PortalViewLongForm
E-magazine

Tinh thần trách nhiệm- Một giá trị văn hóa Hồ Chí Minh

Shared facebook

Khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là những nhận thức quan trọng để Hồ Chí Minh đề ra và thực hành xuyên suốt việc nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước nhà bị biến thành thuộc địa, nhân dân phải chịu cảnh lầm than. Với ý thức trách nhiệm của một người yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi để “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi trở về gúp đồng bào ta”. Tự xác định cho mình trọng trách to lớn đó, trên hành trình 30 năm bôn ba “ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội”, chịu muôn vàn cay đắng, Hồ Chí Minh đã tìm thấy và dẫn dắt dân tộc đi theo con đường cách mạng vô sản. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, được nhân dân tin cậy và ủy thác cho trách nhiệm xây dựng, tổ chức và lãnh đạo chính quyền của dân, do dân và vì dân. Với tư cách là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn nêu gương và làm gương về trách nhiệm trong công tác và quán triệt đến cán bộ, đảng viên phải: Quan tâm đến vấn đề nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người mong muốn và thường xuyên nhắc nhở “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Đồng thời, Người chỉ dẫn “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Ðảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm. Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”. Vậy nên, Người ra sức chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các tật bệnh quan liêu, không vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Thông qua công việc hàng ngày, sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được quần chúng nhân dân thừa nhận và quần chúng nhân dân chỉ quý mến những người cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với đời sống của người dân. Nhân dân lao động, quần chúng ngoài Đảng không chỉ nghe đảng viên nói, mà còn nhìn vào hiệu quả công việc đảng viên làm mà xem xét tư cách, đánh giá năng lực của người đảng viên. Do đó, “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”. Vì thế, làm cán bộ phải biết yêu thương dân, kính trọng dân, giúp đỡ dân, thực tâm giải thích và hướng dẫn cho nhân dân khi dân chưa hiểu rõ vấn đề… để từ đó có thể hiểu được lòng dân, biết được ý của dân, để được dân tin tưởng, nghe theo và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước. Ngược lại, nếu không yêu thương dân, không thực tâm lo lắng cho lợi  ích của nhân dân, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, thì đó là người cán bộ, đảng viên không có đạo đức cách mạng, không có ý thức trách nhiệm đối với Nhà nước và nhân dân.

Nâng cao ý thức trách nhiệm được biểu hiện cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, trong công việc phải làm. Khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, dù khó hay dễ, người cán bộ cũng đều phải tự giác làm cho đến nơi, đến chốn. Nếu làm một cách cẩu thả cho qua chuyện, dễ thì làm khó thì bỏ là biểu hiện của người cán bộ không có tinh thần trách nhiệm đối với tổ chức, đối với quần chúng nhân dân. Là công chức, dù ít dù nhiều đều có quyền hành, “cấp cao quyền to, cấp thấp quyền nhỏ”. Có quyền mà xa dân, làm việc theo kiểu quan liêu, mệnh lệnh, không dân chủ thì sớm muộn nhất định sẽ thất bại. Có quyền mà nhận thức đúng đắn rằng quyền lực đó là của dân và nhân dân giao phó quyền lực đó cho mình, thì sẽ làm hết trách nhiệm đối với nhân dân. Trong công tác, người cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đề ra. Từ đó, căn cứ tình hình thực tế của cơ sở mà vạch ra kế hoạch rõ ràng, thiết thực và vận động, tổ chức cho nhân dân thi đua thực hiện. Đồng thời, phải tiến hành bàn bạc với dân, tiếp thu sáng kiến của dân để có thể đi đúng đường lối nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”.

Người cán bộ, đảng viên muốn nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nhất thiết phải vừa thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức cách mạng của người cán bộ, nghĩa là biết: “Nhận thức rõ phải, trái. Giữ vững lập trường, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”. Người cán bộ phải nêu gương “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, dù công tác ở lĩnh vực nào cũng đều phải học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng, trên cương vị cấp bậc càng cao thì càng phải nêu gương về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Tu dưỡng đạo đức cách mạng phải toàn diện trên mọi khía cạnh, phải thường xuyên nuôi dưỡng lòng thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng bào và vì thế mà kiên quyết chống lại những việc làm có hại đến Đảng, đến nhân dân, nếu cần thì có thể hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, e ngại.

Cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ: Việc nêu cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là mục đích và bản chất của Đảng. Đảng cầm quyền là để bảo đảm cho dân làm chủ, mọi quyền lực vẫn thuộc về dân. Người dân ủy thác quyền lực đó cho những chức danh cụ thể, kể cả chức vụ Chủ tịch nước. Trong bức thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945, Người nhấn mạnh trách nhiệm: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tại Điều 1, Mục A- Tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giầu mạnh, đồng bào sung sướng”. Mỗi người khi phấn đấu và trở thành cán bộ, đảng viên đều phải tự mình nêu cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước, đối với dân tộc và nhân dân. Lối làm việc quan liêu, chủ quan, hấp tấp là trái ngược với tinh thần trách nhiệm. Ý thức trách nhiệm không phải chỉ trên lời nói suông, mà cần được biểu hiện bằng hành động cụ thể: Người cán bộ phải luôn nghĩ đến hiệu quả của công việc mình làm, phải tích cực học tập, bồi dưỡng chuyên môn và thường xuyên gần dân để hiểu rõ đời sống, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, những điều bức xúc của dân để giải quyết kịp thời, đề xuất các giải pháp nhằm từng bước nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân…

Việc phục vụ, quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân dân phải toàn diện về mọi mặt. Ngày 9/12/1961, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên lâu năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo. Tôi lo chuyện này lắm: Các cháu mắt choẹt, da bủng. Tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng phải lo. Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”.

Ý thức phục vụ nhân dân không phải nằm ở nghị quyết, chỉ thị, hô hào, kêu gọi, nói suông, mà phải được xuất phát từ lòng thương yêu nhân dân, từ đó có động lực để ngày đêm nghĩ cho dân, lo cho dân, lo từ việc lớn đến việc nhỏ.

Đến những năm tháng ở và làm việc tại ngôi nhà sàn (1958-1969), tấm lòng bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được phản ánh sâu sắc ở sự quan tâm, chia sẻ đối với đồng bào. Những tài liệu, hiện vật nơi đây đã thể hiện rõ nét cuộc sống, tư tưởng, đạo đức của vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.

Không chỉ quan tâm, động viên cán bộ, đảng viên thực hành tinh thần trách nhiệm, Hồ Chí Minh còn chỉ ra những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Theo đó, thực tiễn lịch sử cầm quyền của các đảng chính trị trên thế giới đã chứng minh, Ðảng sẽ mất vai trò lãnh đạo cầm quyền nếu tha hóa, biến chất, thiếu tinh thần trách nhiệm, xa rời bản chất: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Với Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm đã trở thành một giá trị văn hóa, nó hình thành từ khi Người bắt đầu nhận thức về cuộc sống cho đến khi viết những dòng cuối cùng trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, để đưa sự nghiệp đổi mới đi đến thắng lợi, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Có thể nhận thấy, chưa bao giờ vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên lại nóng bỏng như hiện nay. Kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đến nay, Đảng ta đã phát hiện và thi hành kỷ luật hàng ngàn cán bộ, đảng viên, trong số đó có nhiều người thuộc diện Trung ương quản lý. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những sai phạm là do cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng; củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Hai là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng. Đây là biện pháp rất quan trọng, vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của tổ chức Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở cần duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, đề cao vai trò tiền phương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Qua đó, ngăn ngừa, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong từng cán bộ, đảng viên hiện nay.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của đảng viên trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tác phong công tác; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực, tự giác: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”. Bên cạnh đó, từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bài: TS.Đinh Quang Thành- ThS.Trần Thị Thanh Thủy

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Bình luận mới