và Phó Bí thư Đinh Trân trở về quán nước và tạm biệt tại đây. Dịp này, Giám đốc BHXH huyện Võ Tấn Nam không quên cảm ơn và gửi gắm anh Nhân cho cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh An. Đáp lời, Đinh Trân bảo: “Giám đốc cứ an tâm, ông Nhân lặn lội tới đây để giúp cấp ủy, chính quyền xã tròn nhiệm vụ mà. Ông nhờ gì chúng tôi cũng lo mà giúp chớ...”

Dọc đường về, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh Võ Tấn Nam lại tiếp tục. Theo lời anh Nam, từ đầu năm 2024 tới nay, anh Nhân đã phát triển được 38 người tham gia BHXH tự nguyện. “Trường hợp của anh Nhân thoạt đầu là bất ngờ của cả BHXH huyện, sau lại trở thành niềm vui, tự hào và động lực tinh thần của anh chị em trong BHXH huyện với nhiệm vụ dệt lưới an sinh”- anh Nam chia sẻ thêm.

Huyện Tây Sơn có 15 xã, thị trấn. Nơi nào cũng in dấu chân anh Nhân trong nỗ lực phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Sáng đi xe gắn máy rời cơ quan đến các hộ gia đình bà con Ba Na, sập tối lại về cơ quan tiếp tục vai trò bảo vệ. “Không chỉ hun đúc tinh thần dệt lưới an sinh cho các đồng nghiệp, anh Nhân còn trực tiếp đóng góp kết quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào thành tựu chung của cơ quan”- anh Võ Tấn Nam thông tin.

Được biết, huyện Tây Sơn nằm trong top đầu của tỉnh Bình Định trong thực hiện công tác BHXH, BHYT. Ghi nhận từ BHXH huyện cho thấy, nhiều năm liền, 100% HS nơi đây tham gia BHYT; còn số người dân tham gia BHYT đã bao phủ hơn 95% dân số. “Trong thời gian tới, BHXH huyện lại tiếp tục phát huy các kết quả đạt được. Đặc biệt, Huyện ủy và UBND huyện hết sức quan tâm đến việc rà soát các hộ gia đình nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình, để kịp thời giúp bà con tham gia lưới an sinh...”- anh Nam chia sẻ thêm.

Thực hiện: Đỗ Bá

Trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận
Bình luận mới