PortalViewLongForm
E-magazine

Trao quyền khởi kiện cho Công đoàn: Tăng hiệu quả bảo vệ người lao động

Shared facebook

Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn đã bộc lộ nhiều bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho đất nước và tổ chức Công đoàn những thời cơ và thách thức mới.

Đặc biệt, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả, truyền thống của mình; đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới.

Qua tổng hợp các ý kiến góp ý của NLĐ trên địa bàn TP.HCM cho thấy, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần hướng đến chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, cần đơn giản hóa các thủ tục pháp lý khi tổ chức Công đoàn đại diện cho NLĐ tham gia tranh tụng tại các phiên tòa.

Theo quy định hiện hành, tổ chức Công đoàn phải nhận được ủy quyền của NLĐ mới được tham gia các phiên tòa, trong khi Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân nên đương nhiên được đại diện cho đoàn viên, NLĐ. Mặt khác, NLĐ là người trực tiếp tham gia làm ra của cải vật chất cho đơn vị, DN, nhưng quyền và lợi ích của NLĐ vẫn còn bị xâm phạm, nhất là việc DN chậm, nợ BHXH. Do vậy, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có chế tài mạnh mẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, ngoại trừ trường hợp đặc biệt do thiên tai, dịch bệnh.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất trong Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là việc đại diện NLĐ khởi kiện DN ra tòa khi NLĐ bị nợ lương, nợ BHXH... Theo ông Lương Công Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP.Đà Nẵng), Hiến pháp quy định Công đoàn là tổ chức đại diện cho đoàn viên, NLĐ... Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định về đại diện đương nhiên, mà chỉ quy định đại diện theo ủy quyền.

Vì vậy, các tranh chấp lao động cá nhân cũng phải thông qua ủy quyền. Chẳng hạn, DN có hơn 100 NLĐ khởi kiện, thì từng NLĐ phải làm hồ sơ ủy quyền cho Công đoàn. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện. Do đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần quy định rõ Công đoàn là đại diện đương nhiên cho NLĐ mà không cần ủy quyền của từng người. Bởi, trên thực tế, khi NLĐ tham gia vào tổ chức Công đoàn, thì lúc đó toàn bộ quyền và nghĩa vụ của họ sẽ được Công đoàn bảo vệ.

Cũng theo các ý kiến, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này cần quy định cho phép tổ chức Công đoàn có thể thực hiện quyền của mình là khởi kiện trực tiếp chủ DN ra tòa. Trên thực tế, tổ chức Công đoàn ở Đà Nẵng cũng đã từng khởi kiện nhiều DN. Mới nhất, tại Công ty CP Dệt Hoà Khánh, Công đoàn đại diện cho 62 NLĐ (mỗi NLĐ phải thực hiện một bộ hồ sơ theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự), nên đã gây rất nhiều khó khăn cho NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ phải đến các phòng công chứng ký ủy quyền cho Công đoàn nộp đơn khởi kiện ra toà.

Từ thực tế tham gia các vụ khởi kiện của Công đoàn, bà Lê Thị Ngọc Oanh- Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TP.Đà Nẵng) chia sẻ lại một số diễn biến và tình huống pháp lý liên quan đến đến vụ tranh chấp lao động, đòi nợ lương, nợ BHXH xảy ra tại Công ty TNHH MTV TBO VINA (Công ty TBO) cách đây hơn 5 năm.

Trong quá trình xét xử vụ án này, đại diện Công ty TBO vắng mặt. Căn cứ hồ sơ do nguyên đơn cung cấp, TAND quận Liên Chiểu đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty TBO phải trả tiền lương và các khoản phụ cấp cho NLĐ nếu họ làm đủ ngày công theo thực tế; đồng thời yêu cầu phải chuyển trả tiền nợ BHXH của NLĐ vào quỹ BHXH, để NLĐ có thể cập nhật quá trình tham gia BHXH trong thời gian làm việc tại Công ty.

Kết quả, tất cả 196 hồ sơ của NLĐ ủy quyền cho cán bộ Công đoàn khởi kiện đã thắng kiện DN với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. “Lúc đó, tôi được phân công đứng ra nhận 124 bộ hồ sơ ủy quyền của NLĐ. Dù được đào tạo đúng chuyên ngành luật, nhưng tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện ra toà. Nếu để NLĐ tự đi kiện cũng được, nhưng thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung các tài liệu, chứng cứ chứng minh, các nội dung giải trình, trình bày, hòa giải với tòa án. Thời gian giải quyết vụ án có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng, việc đi lại để thực hiện vụ kiện gặp nhiều gian nan”- bà Oanh chia sẻ thêm.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của Công đoàn Việt Nam, khẳng định Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội, là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ trong tiến trình đổi mới đất nước. Các điểm đáng lưu ý là mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Bên cạnh đó, tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của Công đoàn theo hướng: “Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; thực hiện quyền giám sát”. Đồng thời, làm rõ đối tượng cán bộ Công đoàn chuyên trách, từ khâu tuyển dụng đến chính sách tiền lương, phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, trong vấn đề khởi kiện DN tại tòa, NLĐ luôn là bên yếu thế, rất khó kiện DN, nếu khởi kiện thì khả năng mất việc rất cao. Nhiều trường hợp NLĐ tháng nào cũng bị trừ lương, công nhân nữ tới ngày đi sinh không có BHYT do DN nợ BHXH, BHYT nên gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, Dự thảo Luật quy định Công đoàn đương nhiên được đại diện NLĐ khởi kiện tại tòa vừa giúp đơn giản thủ tục, vừa giảm áp lực và chi phí cho NLĐ.

Thực hiện: Nguyệt Hà

Trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận
Bình luận mới