Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai chia sẻ, bản thân ông rất buồn khi chứng kiến nhiều NLĐ rút BHXH một lần. Theo ông Thành, thực trạng này rất đáng quan ngại, được dư luận xã hội và các cơ quan hữu trách của tỉnh đưa ra bàn thảo tại các cuộc họp của HĐND, UBND tỉnh. “BHXH tỉnh Đồng Nai cũng đã tiến hành 2 cuộc khảo sát tìm hiểu nguyên nhân vấn đề này. Khảo sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của NLĐ về chính sách BHXH còn hạn chế; không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc làm; tình hình sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn; thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách BH thất nghiệp; lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH…”- ông Thành cho biết.
Khẳng định lợi ích của việc tham gia BHXH để hưởng lương hưu, ông Phạm Minh Thành đề xuất cần đồng bộ các chính sách để thu hút, giữ chân NLĐ ở lại hệ thống BHXH. Cụ thể, ngoài việc siết chặt điều kiện rút BHXH một lần, cần phải có quy định khác đồng hành trong thời gian NLĐ chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hay trợ cấp hằng tháng nhưng cần có nguồn tài chính để trang trải cuộc sống. “Cần có lộ trình giảm dần và chấm dứt chế độ BHXH một lần theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai Đề án hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác…”- ông Thành kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Đăng Thông- Đoàn Luật sư TP.HCM cũng nhận định, sự thiệt thòi của việc rút BHXH một lần có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, một bộ phận NLĐ bị ảnh hưởng bởi các thông tin không chính thức, không đầy đủ, thậm chí sai lệch về BHXH, cộng với cuộc sống trước mắt còn khó khăn, nên có tâm lý xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. Theo Luật sư Thông, với những NLĐ cảm thấy không thể tiếp tục công việc, phải chuyển đổi sang làm việc thời vụ hoặc về quê, thì việc họ tính rút BHXH một lần có thể hiểu được. Song, với NLĐ có tay nghề có tâm lý “chạy luật” thì việc này quá đáng tiếc.
“Trong một năm nghỉ việc không tham gia BHXH, NLĐ không có “giá đỡ” là BHXH, BHYT bảo vệ, đặc biệt là khi xảy ra những chuyện ngoài ý muốn như bệnh tật, TNLĐ. Chưa kể, NLĐ làm công việc thời vụ không phù hợp, sau này quay lại thị trường lao động rất vất vả, chế độ hưu trí bị ngắt quãng… Trong khi đó, nếu tiếp tục gắn bó với DN thì NLĐ không bị ngắt quãng thời gian làm việc, được trau dồi tay nghề, được cộng dồn thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu”- Luật sư Thông chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, một số chuyên gia nhận định, xu hướng NLĐ xin nghỉ việc để chờ rút BHXH một lần xuất phát từ nhóm NLĐ đang làm việc trong môi trường nhiều áp lực hoặc có mức lương chưa đủ đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận NLĐ mong chuyển sang làm việc tự do, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ- vốn đang có xu hướng phát triển, với kỳ vọng có thu nhập khá và không lệ thuộc vào HĐLĐ.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết, đối với NLĐ, “điểm tựa” BHXH cần phải theo họ suốt cả hành trình. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao nhận thức của NLĐ về tính ưu việt của chính sách. “Trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay, việc NLĐ chọn rút BHXH một lần và chuyển sang nhóm lao động tự do sẽ lợi bất cập hại. Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình lao động, với những công việc có thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nhất là khi đau ốm hay TNLĐ... Lúc đó, họ khó quay trở lại việc làm cũ, việc tham gia BHXH lại bị gián đoạn, sẽ khiến họ mất cơ hội hưởng chính sách hưu trí...”- ông Tuấn chỉ rõ.
Ông Trần Anh Tuấn cũng khẳng định, cần phải nhìn nhận chính sách BHXH là chính sách xã hội lớn, có tính nhân văn sâu sắc, có tầm quan trọng và vai trò to lớn đối với cuộc sống con người, góp phần bảo đảm ổn định đời sống NLĐ, ổn định sản xuất kinh doanh của DN. Có thể thấy, phần lớn NLĐ đang làm những công việc dịch vụ nhỏ, đơn lẻ, tự do đều có cuộc sống khó khăn. Việc này đã ảnh hưởng mạnh đến quyền lợi của NLĐ, thậm chí nhiều trường hợp bị ốm đau, TNLĐ-BNN, mất việc làm, hết tuổi lao động không được hưởng các chế độ trợ cấp.
Vì vậy, theo ông Tuấn, nếu chính sách BHXH, BHYT được thực hiện đầy đủ, thì chắc chắn NLĐ sẽ yên tâm gắn bó với người SDLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chính sách BHXH gắn liền với thị trường lao động để tạo điểm tựa cho NLĐ. Hiện thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, với những việc làm thật sự ổn định lâu dài, tạo sự phát triển nhân lực và đảm bảo tái sản xuất sức lao động. Cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp, dẫn đến nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mỗi NLĐ nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội.
Bên cạnh đảm bảo chế độ cho NLĐ, DN cần chú trọng giúp NLĐ được đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc tốt hơn… Từ đó, góp phần tạo ra năng suất lao động tốt hơn và thu nhập cao hơn. Đối với NLĐ, nhất là thế hệ trẻ cần hiểu rõ, trong thị trường lao động liên tục thay đổi, học tập liên tục, nhất là học kỹ năng sẽ thuộc về lĩnh vực công nghệ, một số khác là “kỹ năng mềm”, các kỹ năng cụ thể trong thế giới kỷ nguyên số và chuyển đổi số mà máy móc ngày càng trở nên phức tạp.
Do đó, NLĐ cần liên tục cập nhật thông tin thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, trau dồi ngoại ngữ và thích ứng với sự thay đổi... Đặc biệt, NLĐ phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động. Theo đó, mỗi người hãy tự “làm giàu” vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp thu được những giá trị, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ tri thức, làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và công nghệ số.
Bài: Trần Đức
Đồ hoạ: Thanh An