PortalViewLongForm
E-magazine

BHXH tỉnh Quảng Nam: Phát triển BHXH tự nguyện bền vững

Shared facebook

Trao đổi với PV Tạp chí BHXH, ông Nguyễn Thanh Danh- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, đến giờ phút này có thể khẳng định, BHXH tỉnh Quảng Nam luôn thực hiện rất tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Từ chỗ năm 2019 chỉ có 6.674 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2020 đã tăng lên 17.618 người, năm 2021- dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn phát triển được hơn 10.600 người tham gia mới; và tính đến hết tháng 8/2024 là gần 18.500 người.

BHXH tỉnh Quảng Nam chắc chắn chưa hài lòng với kết quả này. Bởi, sự gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện có phần hơi chậm, một phần cũng do BHXH tỉnh quyết tâm chọn phát triển theo hướng bền vững, NLĐ nào đã tham gia thì sẽ cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào chính sách và theo đến cùng. Chúng tôi cho rằng, nếu vận động theo số lượng, đến lúc nào đó, công tác tìm hiểu, chăm sóc khách hàng không thực sự tốt khiến NLĐ từ bỏ chính sách, thì cũng không có ý nghĩa gì, có khi còn bị tác dụng ngược, kéo theo mất niềm tin của NLĐ vào chính sách BHXH, BHYT.

PV: Quảng Nam được xem là đơn vị có nhiều sáng tạo trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Quảng Nam cũng đang có đội ngũ tổ chức DVT hùng hậu, hoạt động rất hiệu quả. Đề nghị ông cho biết rõ vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Danh:

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh nhiều giải pháp khác, BHXH tỉnh Quảng Nam luôn xác định truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, BHXH tỉnh luôn đổi mới, sáng tạo hình thức và phương pháp truyền thông hướng về cơ sở, trực tiếp đến người dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó tạo sự đồng thuận để vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

Đồng thời, BHXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục duy trì các mô hình tuyên truyền, vận động đã đem lại hiệu quả cao trong thời gian qua như: Mô hình “Nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” (TX.Điện Bàn); mô hình “Thu tiền góp hàng ngày của lao động tự do tại các chợ để tham gia BHXH tự nguyện” (huyện Thăng Bình); mô hình “Vận động hội viên nghiệp đoàn xích lô, nghiệp đoàn ghe bơi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” (TP.Hội An); mô hình “Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện- Vì cuộc sống an sinh tuổi già” (huyện Tiên Phước); hay như điểm sáng tuyên truyền của TP.Tam Kỳ), mô hình xã điểm phát triển BHXH tự nguyện của huyện Tiên Phước. Ngoài ra, một số hình thức truyền thông khác đang được BHXH tỉnh Quảng Nam triển khai có hiệu quả như: Áp phích tuyên truyền Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội gian lận BHYT đặt tại các cơ sở KCB; áp phích tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên xe bus công cộng.

Theo thống kê, đến ngày 31/7/2024, BHXH tỉnh và BHXH các huyện ký kết hợp đồng với 11 tổ chức dịch vụ thu (DVT), với tổng số 479 điểm thu, 559 nhân viên thu và 332 cộng tác viên. Các tổ chức DVT bám sát kế hoạch, đề ra giải pháp và lộ trình cụ thể, đặc biệt giao chỉ tiêu đến từng nhân viên thu, để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp. Kết quả, trong 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh có gần 18.500 người tham gia BHXH tự nguyện. Một số tổ chức DVT đã thực hiện tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện như: Tổ chức DVT Sông Tiên (đạt 106%); tổ chức DVT Maki (đạt 71,4%); tổ chức DVT Thanh Hương (đạt 69,43%); tổ chức DVT Phát Nông A (đạt 64,4%); tổ chức DVT Sao Sáng (đạt 51,74%).

* Để phát triển BHXH tự nguyện theo hướng bền vững, đâu là giải pháp quan trọng của BHXH tỉnh Quảng Nam?

- Thời gian qua, nhờ kết hợp chặt chẽ với BHXH các huyện và BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các xã, phường, nên CBVC BHXH tỉnh Quảng Nam và các tổ chức DVT đã bám cơ sở tốt, có nhiều cách làm hay, linh động, sáng tạo trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, để đảm bảo chính sách bền vững, cần tuyên truyền để người dân hiểu đây là chính sách an sinh xã hội thiết thân, nhất là khi hết tuổi lao động thì đó sẽ là điểm tựa tốt nhất.

Vì vậy, BHXH các huyện và các tổ chức DVT cần tăng cường phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để phát triển BHXH tự nguyện đối với lực lượng an ninh trật tự tại cơ sở theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh. Các tổ chức DVT cũng cần đưa ra giải pháp để phát triển người tham gia BHXH bền vững. Đồng thời, các đơn vị cần phối hợp để cung cấp danh sách người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để nhắn tin thông báo đến từng người.

Thông qua các tổ chức DVT, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tăng lên. Để duy trì tính bền vững, khi người dân rơi vào khó khăn, ngay lúc này cần có sự vào cuộc từ nhân viên tổ chức DVT như tìm hiểu, động viên người dân có những cách tham gia phù hợp. Bên cạnh đó, các tổ chức DVT cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, kịch bản điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Cách đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hiện nay khá linh động, nên khi người tham gia có khả năng tài chính có thể tham gia nhiều, thời gian dài hơn, còn khi hạn chế về tài chính thì chọn cách đóng ngắn… Vì thế, để đảm bảo chính sách được tuyên truyền đến nhiều tầng lớp nhân dân, BHXH tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ xây dựng những sản phẩm truyền thông mang thông điệp dễ hiểu, có người thật, việc thật điển hình, bởi chỉ có những câu chuyện ở cơ sở mới đạt hiệu quả tuyên truyền tốt hơn.

Đồng thời, BHXH tỉnh sẽ tổ chức phát động phong trào thi đua nước rút những tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao năm 2024, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam và 30 năm Ngày thành lập ngành BHXH Việt Nam.

Bài: Lê Văn

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới