Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn, căng thẳng địa chính trị gia tăng đã tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, nhằm duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người dân, NLĐ.
Điển hình như việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các KCN-KCX, vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Tình trạng hàng trăm nghìn NLĐ phải nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các DN diễn ra từ quý IV/2022 đã “giảm nhiệt” trong các tháng cuối năm 2023. Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập cơ bản ổn định.
Bên cạnh đó, với tính năng ưu việt, các quỹ BHXH ngắn hạn như: quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, DS-PHSK, đặc biệt là quỹ BH thất nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “điểm tựa” đồng hành, hỗ trợ NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết cho hơn 8,84 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK; trên 1 triệu người hưởng các chế độ BH thất nghiệp.
Ngoài chính sách xã hội, công tác chăm lo cho NLĐ cũng có nhiều dấu ấn. Theo đó, dịp Tết Quý Mão 2023, đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết của Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng, tăng 260 tỷ đồng so với Tết Nhâm Dần 2022. Cùng với việc kịp thời phản ánh, đề xuất với các cơ quan chức năng hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn cho DN, NLĐ trước tình trạng thiếu đơn hàng, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ NLĐ bị giảm giờ làm việc hoặc bị ngừng việc. Đến nay, đã có gần 100.000 lượt đoàn viên được thụ hưởng với số tiền hơn 100 tỷ đồng…
Năm 2023, đã diễn ra sự kiện đặc biệt, đó là Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Trong phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng như hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tổng Bí thư yêu cầu, hơn lúc nào hết, đội ngũ CNLĐ và tổ chức Công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước phức tạp, gặp nhiều khó khăn, đe dọa sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của NLĐ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tổ chức Công đoàn cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện đoàn viên, NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị TNLĐ-BNN, hay ốm đau dài ngày… Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từ bữa ăn, giấc ngủ, hiểu rõ niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, NLĐ và gia đình họ...
Tổng Bí thư cũng đề nghị các Ban Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp chỉ đạo chính quyền và các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề đoàn viên, NLĐ quan tâm, bức xúc; tạo mọi điều kiện để Công đoàn hoạt động, nhất là hỗ trợ, chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ.
Theo các chuyên gia, năm 2024 các chính sách lớn sẽ có nhiều thay đổi quan trọng, tạo ra những tác động trực tiếp tới an sinh xã hội. Trong đó, phải kể đến Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024). Với những thay đổi mang tính đột phá, Luật BHXH (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện pháp luật BHXH, giúp NLĐ nhận thức rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với “lưới an sinh” để sau này có lương hưu.
Phân tích rõ hơn về sự kỳ vọng này, ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, sau giai đoạn dịch COVID-19, đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhiều người mất việc làm đã tạo ra khoảng trống an sinh xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của NLĐ cũng như bảo đảm quyền an sinh xã hội cho họ trong tương lai.
“Đơn cử như đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu. Trong bối cảnh nhiều người chưa thực sự mặn mà với chính sách, việc hệ thống pháp luật BHXH được hoàn thiện và mở rộng quyền lợi hưởng, sẽ tạo niềm tin, thu hút và giữ họ ở lại hệ thống”- ông Bùi Sỹ Lợi lý giải.
Dưới góc độ tổ chức đại diện cho NLĐ, ông Nguyễn Đình Khang- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, thời gian qua, tình trạng thiếu việc làm dẫn đến việc nhiều NLĐ rút BHXH một lần; tình trạng người SDLĐ vi phạm pháp luật, nhất là tình trạng nợ lương, nợ BHXH, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật… Những vấn đề này ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của NLĐ. Vì vậy, Công đoàn rất mong muốn sẽ có những “cú huých” về chính sách để có thể đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ.
“Năm 2024 được coi là thời điểm bước ngoặt trong công tác chăm lo, đảm bảo đời sống NLĐ- khi là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn là giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở và kiến nghị hoàn thiện Luật BHXH (sửa đổi) theo hướng gia tăng quyền lợi cho NLĐ; đồng thời kiến nghị Chính phủ có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho 200.000 NLĐ bị nợ BHXH do chủ DN phá sản, bỏ trốn”- ông Nguyễn Đình Khang chia sẻ.
Có thể thấy, bước sang năm 2024, không chỉ NLĐ, mà tổ chức Công đoàn cũng đang rất mong chờ vào những quyết sách mang tính đột phá của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến đời sống, việc làm, an sinh và phúc lợi xã hội cho NLĐ, qua đó tạo tiền đề cho Công đoàn đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.
Bài: Thanh Hằng
Đồ họa: Thanh An