Là giáo viên tại Trường THCS Phú Thượng (phường Phú Thượng, thành phố Huế), sau 15 năm 4 tháng công tác trong ngành Giáo dục, tháng 3/2024, anh Nguyễn Văn Hải Hồng quyết định nghỉ việc, rồi quyết định làm thủ tục nhận chế độ BHXH một lần (hơn 170 triệu đồng).
Theo chia sẻ của anh Hồng, năm nay anh mới 47 tuổi, nên nếu nghỉ việc và không nhận chế độ BHXH một lần, anh phải đợi thêm 15 năm nữa mới đến tuổi nhận lương hưu, trong khi hiện tại gia đình đang cần khoản tiền lớn để giải quyết công việc.
“Khi đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần, cán bộ BHXH thành phố Huế đã tư vấn và vận động nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH để sau này nhận lương hưu và thụ hưởng các chế độ của Nhà nước, song tôi vẫn quyết định nhận BHXH một lần để giải quyết các nhu cầu trước mắt, rồi sau này tính tiếp”- anh Hồng chia sẻ.
Cũng may, sau khi nhận BHXH một lần, cán bộ BHXH thành phố Huế lại chủ động tiếp cận tuyên truyền, nên anh Hồng đã quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình và người anh trai, với mức đóng 5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mặc dù đã nhận BHXH một lần để giải quyết nhu cầu của gia đình, song anh Hồng và người thân vẫn có cơ hội ở lại hệ thống an sinh thông qua việc tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với trường hợp của anh Hồng, thời gian qua, hàng trăm người lao động do nhiều nguyên nhân đã rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp. Song, nhờ nắm bắt nhu cầu cũng như tình hình kinh tế của nhóm này, BHXH thành phố Huế đã kịp thời chuyển hướng tuyên truyền, nên số lượng người lao động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (sau khi rút BHXH một lần) tăng, giúp giảm bớt gánh nặng cho con cháu khi về già.
“Sau khi làm thủ tục BHXH một lần và nhận số tiền hơn 150 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh, tôi tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 320.000 đồng/tháng. Quan trọng hơn là, sau này khi hết tuổi lao động, tôi vẫn có lương hưu như các đồng nghiệp”- chị Nguyễn Thị Ái, công nhân tại một nhà máy may ở KCN Phú Bài (thành phố Huế) chia sẻ.
Vợ chồng ông Trần Thuận, bà Nguyễn Thị Khuyên (phường Kim Long, thành phố Huế) đều là cán bộ hưu trí, lương hàng tháng của hai ông bà gần 20 triệu đồng. Với số tiền đó, ông bà khá thoải mái trong chi tiêu hàng ngày và chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, điều khiến vợ chồng ông trăn trở và lo lắng đó chính là tương lai của cậu con trai út hiện đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.
“Sau khi đi xuất khẩu lao động trở về sợ không xin được việc làm hoặc công việc không ổn định, thì sau này làm sao có thể lo cho bản thân và con cái, hay những lúc trái gió trở trời. Vì vậy, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho con với mức 1,8 triệu đồng/tháng với mong muốn sau này hai vợ chồng trăm tuổi cũng yên lòng khi con cái đã có cuốn sổ hưu và thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe như mình”- bà Khuyên chia sẻ.
Hiện, mỗi ngày có hàng chục lao động đến bộ phận một cửa BHXH TP.Huế để làm thủ tục nhận hưởng BHXH một lần. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận và trước khi đưa ra lý do để rút BHXH một lần, ai cũng đều có lý lẽ riêng. Mặc dù BHXH thành phố Huế đã bố trí cán bộ tuyên truyền, tư vấn và vận động bảo lưu quá trình đóng BHXH để sau này nhận lương hưu, song số người rút vẫn không thuyên giảm, đồng nghĩa với số người hưởng lương hưu ngày càng ít đi.
Đơn cử, trường hợp vợ chồng bà Nguyễn Thị Toàn và ông Lê Minh (làm việc tại một siêu thị trên địa bàn thành phố Huế). Khoảng 3 năm trước, bà Toàn bị bệnh về cột sống, đi lại khó khăn, buộc phải xin nghỉ để trị bệnh. Đến năm 2022, chồng bà bị tai nạn giao thông, xuất viện về nhà nhưng sức khỏe không thể tiếp tục làm việc cũng buộc lòng phải nghỉ việc. Cả hai vợ chồng không có nguồn thu nhập khác, nên ông bà đã lần lượt rút BHXH một lần để lo thuốc men, sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, số tiền này chỉ giúp gia đình duy trì được một thời gian.
Từ cuối năm 2023, hai ông bà xin làm nón lá, thu nhập tính theo sản phẩm nên chẳng được bao nhiêu, song mỗi năm vẫn chi gần 2 triệu đồng để mua thẻ BHYT. Bà Toàn chia sẻ: “Sức khỏe yếu, nhưng vẫn phải cố gắng làm việc để trang trải các chi phí hằng ngày. Nếu như ngày trước không rút BHXH một lần, thì giờ đây mỗi tháng hai vợ chồng đều có khoản lương hưu để chăm lo tuổi già, được cấp thẻ BHYT để KCB”.
Theo BHXH thành phố Huế, người lao động nếu rút BHXH một lần, thì cơ hội tiếp cận lương hưu rất khó. Song, nhiều người vẫn chấp nhận đánh đổi để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Thực trạng đó khiến số người lao động nghỉ việc hưởng BHXH một lần ngày càng tăng cao. Tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có gần 5.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế-xã hội, cũng như đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Cũng theo BHXH thành phố Huế, nguyên nhân khiến người lao động quyết định rút BHXH một lần một phần do chưa hiểu rõ chính sách, một phần do “hiệu ứng đám đông” thấy bạn bè rút nên rút theo, và một nguyên nhân quan trọng nữa đó là cần tiền để giải quyết các khó khăn trước mắt. Vì vậy, để người lao động hiểu rõ chính sách, nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, BHXH thành phố Huế thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức đối thoại, tư vấn với người đang nghỉ việc và trong thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong đó, truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng; về những thiệt thòi khi lựa chọn nhận BHXH một lần; những lợi ích, giá trị được hưởng khi không nhận BHXH một lần và bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia. Đặc biệt, tại các buổi đối thoại, BHXH thành phố Huế đã giới thiệu các tấm gương “người thật, việc thật”- đó là những người nghỉ hưu đang sống vui, khỏe, an nhàn nhờ có lương hưu hằng tháng và thẻ BHYT… để người lao động hiểu và tin tưởng vào chính sách.
Theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Huế, toàn thành phố hiện có trên 9.000 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để những đối tượng này tiếp tục ở lại hệ thống an sinh, BHXH thành phố đã tổ chức các buổi đối thoại, tuyên truyền lồng ghép tại các lớp đào tạo nghề do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức; duy trì thường xuyên việc truyền thông, vận động trực tiếp tại bộ phận “Một cửa” của cơ quan BHXH và Trung tâm Dịch vụ việc làm; tuyên truyền theo nhóm nhỏ tại các doanh nghiệp, khu dân cư…
Đồng thời, cung cấp thông tin qua Zalo để trực tiếp tư vấn, giải đáp; kết hợp các sản phẩm truyền thông như dán áp phích tại bộ phận giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, phát tờ rơi, tờ gấp cho người lao động; phát các motion graphic, video clip trên màn hình led… tại các đơn vị liên quan. Thông qua tổ chức 246 buổi đối thoại, hội nghị khách hàng và 2.050 cuộc tuyên truyền nhóm nhỏ đã góp phần giúp toàn tỉnh có hơn 20.100 người tham gia BHXH tự nguyện và 472.000 người tham gia BHYT hộ gia đình; đồng thời giảm số người hưởng BHXH một lần.
Thực hiện: Nguyệt Hà
Trình bày: Hà Hùng