PortalViewLongForm
E-magazine

Vẫn nan giải tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Shared facebook

Tại Phiên giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH giai đoạn 2016-2021, các thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, khi áp dụng các biện pháp theo Bộ luật Hình sự đối với các vụ chậm đóng, trốn đóng BHXH, phía cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm với lý do “DN kê khai lao động đầy đủ, nhưng sản xuất khó khăn nên đóng không đầy đủ, do đó chưa cấu thành hành vi trốn đóng”. Ngoài ra, quy định về DN nợ BHXH trong Bộ luật Hình sự là “trốn đóng”, trong khi các văn bản về xử lý vi phạm hành chính là “chậm đóng, đóng không đủ”.

Chính sự không thống nhất này làm cho các quyết định xử phạt hành chính không thể làm căn cứ để chuyển vụ án sang hình sự do khác hành vi. Mặt khác, việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các DN chậm đóng BHXH còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng; nhiều DN không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra...

Đề cập thực trạng chậm đóng BHXH hiện nay, ông Lưu Bình Nhưỡng- Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Hành vi chậm đóng BHXH xảy ra rất phổ biến trong nhiều năm qua dù chế tài đối với hành vi này đã được quy định, tuy nhiên khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đơn cử, việc DN chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự; hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm luật có hiệu lực, hay khó khăn trong việc chứng minh hành vi gian dối bởi công ty thường đưa ra lý do đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nợ đóng BHXH chứ không phải trốn đóng BHXH...

“Có thể thấy, thực trạng chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Để xử lý thực trạng này, hiện Bộ luật Hình sự và Luật BHXH cũng đã có những chế tài cụ thể. Tuy nhiên, thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào do nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng rằng muốn xử lý hình sự phải chứng minh được DN trốn đóng BHXH. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, người SDLĐ cho rằng họ không trốn đóng BHXH mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi hứa đóng, hoặc chỉ đóng một phần sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc...”- ông Nhưỡng dẫn giải.

Dưới góc độ cơ quan quản lý về lao động, ông Lê Đình Tùng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá khẳng định, việc dây dưa chậm đóng, trốn đóng BHXH là thực trạng đáng lo ngại suốt nhiều năm qua, kéo theo nhiều hệ luỵ, không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

“Giai đoạn 2020-2022, Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì làm việc với một số đơn vị nợ đọng lớn và kéo dài, song các đơn vị không còn hoạt động, làm ăn thua lỗ, giải thể nên việc thu nợ rất khó khăn... Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi NLĐ. Cụ thể, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về việc khởi kiện các đơn vị nợ đọng ra tòa, đưa ra các chế tài đủ mạnh, đảm bảo sức răn đe nhằm giảm thiểu số lượng đơn vị nợ và số tiền nợ BHXH; quy định cụ thể, dễ thực hiện xử lý hình sự đối với các DN nợ đọng BHXH; ban hành quy định về phương án xử lý tiền nợ BHXH tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phả sản hoặc chủ bỏ trốn, làm căn cứ giải quyết chế độ cho NLĐ; tăng số lượng thanh tra viên lao động để đáp ứng nhu cầu quản lý số lượng DN…”- ông Tùng đề xuất.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân đã bổ sung biện pháp xử lý trốn đóng BHXH, BHYT với những giải pháp mạnh như: Ngừng sử dụng hóa đơn đối với DN chậm đóng BHXH; Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện DN chậm đóng BHXH... Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH rất phức tạp, cần nhiều thời gian và giải pháp mạnh hơn.

Theo ông Lê Đức Thọ- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, việc ngừng sử dụng hóa đơn là giải pháp mạnh để DN tuân thủ quy định pháp luật BHXH, song chỉ nên áp dụng trong giai đoạn tới khi DN đã khoanh được nợ. Còn hậu quả trước đó do DN nợ đóng BHXH thì không nên áp dụng bởi chắc chắn nhiều DN sẽ ngừng hoạt động. “Nhiều DN sẽ chết do số nợ BHXH đã quá nhiều năm, chắc chắn việc ngừng sử dụng hóa đơn thì DN không còn hoạt động được, số tiền nợ BHXH hiện tồn đọng cũng rất lớn. Tất nhiên, vẫn có những DN tồn tại được, nhưng với điều kiện nợ BHXH phải khoanh được trước khi đổi mới DN để sau đổi mới tiếp tục hoạt động theo cơ chế trả lương, đóng BHXH mới”- ông Thọ nêu.

Dưới góc độ khác, ông Dương Đức Khanh- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình nêu ví dụ trường hợp một DN da giày ở địa phương chậm đóng BHXH 3 năm. Các cơ quan chức năng phối hợp làm việc với DN chỉ ở mức độ nhất định, nhưng DN đã âm thầm chuyển hết tài sản và bỏ trốn. “Chúng tôi làm đủ trình tự, phối hợp với các ngành nhưng không làm gì được, kể cả Công an vào cuộc cũng không khởi tố được vụ án, cuối cùng hàng nghìn NLĐ bị mất quyền lợi. Đây là điều thiệt thòi với NLĐ, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi”- ông Khanh chia sẻ.

Vì vậy, theo ông Dương Đức Khanh, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần bổ sung một khoản vào Điều 19, đó là người SDLĐ, cơ quan BHXH có trách nhiệm công khai thông tin của NLĐ và cơ quan đóng BHXH để NLĐ được theo dõi. Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 21- đó là yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận thông tin đóng BHXH, hằng tháng cung cấp thông tin công khai để mọi người kiểm tra, giám sát DN đã chấp hành đóng nộp hay chưa.

Bài: Vũ Thu

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Bình luận mới