BHXH tự nguyện chính thức được triển khai tại Việt Nam từ 01/01/2008, được kỳ vọng mở ra cơ hội có lương hưu do Nhà nước chi trả cho người lao động trong mọi thành phần kinh tế. Những quy định về BHXH tự nguyện cũng được đánh giá là đã góp phần hoàn thiện thể chế cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi mà an sinh xã hội được mở rộng và bao phủ đến người lao động trong mọi thành phần kinh tế, sẽ tháo gỡ được tâm lý “người trong Nhà nước” và “người ngoài Nhà nước”, thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng để các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp và trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc dân.
Có thể thấy, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, tư duy làm chính sách an sinh xã hội của chúng ta đã có sự thay đổi quan trọng, hệ thống chính sách an sinh xã hội mà BHXH, BHYT là hai trụ cột chính ngày càng được hoàn thiện. Riêng với chính sách BHXH tự nguyện, đã có nhiều thay đổi hết sức quan trọng.
Nếu như ở thời điểm sơ khai hình thành, BHXH tự nguyện được quy định tại 01 chương của Luật BHXH 2006 với 10 điều, có 2 chế độ chính là hưu trí và tử tuất. Các quy định về đóng – hưởng chưa thực sự linh hoạt và chưa có sự quan tâm thích đáng đến đặc điểm kinh tế - chính trị - xã hội của nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện thì trong 02 lần sửa đổi sau đó, những bất cập này đã từng bước được khắc phục. Tại lần sửa Luật BHXH năm 2014, chính sách BHXH tự nguyện đã mở rộng đối tượng tham gia đến tất cả công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quy định về mức đóng tối thiểu, tối đa; từ năm 2018, có thêm các quy định về hỗ trợ mức đóng cho người tham gia từ ngân sách nhà nước, quy định về đóng một lần cho những năm còn thiếu,… tạo cơ hội tối đa để người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ an sinh xã hội dài hạn mà Luật BHXH hướng tới. Và thực sự với những thay đổi này, đã tạo ra “cú huých” ngoạn mục với công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Nếu như ở thời điểm năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện với những quy định tại Luật BHXH 2006, cả nước chỉ có 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện, thì đến năm 2018, con số này là 270.000 người, tăng gấp 45 lần và liên tục có sự tăng trưởng dương qua từng năm. Hết tháng 06/2025, cả nước đã có 2,59 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, trong những dịp cao điểm như “Tháng 5 – Tháng phát triển BHXH toàn dân” hay “Tháng 7 – Ngày hội toàn dân tham gia BHXH, BHYT”, với nhiều hoạt động truyền thông, vận động mang tính đồng bộ và toàn diện, đã thu hút số người tham gia lớn …
Đến lần sửa Luật BHXH năm 2024, lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, chính sách BHXH tự nguyện đã có sự sửa đổi, bổ sung khá toàn diện: (i) Bổ sung chế độ ngắn hạn (thai sản, tai nạn lao động) nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, tăng cường sự tương tác giữa hệ thống BHXH với người tham gia trong một vòng tham gia tuần hoàn; (ii) Tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với từng nhóm đối tượng trong 10 năm đầu tham gia, trong đó, nhóm người yếu thế (người thuộc hộ gia đình nghèo) được hỗ trợ tới 50% mức đóng của chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, người thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 40% mức đóng; với các nhóm đối tượng còn lại cũng được phân chia mức hỗ trợ theo 02 nhóm đặc thù: Người dân tộc thiểu số nâng mức hỗ trợ từ 10% lên 30% so với mức đóng của chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, tăng 66.000 đồng/tháng; đối tượng khác nâng mức hỗ trợ từ 10% lên 20%, tăng 33.000 đồng/tháng; (iii) Giảm điều kiện về số năm đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm;
(iv) Đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước năm 2021 mà có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên được nghỉ hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi (nam thấp hơn 2 tuổi, nữ thấp hơn 5 tuổi so với người tham gia từ năm 2021 trở đi). Đây được đánh giá là quy định chuyển tiếp hết sức quan trọng, thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước trong thực hiện cam kết của mình với người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia vào chính sách ở thời điểm nào sẽ được hưởng những quy định có lợi nhất với họ ở thời điểm đó…
Chị Trần Thị Thu, người lao động tự do ở Phường Lương Văn Tri, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tôi tham gia BHXH tự nguyện từ 01/01/2008, từ ngày đầu tiên triển khai chính sách, đến nay đã có gần 18 năm đóng và tôi cũng đã 49 tuổi. Khi Nhà nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thú thực tôi cũng thấy hơi ấm ức, vì rõ ràng khi tôi tham gia ban đầu, Nhà nước nói tuổi nghỉ hưu của tôi là 55 tuổi. Giờ Luật điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu với những người đã tham gia BHXH tự nguyện từ trước năm 2021 như tôi là rất thỏa đáng”. Chị Nguyễn Thị Vân, ở phường Đống Đa, Hà Nội cũng phấn khởi: “Em tham gia BHXH tự nguyện được 03 năm rồi, cuối năm nay em dự kiến sinh em bé, vậy là em sẽ được hưởng chế độ thai sản của BHXH tự nguyện”. Anh Lường Văn Sinh ở xã Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thì chia sẻ “Tôi rất cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ đã quan tâm, tăng mức hỗ trợ người dân tộc thiểu số như tôi tham gia BHXH tự nguyện”.
Để Luật BHXH 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhất là những quy định mới về BHXH tự nguyện, Chính phủ và các bộ đã ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện. Là cơ quan được giao tổ chức thục hiện chính sách, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương, đảm bảo trong quá trình chuyển tiếp thực hiện các quy định của Luật BHXH 2024, sẽ giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia, đặc biệt trong bối cảnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật BHXH 2024 lại trùng với thời điểm triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tại Hội nghị chuyên đề về công tác thu và phát triển người tham gia mới đây, Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đã chỉ đạo, BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương ổn định bộ máy tổ chức, tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT các cấp; chủ động tham mưu việc triển khai mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định mới; Tập trung phân tích kỹ đặc điểm và tiềm năng của từng nhóm đối tượng trên địa bàn, chủ động xây dựng, đề xuất các giải pháp phù hợp, có tính thuyết phục để tham mưu hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn; Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện phân công nhiệm vụ bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ vào tiêu chí đánh giá xếp loại quý, năm nhằm nâng cao tính chủ động, kỷ cương, phát huy tối đa năng lực của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai công tác truyền thông; tiếp tục đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền, đặc biệt tập trung vào các điểm mới, điểm ưu việt của Luật BHXH số 41/2024/QH15; Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Về phía các đơn vị tham mưu của BHXH Việt Nam, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương về quy trình khai thác người tham gia theo các quy định mới; ký phụ lục hợp đồng với các tổ chức dịch vụ thu, chế độ chi thù lao cho Tổ chức Dịch vụ thu, đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tham mưu tổ chức các hội nghị chuyên đề định kỳ hằng tháng nhằm nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, tổng hợp báo cáo lãnh đạo để giải quyết hiệu quả. Tăng cường rà soát, kiểm tra theo các tiêu chí cảnh báo rủi ro nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm (nếu có). Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, không bị gián đoạn nhất là trong thời gian vận hành mô hình chính quyền hai cấp, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, linh hoạt ứng phó với mọi thách thức, đưa những quy định mới của Luật BHXH 2024 nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng đi vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.