Chia sẻ động lực quan trọng để tham gia BHXH tự nguyện, chị Phạm Thị Liên (tổ dân phố 2, TT.Đức Thọ, huyện Đức Thọ) cho biết: “Từ năm 2018, vợ chồng chúng tôi được cán bộ Hội LHPN huyện tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, sau khi tìm hiểu thì tôi đã tham gia. Ngoài ra, còn vận động thêm anh em ruột và hàng xóm cùng tham gia vì được Đảng và nhà nước quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để đóng BHXH, BHYT, sau này có lương hưu lo cho cuộc sống về già…” Có thể nói, sự thay đổi nhận thức từ mỗi người dân trên địa bàn là “thành tựu” quan trọng mà Hội LHPN TT.Đức Thọ đạt được thông qua các hoạt động truyên truyền, lan tỏa chính sách an sinh xã hội.
“Điều kiện kinh tế, đời sống của người dân Đức Thọ còn khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Xác định là cầu nối về chính sách BHXH, BHYT, chúng tôi đến tận nơi để tuyên truyền, không để người dân chờ lâu và thiếu thông tin, kể cả buổi đêm cũng như ngày nghỉ...”, chị Trần Thị Thanh Liêm- Phó Chủ tịch Hội LHPN TT.Đức Thọ chia sẻ.
Trong suốt thời gian qua, người cán bộ hội này đã chủ động bám sát cơ sở, tranh thủ mọi thời gian để đến tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và tư vấn, giải đáp thắc mắc của người dân về chính sách an sinh xã hội cho những lao động tự do. Đặc biệt, hội cũng đã huy động các Bí thư Chi bộ, cán bộ hội, đoàn thể… gương mẫu đi đầu, vận động người thân trong gia đình tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình...
Nhờ cách làm này, 11 tháng đầu năm, Hội LHPN TT.Đức Thọ đã vận động được 167 hội viên tham gia BHXH tự nguyện, góp phần vào thành tích phát triển mới 1.400 người tham gia BHXH tự nguyện trong toàn huyện. Hiện, Đức Thọ nằm trong nhóm đơn vị dẫn đầu về số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, đạt 170% kế hoạch chỉ tiêu tỉnh giao.
Còn tại huyện Vũ Quang, từ tháng 5, BHXH huyện phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy và UBND xã Đức Lĩnh đã tổ chức ra mắt mô hình dân vận khéo “Tổ liên gia 100% NLĐ tham gia BHXH”, bắt đầu tại thôn Thanh Bình với 8 tổ liên gia. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các thành viên mô hình dân vận khéo của thôn đã tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt như: lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt thôn, các chi hội; thường xuyên phối hợp với BHXH huyện và các tổ chức đoàn thể của xã truyền thông, đối thoại giúp đoàn viên, hội viên hiểu rõ về quyền lợi, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia... Triển khai thành công mô hình này, đến nay, 99% người dân thôn Thanh Bình đã tham gia BHYT hộ gia đình, 47/82 NLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ 57%. Trong đó, tổ liên gia số 4 đạt tỷ lệ 100% người dân trong độ tuổi lao động tham gia BHXH tự nguyện. Hiện xã Đức Lĩnh đã có 2 mô hình dân vận khéo với 50 người tham gia…
Thời gian qua, có rất nhiều mô hình an sinh xã hội cũng được triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thông qua các hội đoàn thể, tiêu biểu như: “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH, BHYT”, “Cây bưởi BHXH tự nguyện”, “Vườn rau an sinh”… do Hội Nông dân, Hội LHPN xã chủ trì triển khai… Các mô hình này đều đã và đang hoạt động hiệu quả, ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân, giúp người dân tiếp cận và hiểu rõ hơn, có kế hoạch tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Gần đây nhất (ngày 13/11), Hội Nông dân xã Kỳ Nam (TX.Kỳ Anh) cũng ra mắt mô hình “Cây mai an sinh” hỗ trợ hội viên tham gia BHXH tự nguyện. Xã Kỳ Nam hiện có hơn 190 vườn mai vàng có quy mô từ 100 cây trở lên, mang lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, số lượng các hộ dân tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp; toàn xã mới chỉ có 55 người tham gia. Mô hình “Cây mai an sinh” được triển khai mang theo kỳ vọng của Hội Nông dân và BHXH TX.Kỳ Anh- mỗi hộ sẽ dùng nguồn thu từ 1-2 gốc mai làm kinh phí đóng BHXH tự nguyện. Ngay từ khi ra mắt vào ngày 13/11, mô hình đã có 9 hộ tham gia, sau ngày ra mắt có thêm 3 hộ tham gia. Với triển vọng tích cực này, BHXH TX.Kỳ Anh đang phối hợp với Hội Nông dân xã Kỳ Nam tiếp tục tuyên truyền, vận động thêm các hộ trồng mai tham gia mô hình...
Một mô hình có độ lan tỏa cao khác là “Nuôi lợn đất tiết kiệm đóng BHXH tự nguyện” đã được triển khai thành công tại huyện Vũ Quang và TX.Kỳ Anh. Theo đó, các thành viên đều là những người có mức thu nhập trung bình, nghề nghiệp chủ yếu là làm ruộng và buôn bán nhỏ. Tham gia mô hình này, các cuộc tuyên truyền dưới nhiều hình thức đã giúp các hội viên phụ nữ hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, từ đó tạo niềm tin, động lực để chị em hoạch định tài chính, dành một phần nhỏ trong thu nhập để tiết kiệm tham gia BHXH...
Ông Nguyễn Mạnh Toàn- Giám đốc BHXH huyện Vũ Quang cho biết: “Để mô hình “Nuôi lợn đất tiết kiệm đóng BHXH tự nguyện” phát triển hiệu quả, chúng tôi sẽ tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, cập nhật chính sách BHXH, BHYT cho các hội viên phụ nữ, hướng dẫn cách đóng sao cho các hội viên khó khăn giảm được áp lực. Hy vọng, mô hình sẽ ngày càng thu hút hội viên tham gia, lan toả sang các địa bàn khác”…
Thực hiện: Thái An
Trình bày: Hà Hùng