PortalViewLongForm
E-magazine

Thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Thay đổi từ nhận thức

Shared facebook

* PV: Đến nay, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước. Để có được kết quả này, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT có vai trò như thế nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Có thể nói, đến thời điểm này, với trách nhiệm được giao là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Đặc biệt, là các nhiệm vụ về phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, đến hết năm 2022, số người tham gia BHXH trên toàn quốc là 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT là trên 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số…

Để có được kết quả này, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta không thể không nhắc tới nỗ lực của các CBCCVC, NLĐ toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc truyền thông, đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống. Bởi công tác truyền thông đã tạo nên sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, gắn chặt với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT; góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của người dân, DN. Truyền thông cũng là kênh tiếp nhận những thông tin phản hồi của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT về hiệu quả thực thi chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đề xuất những giải pháp điều chỉnh và hoàn thiện chính sách.

Những năm gần đây, nội dung truyền thông BHXH, BHYT có nhiều đổi mới, đúng định hướng, bám sát Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 96/NQ-BCS của Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam, chú trọng truyền thông về ý nghĩa nhân văn của BHXH, BHYT; làm rõ những vấn đề căn bản, cốt lõi liên quan đến mức đóng, quyền lợi hưởng về BHXH, BHYT tại các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT không ngừng được cải tiến, linh hoạt, phù hợp trong từng thời điểm và phù hợp từng nhóm chủ thể tham gia, đặc điểm văn hóa, vùng miền dân cư và xu thế hiện nay. Kịp thời cung cấp thông tin chính sách BHXH, BHYT đến các tầng lớp Nhân dân, nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân trong việc tham gia chính sách BHXH, BHYT.

Có thể khẳng định, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; là “chìa khóa” để thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chính sách BHXH, BHYT, từ đó tích cực, chủ động tham gia.

* Năm 2022, quy mô và chất lượng công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT của Ngành đều được chú trọng, điều này đã mang lại những kết quả như thế nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

- Năm 2022, mặc dù khối lượng công việc lớn, có nhiều công việc đột xuất, phát sinh, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, sự phối hợp của các đơn vị trong và ngoài Ngành, công tác truyền thông đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và tình hình thực tiễn, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Trong năm 2022, BHXH các tỉnh đã triển khai thực hiện khoảng 45.900 hội nghị truyền thông, tập huấn, tư vấn, đối thoại, khách hàng (gấp 2 lần so với năm 2021) với khoảng 1,7 triệu lượt người tham dự; truyền thông nhóm nhỏ trên cả nước có khoảng 139.000 cuộc (gấp khoảng 2,8 lần so với năm 2021) với khoảng 989.000 lượt người được truyền thông. Đây là một trong những hình thức mang lại hiệu quả cao, được hầu hết BHXH các tỉnh tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, BHXH tỉnh đã chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí theo quy chế phát ngôn của Ngành và phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn đưa thông tin chính thống, kịp thời nắm bắt những thông tin trái chiều để phản hồi, định hướng dư luận, không để xảy ra sự cố truyền thông trên diện rộng, tích cực đẩy mạnh truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Theo đó, đã có khoảng 1,05 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở (gấp 1,4 lần so với năm 2021) và khoảng 18.000 tin, bài, phóng sự,... được đăng tải, phát sóng (gấp 1,06 lần so với năm 2021) được các địa phương phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh cũng chủ động in ấn, phát hành các tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền do BHXH Việt Nam cấp như “Những điều cần biết về BHXH tự nguyện”, “Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình”… Năm 2022, ước có trên 8,8 triệu ấn phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, phướn) được phát hành. Ngoài ra, 100% BHXH các tỉnh đã ban hành văn bản và triển khai các hoạt động tuyên truyền trực quan nhân ngày thành lập Ngành, Tháng Vận động triển khai BHXH toàn dân, Ngày BHYT Việt Nam 1/7. Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, phướn tại trụ sở cơ quan BHXH các cấp, các trục đường phố chính của thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu đông dân cư.

* Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực, trong đó truyền thông. Ngành BHXH Việt Nam đã thích ứng như thế nào để truyền thông hiệu quả, thưa Phó Tổng Giám đốc?

- Đối với ngành BHXH Việt Nam, chuyển đổi số đã và đang được thực hiện đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có công tác truyền thông.

Giai đoạn 2020-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc truyền thông theo hình thức truyền thống như hội nghị, lồng ghép qua các cuộc họp không còn phù hợp. Vì vậy, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh nhanh chóng chuyển đổi hình thức tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền chính sách trên môi trường internet, mạng xã hội, tổ chức truyền thông phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện qua hình thức livestream…

Nhiều địa phương đã tổ chức thành công mô hình tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT qua các ứng dụng số, thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó giảm bớt nhân lực tuyên truyền; đồng thời tăng lượng người tiếp xúc với chính sách… Trong năm 2022, đã có khoảng 950 hội nghị truyền thông trực tuyến (livestream, trực tuyến qua điểm cầu, phần mềm zoom, ứng dụng google meet,...); khoảng 846.000 sản phẩm truyền thông (tin, bài, video, phóng sự,...) được đăng tải, chia sẻ trên trang fanpage, zalo, youtube của BHXH các tỉnh và CCVC, NLĐ trong Ngành, gấp gần 2 lần so với năm 2021.

* Theo Phó Tổng Giám đốc, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần có hướng đi như thế nào để mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân sớm hoàn thành?

- Thời gian tới, nhiệm vụ của Ngành được giao rất nặng nề, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần tiếp tục sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức, làm sao để “Dân biết- Dân hiểu- Dân tin- Dân hỗ trợ- Dân tham gia- Dân thụ hưởng". Cần truyền tải thông tin chính sách một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ đi vào lòng dân.

Muốn vậy, phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp. Các địa phương cần nghiên cứu, đưa ra các hình thức truyền thông đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân cư, văn hóa vùng miền. Đặc biệt, cần chú trọng triển khai các hình thức truyền thông trực tuyến trên môi trường Internet, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông trên hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội và ứng dụng số của Ngành…

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đảm bảo phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia; chú trọng truyền thông về những câu chuyện, con người thực tế trong đời sống hằng ngày để làm nổi bật lên giá trị, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT. Chú trọng tổ chức các hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông BHXH, BHYT cho đội ngũ làm công tác truyền thông…

Bên cạnh đó, toàn Ngành cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông chính sách. Theo đó, cần phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông. Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 20-NQ/TW; Nghị quyết số 96/NQ-BCS; Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác BHXH, BHYT một cách hiệu quả, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

* Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

Thanh Hằng (Thực hiện)

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới