PortalViewLongForm
E-magazine

Vai trò và thực trạng của chế độ trợ cấp thai sản ở Việt Nam

Shared facebook

Trợ cấp thai sản là một trong các chế độ của chính sách BHXH bắt buộc, nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho NLĐ nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Ngoài ý nghĩa giúp NLĐ nữ có thu nhập trong thời gian nghỉ thai sản thì chế độ trợ cấp thai sản còn giúp thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và con- đảm bảo quyền được chăm sóc của trẻ em. Chế độ trợ cấp thai sản có một vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH của mỗi quốc gia, bởi nó ảnh hưởng đến một bộ phận lớn NLĐ trong xã hội và đến tương lai của một đất nước.

Người phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội, họ có mặt hầu hết trong các ngành nghề, lĩnh vực. Chế độ trợ cấp thai sản là một trong 5 chế độ được thực hiện sớm nhất trong lịch sử phát triển của hệ thống chính sách BHXH ở nước ta. Chế độ trợ cấp thai sản mang đậm ý nghĩa nhân văn, được thể hiện trên các khía cạnh dưới đây:

Thứ nhất, chế độ trợ cấp thai sản đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ nữ phải nghỉ việc trong thời gian mang thai, sinh đẻ và nuôi con nhỏ, tạm thời bị mất thu nhập từ lao động. Thời gian mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là khoảng thời gian khó khăn với người phụ nữ, cả về vấn đề tinh thần và vấn đề tài chính. Bên cạnh việc thu nhập bị gián đoạn, các chi phí tăng thêm khi chăm sóc con nhỏ có thể khiến cho NLĐ nữ lo lắng, tâm lý không ổn định. Do đó, chế độ này đem lại nhiều lợi ích đối với NLĐ nữ, nhằm động viên, khuyến khích, hỗ trợ cho lao động nữ khi họ thực hiện thiên chức làm mẹ.

Thứ hai, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho NLĐ trong thời gian hưởng thai sản và sự hỗ trợ chi phí y tế khi sinh con giúp cho NLĐ nữ an tâm phục hồi sức khoẻ sau sinh, đảm bảo chăm sóc y tế cho NLĐ nữ và quyền được chăm sóc của trẻ em. Người mẹ có thời gian tập trung chăm sóc con trong điều kiện y tế và dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ em phát triển đầy đủ về cả thể chất và trí lực; có thể tái sản xuất sức lao động, có đầy đủ sức khoẻ về thể chất và tinh thần để quay trở lại thị trường lao động. Như vậy, chế độ trợ cấp thai sản không những đảm bảo chất lượng cho lực lượng lao động hiện tại mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển toàn diện và bền vững của thế hệ tương lai.

Thứ ba, chế độ trợ cấp thai sản còn tạo điều kiện cho lao động nam thực hiện nghĩa vụ khi có vợ sinh con, từ đó góp phần thực hiện bình đẳng nam nữ và các quyền về phụ nữ nói chung về các vấn đề như: việc làm và thu nhập; về nghĩa vụ gia đình; đối xử của người SDLĐ giữa nam và nữ; về cơ hội nghề nghiệp; về màu da, tôn giáo, chủng tộc, chính kiến và nguồn gốc quốc gia…

Thứ tư, đối với người SDLĐ, thực hiện tốt chế độ trợ cấp thai sản giúp các DN có thể thu hút NLĐ, đặc biệt là lao động chất lượng cao. NLĐ an tâm thực hiện công việc, đóng góp vào sự phát triển và gắn bó lâu dài với DN. Thông qua chính sách này, người SDLĐ còn thể hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với NLĐ và toàn xã hội.

Thứ năm, đối với Nhà nước, thực hiện tốt chế độ thai sản góp phần ổn định cuộc sống cho xã hội, đảm bảo thực hiện chính sách xã hội của quốc gia. Chế độ trợ cấp thai sản còn góp phần tái tạo lực lượng lao động lớn cho nền kinh tế trong tương lai, nâng cao năng suất lao động xã hội, điều hoà mối quan hệ giữa người SDLĐ và NLĐ, kích thích nền kinh tế- xã hội phát triển.

Thứ sáu, chế độ trợ cấp thai sản là một chế độ mang tính xã hội hoá cao, tạo ra sự ràng buộc và gắn bó giữa các thế hệ, gắn bó lợi ích của các bên liên quan, làm cho mọi người trong xã hội quan tâm và gắn bó với nhau hơn.

- Hệ thống pháp luật về chế độ thai sản:

Chế độ trợ cấp thai sản được thực hiện ở Việt Nam từ lâu và ngày càng có nhiều cải thiện theo xu hướng mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH. Luật BHXH số 71/2006/QH11 được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006 có nhiều điểm mới, chặt chẽ và tiến bộ hơn, đặc biệt là các quy định về chế độ thai sản dành cho lao động nữ.

Một trong những thay đổi quan trọng đó là nâng mức hưởng chế độ thai sản từ 75% lên 100%, điều này cho thấy Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đối với lao động nữ. Bên cạnh đó, một số quyền lợi cũng đã được bổ sung để phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của NLĐ và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, các quy định về điều kiện hưởng cũng được điều chỉnh để ngăn chặn, hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHXH.

Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 18/06/2012 có hiệu lực ngày 1/5/2013 đã quy định thời gian nghỉ hưởng thai sản của lao động nữ trước và sau khi sinh con là 6 tháng thay vì 4 tháng trước đó.

Tiếp đó, Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/11/2014 đã có nhiều điểm mới, mở rộng quyền và lợi ích của NLĐ, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta. Đây là một bước tiến về việc đảm bảo quyền con người, chăm lo cho NLĐ có cuộc sống ổn định lâu dài. Luật BHXH 2014 đã bổ sung nhiều quyền lợi về chế độ thai sản mang tính nhân văn cao. Đó là:

+ Nới lỏng điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với người khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền (Khoản 3 Điều 31). Với đối tượng này cần có đủ 12 tháng đóng BHXH, trong đó có đủ 3 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh thay vì trước đây phải có đủ 6 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Quy định này tạo điều kiện cho những người vì lí do bệnh lí phải nghỉ việc dưỡng thai vẫn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, vừa hạn chế được tình trạng trục lợi chế độ thai sản.

+ Quy định thêm trường hợp lao động nam đóng BHXH được nghỉ hưởng trợ cấp thai sản khi vợ sinh con, điều này phù hợp với nhu cầu của lao động nam (Điều 34).

+ Bổ sung quy định về thời gian nghỉ hưởng trợ cấp thai sản đối với người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người nhận nuôi con nuôi sơ sinh (Điều 35).

+ Thay đổi cách tính trợ cấp thai sản theo ngày đối với những trường hợp thời gian nghỉ tính theo ngày như khám thai, sảy thai, nạo thai, đặt vòng, triệt sản. Mức trợ cấp một ngày bằng mức trợ cấp một tháng chia cho 24 ngày giống như ở chế độ ốm đau.

+ Thay đổi mức nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau thời gian nghỉ ốm đau, thai sản (Điều 29 và Điều 41), chỉ có một mức hưởng là 30% tiền lương cơ sở một ngày, thay vì có 2 mức 25% tiền lương tối thiểu và 40% tiền lương tối thiểu một ngày tương ứng với nghỉ dưỡng sức tại nhà và nghỉ tại các cơ sở tập trung. Luật BHXH 2014 không quy định về việc nghỉ dưỡng sức tại các cơ sở tập trung bởi không phù hợp với điều kiện của những đối tượng này.

Ngoài ra, Luật BHXH 2014 đã bỏ quy định phải có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ đối với trường hợp nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con, tạo sự thuận tiện cho lao động nữ khi trở lại làm việc.

- Về công tác chi trả chế độ trợ cấp thai sản: Ngành BHXH Việt Nam đã chú trọng công tác giải quyết quyền lợi cho NLĐ hưởng các chế độ BHXH nhằm đảm bảo lợi ích cho người tham gia. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2021 Ngành đã giải quyết chế độ và chi trả cho trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, DSPHSK.

Năm 2022, toàn Ngành đã giải quyết cho gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK, tiếp tục tăng so với năm 2021. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19, ngành BHXH Việt Nam đã linh hoạt thực hiện các phương thức giải quyết chế độ và chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho NLĐ. Đồng thời, tăng cường sử dụng các dịch vụ công, rút ngắn thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh chi trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng.

Nhờ sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, chế độ trợ cấp thai sản đã và đang được thực hiện tốt, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia BHXH. Chế độ thai sản ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội bền vững.

Tuy nhiên, chế độ thai sản vẫn còn những kẽ hở, bất cập, vì vậy, cần có giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò của chính sách BHXH nói chung và của chế độ trợ cấp thai sản nói riêng. Cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BHXH, trong đó có chế độ trợ cấp thai sản. Đặc biệt, tuyên truyền để lao động nữ biết được các quyền lợi của mình, trong đó có quyền được bảo vệ, ưu tiên khi mang thai và sinh con. Nội dung tuyên truyền là các quyền lợi đặc thù trong quy định pháp luật của lao động nữ, lao động nữ mang thai với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, từng loại hình công việc…

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về chế độ thai sản, mở rộng phạm vi các đối tượng áp dụng chế độ này nhằm hướng tới việc bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của NLĐ trong xã hội. Có thể thay đổi quy định cho phép lao động nữ mang thai được nghỉ khám thai 5 lần thành 9 lần trong suốt thời gian thai kì, tức là trung bình mỗi tháng mang thai lao động nữ được nghỉ đi khám thai 1 lần. Nhà nước cần mở rộng quyền lợi của chế độ BHXH tự nguyện để thu hút thêm NLĐ tham gia BHXH. Theo đó, trước hết cần mở rộng thêm chế độ trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ ba, tăng cường phát triển người tham gia BHXH. BCĐ thực hiện chính sách BHXH cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cần thường xuyên đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Quyết liệt rà soát, khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan cung cấp theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ cho NLĐ để yêu cầu đơn vị SDLĐ đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ.

Thứ tư, thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trục lợi chính sách. Trên CSDL hiện có, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH tại các cơ sở KCB khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Trong công tác chi trả chế độ BHXH, cần khai thác triệt để các ứng dụng CNTT khi xét duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản và trong công tác hậu kiểm.

Bài: ThS.Nguyễn Xuân Tiệp (ĐH Kinh tế Quốc dân)

Đồ họa: Hiểu Thanh

Tài liệu tham khảo:

- Thiều Thị Minh Huyền (2019), Pháp luật về BHXH thai sản và thực tiễn thực hiện tại tỉnh Hà Giang.

- Nguyễn Tiến Dũng (2020), Sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hiểm thai sản.

- Nguyễn Quỳnh Anh (2020), Đảm bảo quyền của người mẹ trong pháp luật lao động ở Việt Nam.


Viết bình luận
Bình luận mới