Hồi giữa tháng 5/2023, ngành Công an tỉnh Kiên Giang tăng tốc thực hiện các hoạt động phục vụ công tác chuyển đổi số. Đây là dịp thuận lợi để BHXH tỉnh phối hợp thực hiện Đề án 06- một nhiệm vụ được BHXH Việt Nam rất quan tâm. Theo đó, tính đến 25/5/2023, toàn tỉnh có hơn 1,44 triệu người tham gia lưới an sinh, trong khi số người tham gia đã đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư mới hơn 1 triệu người (chiếm 71%).
“Chúng tôi phải tranh thủ phối hợp với Công an tỉnh nâng cao tỷ lệ này. Để kích hoạt BHXH các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng tốc phối hợp, chúng tôi đã phát động phong trào thi đua nước rút với một số giải thưởng khích lệ, động viên...”- ông Nguyễn Công Chánh- Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang giải thích với phóng viên Tạp chí BHXH về lý do hình thành phong trào thi đua. Vậy là, Phòng TCCB- đơn vị phụ trách lĩnh vực thi đua, khen thưởng lập tức phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch.
Phong trào thi đua nước rút với sự tham gia của Văn phòng BHXH tỉnh và BHXH 14 huyện, thành phố, thực hiện 4 nội dung gồm: Cập nhật, đồng bộ CCCD với thẻ BHYT, đăng ký tài khoản định danh mức 2, cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID; từ 95% trở lên người tham gia lưới an sinh được cập nhật mã ĐDCN/CCCD; hoàn thành chỉ tiêu KCB bằng CCCD tại các cơ sở KCB trên địa bàn; hoàn thành rà soát, hiệu chỉnh, cập nhật thông tin định danh người tham gia lưới an sinh. Cả 4 nội dung thi đua đều có các tiêu chí, dữ liệu... đánh giá cụ thể. Đặc biệt, phong trào có các giải thưởng dành cho tập thể như: Giải Nhất 10 triệu đồng; 2 giải Nhì (mỗi giải 7 triệu đồng); 3 giải Ba (mỗi giải 4 triệu đồng). Riêng cá nhân được khen thưởng bằng 0,3 mức lương cơ sở.
Ngay sau khi phong trào thi đua nước rút được phát động, BHXH các địa phương trên địa bàn Kiên Giang đã tích cực tham gia. Các đơn vị tranh thủ chạy đua với thời gian để phối với với Công an cùng cấp thực hiện nhiệm vụ cập nhật mã ĐDCN/CCCD của người tham gia BHXH, BHYT và cài đặt ứng dụng VssID. Qua một tháng thực hiện, cân đối kết quả thực hiện cả 4 nội dung phát động, phong trào thi đua nước rút ghi nhận BHXH huyện U Minh Thượng đạt giải Nhất, BHXH huyện Vĩnh Thuận đạt giải Nhì, BHXH huyện Kiên Lương đạt giải Ba.
“Có những chiều thứ Bảy, Chủ nhật, bên ngoài trời chuyển mưa đen kịt. Dù có chút lo lắng tụi nhỏ ở nhà, nhưng 6 nhân sự BHXH huyện vẫn bám trụ ở Công an huyện, mắt dán màn hình, tay gõ bàn phím để đồng bộ ĐDCN/CCCD với dữ liệu BHXH...”- chị Sử Thị Thu Phối- Phó Giám đốc BHXH huyện Vĩnh Thuận nhớ lại những ngày thi đua nước rút. Trực tiếp cùng các cộng sự thực hiện nhiệm vụ được giao, chị Thu Phối hiểu rõ có lúc phải phối hợp với Công an huyện, nhưng cũng có lúc phải phối hợp với Công an xã mới tròn việc. Vậy nên, trong khoảng thời gian thi đua nước rút, dù rất mệt song tập thể CBVC BHXH huyện đã gặt hái được những kết quả khá ấn tượng.
Còn theo chị Bùi Cẩm Nhung- Phó Giám đốc BHXH huyện U Minh Thượng, trong thời gian tham gia phong trào thi đua nước rút, ngoài việc đồng hành cùng với Công an, phía BHXH huyện còn chia nhau triển khai ở trường học, ở các đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn. “Vừa đồng bộ ĐDCN/CCCD với dữ liệu BHXH, vừa song hành cài đặt ứng dụng VssID giúp người tham gia lưới an sinh luôn”- chị Cẩm Nhung nhớ lại.
Trong khi đó, với chị Nguyễn Thị Liễu- Giám đốc BHXH huyện Kiên Lương, phong trào thi đua nước rút là “cú hích” mạnh mẽ giúp hoạt động đồng bộ mã ĐDCN/CCCD với CSDL về BHXH trên địa bàn huyện có sự bứt phá. Theo chị Liễu, nhân sự BHXH huyện rất tích cực tham gia phong trào. Do đó, kết quả đạt được vừa tạo niềm phấn khởi, vừa cho thấy rõ “cứ chung tay, chung sức, chung mục tiêu thì sẽ có cơ hội đạt kết quả cao”…
Lãnh đạo BHXH cả 3 huyện đạt giải phong trào thi đua đều khẳng định, sẽ tiếp tục phát huy tinh thần nước rút. Các khu vực trên địa bàn, các nhóm cộng đồng còn lỡ hẹn đồng bộ mã ĐDCN/CCCD với CSDL về BHXH, đặc biệt là nhóm HSSV sẽ được các cán bộ BHXH tiếp cận, phối hợp thực hiện. “Từ nay đến cuối năm sẽ ráng hết sức đạt kết quả như mong muốn...”- chị Bùi Cẩm Nhung- Phó Giám đốc BHXH huyện U Minh Thượng chia sẻ.
Được biết, so với người tham gia lưới an sinh trên địa bàn, huyện U Minh Thượng đã đồng bộ thành công 95,74%. Chỉ số này ở huyện Vĩnh Thuận là 95,25%; ở huyện Kiên Lương là 95,17%. Dù không đạt giải trong phong trào thi đua, nhưng hành trình nước rút cũng giúp BHXH một số huyện ở Kiên Giang đạt chỉ số sát nút các đơn vị đạt giải như: TP.Hà Tiên, huyện Kiên Hải, An Biên, An Minh, Giồng Riềng...
Theo ông Nguyễn Công Chánh- Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang, BHXH các huyện, thành phố trên địa bàn rất tích cực tham gia phong trào thi đua; song để đồng bộ, hài hòa và nâng cao kết quả cả 4 nội dung thi đua lại không phải là chuyện đơn giản. Đáng nói, theo ông Chánh, dù giải thưởng vẫn chưa được trao hết, nhưng phong trào thi đua nước rút đã tạo hiệu ứng như mong đợi. Theo đó, BHXH các huyện, thành phố và Văn phòng BHXH tỉnh đều tiếp tục nỗ lực thực hiện các hoạt động phục vụ công tác chuyển đổi số. Nhờ đó, so với thời điểm trước khi phong trào diễn ra, các chỉ số đã được nâng cao...
Tính đến hết tháng 8/2023, toàn địa bàn Kiên Giang có 1.454.154 người tham gia lưới an sinh. Trong đó có 1.329.533 người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 91,43%, tăng so với tỷ lệ 71% trước đó. Tỷ lệ cài đặt, sử dụng VssID tới nay cũng gia nhiều lần so với thời điểm trước khi phát động phong trào thi đua.
“BHXH tỉnh Kiên Giang luôn nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ được giao, trong đó có các nhiệm vụ liên quan Đề án 06. Kiên Giang có không ít đặc thù về điều kiện tự nhiên (núi, rừng, biển, đảo). Những đặc thù này thuận cho một số hoạt động kinh tế như du lịch, nhưng lại khá trở ngại cho công tác dệt lưới an sinh. Vì vậy, cả hệ thống BHXH tỉnh Kiên Giang từ tỉnh đến huyện đang nỗ lực hết mình để người dân trên địa bàn tham gia lưới an sinh, thụ hưởng đầy đủ chính sách BHXH, BHYT...”- ông Chánh chia sẻ thêm.
Thực hiện: Đỗ Bá
Trình bày: Hà Hùng