PortalViewLongForm
E-magazine

Thực hiện Đề án 06 và dấu ấn ngành BHXH Việt Nam

Shared facebook

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của CNTT, đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chính phủ cũng coi đây là những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016- 2020, qua đó tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021- 2030.

Sau quá trình nghiên cứu các tiêu chí và lộ trình thực hiện, trên cơ sở tiềm lực hiện có, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, đặt ra mục tiêu thiết thực, gần gũi nhất với người dân khi xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. đó là: người dân, DN và các tổ chức khác có thể dễ dàng sử dụng DVC, TTHC một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu; đồng thời tạo thuận lợi để người dân, DN tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan Nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi trở lại.

Để hoàn thành mục tiêu chiến lược này, một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng thành công dữ liệu trụ cột, cốt lõi, có tính liên kết cao về dân cư. Trong đó, CSDL quốc gia về Dân cư giữ vị trí, vai trò quan trọng nhất, được coi là dữ liệu gốc, là nền tảng, “trái tim” của Chính phủ số, giúp kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các CSDL chuyên ngành khác.

Từ đây gia tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ NSNN, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý thông tin dân cư mang tính đơn lẻ như hiện nay. Vì vậy, CSDL quốc gia về Dân cư phải là dữ liệu “sống”, được thu thập, cập nhật thường xuyên, phục vụ thiết thực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ tra cứu, xác minh các thân nhân, di biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng liên quan đến tội phạm, góp phần hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Sau một thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng CSDL quốc gia về Dân cư. Ngay sau đó, tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD.

Đây là 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, có tầm ảnh hưởng chiến lược và lâu dài đến công tác quản lý nhà nước nói chung, đến công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói riêng; chuyển đổi phương thức quản lý từ “thủ công” sang “hiện đại”; đồng thời hướng tới đảm bảo cao nhất an ninh, an toàn thông tin và lợi ích của người dân, DN.

Để đảm bảo đồng bộ về thể chế, chặt chẽ và tuân thủ pháp luật trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, Bộ Công an tích cực nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Cư trú, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo đó, Luật Cư trú quy định quản lý công dân bằng thông tin trên CSDL về Dân cư; hệ thống hành chính chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ cuối năm 2022. Đây là những mốc thời gian rất quan trọng, đặt ra yêu cầu hệ thống CSDL về Dân cư phải đủ điều kiện để đi vào hoạt động.

Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Uỷ ban chuyển đổi số quốc gia chỉ đạo, điều hành toàn diện hoạt động của Đề án. Đồng thời, thành lập Tổ công tác triển khai Đề án do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng.

Ngay khi Đề án 06 ra đời, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ để lại dấu ấn khá rõ nét.

Thứ nhất, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án CSDL về Dân cư, BHXH Việt Nam đã thống nhất nhận thức, coi CSDL Dân cư là gốc soi chiếu các CSDL khác. Theo đó, BHXH Việt Nam đã đi đầu, đồng hành cùng Bộ Công an thực hiện kết nối xác thực và chia sẻ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với CSDL quốc gia về Dân cư, góp phần làm nguồn dữ liệu này ngày càng phong phú.

Thứ hai, BHXH Việt Nam triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về Dân cư. Đây là biện pháp hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi trong quá trình tham tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Thứ ba, phát huy lợi thế của hệ thống CNTT, nguồn CSDL sẵn có, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ đối với NLĐ, người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết của Chính phủ. Kết quả triển khai đã góp phần quan trọng đảm bảo an sinh cho người dân, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống NLĐ, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Thứ tư, không chỉ làm tốt các nhiệm vụ được giao, dựa trên nền tảng CSDL, hệ thống CNTT bảo mật, an toàn, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế trong quá trình triển khai Sổ sức khỏe điện tử mỗi người dân. Từ nguồn dữ liệu KCB BHYT và KCB dịch vụ được gửi qua cổng tiếp nhận dữ liệu, BHXH Việt Nam cũng đã chia sẻ, tạo điều kiện cung cấp lên ứng dụng VneID. Trong tương lai sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phòng và điều trị bệnh của từng người dân.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã sử dụng được tối đa các nguồn lực, CSDL để triển khai thành công nhiều DVC trực tuyến, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, BHXH Việt Nam đã có những bước đi đúng, đáp ứng được yêu cầu đặt ra tại Đề án 06. Từ rất sớm, BHXH Việt Nam đã có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, qua đó chủ động chuyển đổi các phương thức hoạt động từ truyền thống sang hiện đại. Chủ động xây dựng hạ tầng công nghệ đảm bảo đồng bộ, hiện đại và bảo mật cao, chống lãng phí; cùng với đó là nguồn dữ liệu đúng đủ, sạch, sống, đóng góp làm giàu CSDL của Trung tâm dữ liệu quốc gia. Nguồn nhân lực hiện có của BHXH Việt Nam cũng đang đáp ứng được các mục tiêu đặt ra khi triển khai Đề án 06.

Hy vọng rằng, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp, liên thông CSDL về Bảo hiểm với các CSDL chuyên ngành khác, cùng hướng tới mục tiêu làm giàu CSDL quốc gia, thông qua đó khai thác sử dụng hiệu quả. Tiếp tục tập trung nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành địa phương đôn đốc triển khai tốt 2 DVC liên thông “Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí” trên toàn quốc. Triển khai hiệu quả hơn nữa các DVC trực tuyến, liên thông đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, mang lại lợi ích toàn diện phục vụ nhân dân.

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới