Ngày 10/1/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. PGS-TS.Mạc Văn Tiến- Viện trường Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế đã có những trao đổi, phân tích, bình luận về các định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong nghị quyết trên.
* PV: Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước những diễn biến của thị trường lao động nói riêng và tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung, theo ông, việc Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về thị trường lao động có ý nghĩa gì?
- PGS-TS.Mạc Văn Tiến: Trước hết, cần phải khẳng định, trước khi có nghị quyết này, thị trường lao động nước ta đã được hình thành, phát triển trong một thời gian dài, kể khi chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bởi, thị trường lao động là một trong những thị trường cơ bản, có tính tất yếu của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc hình thành và phát triển thị trường lao động là một bước tiến dài cả về tư duy, nhận thức và hành động, nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người. Từ chỗ không công nhận sức lao động là hàng hóa đến chỗ khẳng định sức lao động là hàng hóa, có thể thỏa thuận, trao đổi được trên thị trường. Từ chỗ cho rằng nền kinh tế tập trung không có thất nghiệp, đến chỗ thừa nhận thất nghiệp là một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường… Đây thực sự là một bước tiến dài trong tư duy phát triển kinh tế ở Việt Nam.