PortalViewLongForm
E-magazine

Chuyện bà giáo Cúc “lo lương hưu” cho người dân

Shared facebook

Bà Lưu Thị Cúc trước đây là giáo viên dạy môn Vật lý tại một trường THPT trên địa bàn huyện Phù Ninh. Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, biết bao thế hệ học trò đã được bà dạy dỗ và trưởng thành. Năm 2006, bà Cúc nghỉ hưu với mức lương hưu 1,2 triệu đồng/tháng; sau 14 lần điều chỉnh, đến nay lương hưu của bà tăng lên hơn 9 triệu đồng. Do có lương hưu, nên bao năm nay, cuộc sống tuổi già của bà trở nên thảnh thơi, an nhàn. Không những không phải phụ thuộc vào con cháu, bà còn chắt chiu, tiết kiệm từ lương hưu để hỗ trợ người thân khi gặp khó khăn.

Cuộc sống êm đềm, vui vầy bên con cháu càng làm bà Cúc hiểu rõ hơn giá trị của tuổi già có lương hưu. Tuy nhiên, hằng ngày bà Cúc cũng chứng kiến biết bao người phụ nữ trạc tuổi mình không có lương hưu vẫn tất tưởi bán mớ rau, quả trứng để lo trang trải cuộc sống, khiến bà không khỏi chạnh lòng. Thêm vào đó, mấy người con của họ đều là lao động tự do, nên khó có được cuộc sống ổn định.

Chính vì vậy, bà Cúc luôn trăn trở về việc phải làm thế nào giúp người thân của mình có được chỗ dựa vững chắc khi về già. Mấy lần đi lĩnh lương hưu, nghe nhân viên Bưu điện nhắc đến BHXH tự nguyện, bà liền chủ động tìm tài liệu về chính sách này để đọc, chỗ nào chưa hiểu thì bà ra tận BHXH huyện để nhờ giải đáp thấu đáo. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu quy định về đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi được hưởng, bà Cúc cảm thấy hoàn toàn yên tâm về chính sách nhân văn này.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Cúc bảo rằng, đây chính là cách để người thân của bà có được chỗ dựa khi hết tuổi lao động. Vì vậy, năm 2019, bà chủ động đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho con trai là Nguyễn Thành Đông (sinh năm 1981). “Dù con cái có khôn lớn, trưởng thành, thì vẫn là con của cha mẹ, những gì tốt nhất thì cha mẹ luôn dành cho con, cuốn sổ BHXH tự nguyện chính là món quà chứa đựng tình yêu thương, lo lắng cho tương lai của con trai”- bà Cúc trải lòng. Dẫu rằng con trai làm kinh doanh và có điều kiện kinh tế ổn định, song với một người hay lo xa như bà Cúc, thì việc lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện cho con, là việc đáng làm.

Đặc biệt, thấy mẹ quan tâm đến chính sách BHXH tự  nguyện, anh con trai của bà Cúc bắt đầu để ý và lên Internet tìm hiểu. Qua đó, bản thân anh đã nhận thức được đây là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp chăm lo đời sống cho những lao động tự do như anh- điều mà trước đây anh cho rằng chỉ có người làm trong nhà nước như mẹ mình mới được tham gia. Cảm nhận mình thật may mắn khi có người mẹ chu đáo, hiểu biết rộng, anh Đông càng thêm tin vào chính sách…

Giải tỏa được nỗi niềm lo toan cho tương lai của con trai, bà Cúc như cởi mở tấm lòng. Vốn là người hay lo lắng cho người thân, bà Cúc lại hướng về người em gái Lưu Thị Kim Tuyến (sinh năm 1966). Em gái bà Cúc cũng là lao động tự do, thu nhập không ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn do chồng mất sớm. Thương em, nghĩ đến cảnh tuổi già không có chỗ dựa, bà Cúc đã khuyên em gái tham gia BHXH tự nguyện để lo cho tuổi già.

Bà Tuyến rất tin vào lời khuyên của chị gái, nhưng lại không dám quyết, vì sợ không thể tham gia đều đặn do thu nhập bấp bênh. Nghe em gái trải lòng, bà Cúc lại tỉ mẩn phân tích cho em gái hiểu việc tham gia BHXH tự nguyện rất linh hoạt, tháng nào có tiền thì đóng, tháng nào không có thì có thể đóng bù ở kỳ sau. Đặc biệt, bà Cúc còn nhắc em gái “với người đã có tuổi nếu chần chừ sẽ lỡ mất cơ hội”, rồi giục em đăng ký thời điểm tham gia sớm nhất có thể.

Ngay sau đó, bà Tuyến đã đồng ý tham gia và nhờ chị gái đóng tiền hằng tháng, bởi với mức đóng thấp nhất 138.600 đồng (thời điểm năm 2021), bà hoàn toàn có thể thu xếp được. Vậy là, 2 người mà bà Cúc lo lắng nhất đã chính thức “đặt chân” vào lưới an sinh xã hội. Việc này giúp bà có thêm động lực để tiếp tục vận động những người xung quanh. Dần dần, chủ đề về BHXH trở thành nội dung trò chuyện trong mỗi dịp gia đình gặp gỡ.

Mưa dầm thấm lâu, lần lượt các em trai, em dâu và cháu của bà Cúc đều tham gia BHXH tự nguyện một cách chủ động. Tính đến nay, bà Cúc đã vận động được 18 người thân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó người nhiều tuổi nhất sinh năm 1966 và người ít tuổi nhất sinh năm 2001. Như vậy, tất cả những người trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện trong gia đình bà đều đã tham gia hết. Không chỉ dừng lại trong nhà, bà Cúc tiếp tục mang câu chuyện tham gia BHXH tự nguyện của gia đình mình giới thiệu với bà con khu phố. Từ đó, giúp nhiều người dân xung quanh hiểu rõ và đăng ký tham gia để sau này được hưởng lương hưu.

Có thể thấy, ban đầu mọi người tham gia BHXH tự nguyện vì sự tin tưởng, uy tín của bà Cúc- một nhà giáo có trình độ hiểu biết, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật rất tốt. Về sau, chủ đề về BHXH được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nên đã ngấm dần vào tiềm thức của mỗi người. Càng hiểu thì họ càng nhận ra việc nghe theo định hướng của bà Cúc là đúng đắn, nhờ đó không bỏ lỡ thời gian tham gia BHXH.

Không chỉ vận động, đứng ra thu nộp tiền BHXH cho người thân trong gia đình, bà Cúc còn tiếp tục cập nhật thông tin của Luật BHXH (sửa đổi) để nắm bắt và truyền đạt lại cho mọi người. Từ tháng 7/2024, bà Cúc lại vận động người thân nâng mức tiền đóng BHXH, bởi như giải thích của bà: “Luật BHXH (sửa đổi) giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng hưu trí xuống còn 15 năm, nên muốn có lương hưu cao thì phải tăng mức đóng”.

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, với mục đích chăm sóc đời sống cho người dân khi hết tuổi lao động, đó là điểm tựa vững chắc cho những người lao động tự do. Để nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu, rất cần những người am hiểu, tâm huyết như bà Cúc trong việc truyên truyền, vận động, phổ biến chính sách. Nếu như những người trong gia đình, dòng họ cùng giúp đỡ nhau vào lưới an sinh sẽ góp phần tạo ra một hệ thống an sinh xã hội lớn mạnh và bền vững.

Thực hiện: Lê Thị Thanh Ngân

Trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận
Bình luận mới