PortalViewLongForm
E-magazine

NLĐ đừng tự đưa mình vào thế khó

Shared facebook

Tại nhiều địa phương phía Nam, các DN đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của NLĐ về BHXH, BHYT. Đơn cử, tại Công ty CP may Vĩnh Tiến (Vĩnh Long), một bộ phận NLĐ có tâm lý muốn xin nghỉ việc để rút BHXH một lần, trong đó có những người đã tham gia BHXH từ 10 đến dưới 20 năm. Nắm được tâm lý “chạy luật” của NLĐ, ông Nguyễn Hữu Phước- Giám đốc Công ty đã trằn trọc suy nghĩ và quyết tâm tìm cách tuyên truyền giúp NLĐ từ bỏ ý định này.

Nghĩ là làm, ông Phước liên hệ và đề nghị BHXH tỉnh Vĩnh Long tính toán, phân tích cụ thể thiệt hơn giữa rút BHXH một lần so với tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu đối với từng NLĐ. Sau đó, phối hợp tổ chức đối thoại với hơn 1.700 NLĐ để tuyên truyền về lợi ích của việc đóng tiếp BHXH và những thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Tại buổi đối thoại, đích thân ông Phước cùng đại diện BHXH tỉnh đã chia sẻ về công việc, những lợi ích khi tham gia BHXH và đề nghị NLĐ cần sáng suốt lo cho cuộc sống khi hết tuổi lao động. Thông qua đối thoại, nhiều NLĐ đã thay đổi quan niệm và từ bỏ ý định rút BHXH một lần.

Tại Công ty VietNam Clean Seafood Corporation- DN chế biến thủy sản của tỉnh Sóc Trăng, hàng chục cuộc đối thoại, phổ biến chính sách BHXH, BHYT đã được DN phối hợp thực hiện, giúp NLĐ hiểu rõ về chính sách, nhất là về BHXH một lần. Bà Nguyễn Thị Yến Loan- Phó Giám đốc nhân sự của Công ty cho biết, do NLĐ chưa hiểu rõ về BHXH một lần, nên DN đã chủ động truyền thông để ổn định tâm lý NLĐ và tình hình hoạt động của Công ty.

Theo đó, Công ty thường xuyên mời đại diện Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ và cơ quan BHXH đến tuyên truyền, tư vấn giúp NLĐ hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, phối hợp mời từng nhóm NLĐ lên hội trường để giải thích, tư vấn về lợi ích của việc đóng BHXH, giúp nhiều người xóa bỏ được tâm lý lo lắng, dao động. Riêng với nhóm hơn 10 NLĐ vẫn khư khư giữ ý định xin nghỉ việc để rút BHXH một lần, Công ty đành chấp nhận cho họ thôi việc. “So với tổng số 1.800 NLĐ của Công ty, thì con số này không đáng kể. Chúng tôi chỉ tiếc cho họ, chứ việc họ chấm dứt HĐLĐ không ảnh hưởng đến hoạt động của DN”- bà Loan chia sẻ.

Có thể khẳng định, việc Công ty VietNam Clean Seafood Corporation chủ động tuyên truyền, đối thoại đã giúp NLĐ hiểu rõ chính sách và yên tâm gắn bó với công việc. Chị Nguyễn Thị Kim Đào có thời gian 12 năm gắn bó với Công ty cho biết, chị luôn cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại và sẽ gắn bó lâu dài với Công ty. “Công ty đã phổ biến cho chúng tôi về lợi ích của việc tham gia BHXH. Trong khi đó, để rút BHXH một lần, thì phải nghỉ việc một thời gian, sau đó chưa chắc đã có công việc như hiện tại…”- chị Đào chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Yến Loan- Phó Giám đốc nhân sự Công ty VietNam Clean Seafood Corporation cho biết thêm, để có sự gắn bó của NLĐ, Công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ như thưởng tháng lương 13, con của NLĐ học ĐH mỗi tháng được hỗ trợ 1 triệu đồng/người… “DN trả tiền lương phù hợp, có chế độ tốt, thì NLĐ sẽ không dại gì rời đi. Chúng tôi ổn định tình hình, tâm lý NLĐ, xem họ như người nhà; trò chuyện riêng với từng người, phân tích cái lợi, cái thiệt khi nhận BHXH một lần, nên họ đã chuyển đổi suy nghĩ…”- bà Loan chia sẻ.

Điều dễ thấy, tại những DN có chế độ tốt, NLĐ rất yên tâm làm việc và tham gia BHXH, BHYT. Câu chuyện tại Công ty Thuận Phong (Tiền Giang)- chuyên sản xuất hủ tiếu, bánh tráng, bánh hỏi, bún tươi là một minh chứng. Chị Nguyễn Thị Kim Thanh- người có thời gian 16 năm làm việc tại Công ty Thuận Phong nói rằng, chị yên tâm làm việc tại đây cho đến hết tuổi lao động, bởi lẽ công việc phù hợp và chị mong muốn có được lương hưu. Mới đây, khi chị Thanh hết tuổi lao động nhưng lại thiếu gần 4 năm đóng BHXH và đã được Công ty hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu. Kết quả, chị đã được hưởng lương hưu với số tiền trên 5 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Kim Hằng- Giám đốc Công ty Thuận Phong nói rằng, ngoài tập trung sản xuất kinh doanh, Công ty còn luôn tạo điều kiện đảm bảo an sinh và phúc lợi cho NLĐ. Đơn cử như: Tổ chức trông giữ trẻ miễn phí cho con của NLĐ đến lớp lá; hỗ trợ những NLĐ có con học tiểu học với mức 1 triệu/tháng; NLĐ có con học THCS đến THPT được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng; còn nếu học CĐ, ĐH được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng. Riêng với NLĐ nghỉ thai sản được hỗ trợ thêm 3 tháng lương…

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hằng tự hào vì hầu như không có ai trong số 2.000 NLĐ của Công ty nghĩ đến chuyện nghỉ việc để rút BHXH một lần, do các chế độ của DN quá tốt. Theo bà Hằng, việc chăm lo cho NLĐ không phải việc làm nhất thời, bởi lãnh đạo Công ty luôn xác định, nếu có rút khoản tiền BHXH một lần cũng chỉ giải quyết được chuyện trước mắt và tự đánh mất đi chỗ dựa vững chắc cho tương lai. “Vừa qua, với một số NLĐ hết tuổi làm việc, Công ty đã quyết định hỗ trợ thêm để họ đủ điều kiện nhận lương hưu, có tiền trang trải cuộc sống sau này”- bà Hằng chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hòa- Trưởng phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Tiền Giang) cho biết, việc NLĐ nhận BHXH một lần là thực trạng đáng quan tâm hiện nay. Cụ thể, trong năm 2022, trên địa bàn Tiền Giang có trên 23.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần; năm 2023 có trên 27.000 người hưởng; còn trong 4 tháng đầu năm 2024 có 10.393 người hưởng (giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái)… Theo ông Hòa, việc NLĐ rút BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính họ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Cũng theo ông Hòa, để đảm bảo an sinh bền vững, BHXH tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp thông tin, truyền thông nhằm giải tỏa tâm lý cho NLĐ. “Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại tại DN, trong đó phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh tổ chức thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, nhất là về các phương án rút BHXH một lần theo Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Qua đó, đã góp phần giúp NLĐ hiểu rõ hơn về chính sách, có suy nghĩ thấu đáo về việc rút BHXH một lần”.

Bài: Trần Đức

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới