* PV: Chính sách xã hội nói chung và chính sách an sinh xã hội nói riêng đang được từng bước hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong từng thời kỳ. Xin ông cho biết những định hướng lớn trong sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật an sinh xã hội trong thời gian tới?
- Ông Lâm Văn Đoan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:
Một trong các quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội qua các thời kỳ đó là mở rộng diện bao phủ của an sinh xã hội, đặc biệt là BHXH, BHYT, BH thất nghiệp- đây là những trụ cột quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền hiến định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34). So với các quyền khác của công dân, thì quyền được bảo đảm an sinh xã hội chỉ trở thành hiện thực khi Nhà nước khẳng định được vai trò và trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống chính sách và bảo đảm các điều kiện để công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội. Đây cũng chính là nội dung được khẳng định tại Điều 59 của Hiến pháp “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Bên cạnh mục tiêu mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội đến toàn dân, nhất là BHXH, Đảng, Nhà nước cũng đặt ra mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng thụ hưởng an sinh xã hội của người dân, nhất là các nhóm xã hội yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, nông dân, lao động phi chính thức…
* Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014 đã có nhiều quy định mở rộng quyền và lợi ích của NLĐ tham gia BHXH. Tuy nhiên, qua thực tiễn hơn 6 năm thi hành Luật cũng đã nảy sinh một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nguyên lý đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hay nói cách khác là sức sống của một đạo luật đó là sự phù hợp với thực tiễn. Năm 2014 khi Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi, yêu cầu quan trọng là cần phải mở rộng diện bao phủ BHXH, trong đó chú ý đến mở rộng hầu hết các nhóm đối tượng NLĐ có khả năng thu hút, tham gia BHXH, nhất là BHXH bắt buộc như người làm việc theo HĐĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX có hưởng tiền lương; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp… Những tác động tích cực, to lớn của chính sách này đã tác động mạnh đến sự tham gia BHXH trong lực lượng lao động. Năm 2006, chúng ta mới chỉ có 6,2 triệu người tham gia BHXH mà chủ yếu vẫn là lao động ở khu vực nhà nước; số lao động làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh tham gia BHXH thấp, chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, trong đó số tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, luôn ở mức 0,34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH tiếp tục tăng dần qua các năm, từ 13,06 triệu người tham gia năm 2016 lên đến gần 16,55 triệu người tham gia năm 2021 (tăng 26,72% so với năm 2016). Trong đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh từ khoảng 0,2 triệu người tham gia năm 2016 lên gần 1,45 triệu người tham gia năm 2021, chiếm 3,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 7,25 lần so với năm 2016); hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra “đến năm 2021 có 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện” theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đến hết quý I năm 2023, số người tham gia BHXH đã đạt 17,1 triệu người, chiếm 37,1% lực lực lao động trong độ tuổi, trong đó, tham gia BHXH bắt buộc chiếm 34,1% và BHXH tự nguyện chiếm 3,0% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, có thể nói việc Luật quy định mở rộng một số nhóm lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho thêm hàng triệu NLĐ trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, pháp luật về BHXH có một số quy định chúng ta thấy còn những vướng mắc. Đó là, theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP, Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014 thì NLĐ (cá nhân) làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; chủ hộ kinh doanh cá thể (cá nhân) và nhân viên đại lý thu BH thương mại không phải là người làm việc theo HĐLĐ nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Trên thực tế, quy định trên cũng có nhiều điểm chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất sản xuất, kinh doanh của nhóm đối tượng này như chủ hộ kinh doanh cá thể vừa là người chủ có thuê mướn, sử dụng NLĐ, nhưng đồng thời, đa số họ cũng tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Dưới góc độ thụ hưởng an sinh xã hội thì các quy định pháp luật cũng chưa thật sự đảm bảo công bằng, bình đẳng cho nhóm đối tượng này với các nhóm khác. Trong khi, NLĐ trong hộ được quyền tham gia BHXH bắt buộc hưởng 5 chế độ đó là: Ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí, tử tuất thì người chủ hộ/người SDLĐ lại chỉ được phép tham gia BHXH tự nguyện với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Như vậy, phạm vi quyền lợi BHXH mà chủ hộ kinh doanh cá thể được thụ hưởng lại thấp hơn so với NLĐ do chính họ đã thuê mướn. Đây cũng là một sự chưa công bằng với nhóm đối tượng này, nhất là trong bối cảnh, chúng ta thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, nâng cao chất lượng thụ hưởng an sinh xã hội của người dân.
*Với những bất cập như trên, theo ông các cơ quan quản lý nhà nước và ngành BHXH cần có giải pháp gì xử lý tình trạng này để đảm bảo quyền lợi khi người dân đã tham gia vào hệ thống BHXH. Cụ thể trong trường hợp này là nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH bắt buộc?
- Hiện nay, hộ kinh doanh là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, là khu vực kinh tế quan trọng, hằng năm đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội. Từ thực tiễn trên, tôi cho rằng, cần sửa đổi các quy định pháp luật về BHXH, nhất là những quy định để chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể được tham gia BHXH bắt buộc, vừa góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp về việc “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, vừa góp phần thực hiện các mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, nhất là BHXH bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Từ năm 2003, khi triển khai thực hiện Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đó có Nghị định số 01/2003/NĐ-CP của Chính phủ, do nhận thức chưa đầy đủ, chính xác nên nhiều BHXH tỉnh, thành phố đã thực hiện thu BHXH bắt buộc và giải quyết chính sách BHXH đối với cả các chủ hộ kinh doanh cá thể. Việc làm này là chưa đúng, chưa phù hợp với quy định của pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, bản chất quan hệ BHXH là quan hệ đóng- hưởng và NLĐ đã tham gia đóng góp vào quỹ BHXH trên thực tế, do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần có phương án giải quyết sớm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Thứ nhất, cần sớm luật hóa bằng việc sủa đổi Luật BHXH để bổ sung nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc hoặc trong trường hợp cấp thiết thì có thể bổ sung ngay vào trong Nghị quyết chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 này việc giải quyết quyền lợi chính đáng cho chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đúng quy định của Luật BHXH vì việc thu hút nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc cũng là nhằm tiến tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, NLĐ khi về già có lương hưu. Không nên bỏ lỡ cơ hội mở rộng diện bao phủ BHXH chỉ vì lý do luật pháp chưa có quy định nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc. Quan hệ BHXH là quan hệ dân sự, đóng-hưởng, do đó, dù NLĐ tham gia loại hình BH nào thì đều phải tuân thủ nguyên tắc này, vì vậy, việc chuyển NLĐ từ loại hình này sang loại hình kia về bản chất không làm thay đổi quan hệ đóng- hưởng mà chỉ thay đổi nghĩa vụ tham gia của NLĐ có thuộc diện bắt buộc hay tự nguyện mà thôi. Bên cạnh đó, kinh nghiệm đa số các quốc gia trên thế giới cho thấy, giải pháp để mở rộng diện bao phủ tiến tới BHXH toàn bộ lực lượng lao động, các quốc gia đều phải dựa vào phát triển BHXH bắt buộc. Hầu hết các quốc gia đều không có sự thành công trong việc mở rộng đối tượng thông qua chính sách BH tự nguyện.
Thứ hai, BHXH Việt Nam cần chủ động rà soát, thống kê đầy đủ, phân loại chính xác các trường hợp đang, đã tham gia BHXH của chủ hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, cũng cần cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chủ hộ về các kiến nghị, đề xuất giải quyết quyền lợi của mình.
Tôi rất tán thành với quan điểm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các ĐBQH tại Kỳ họp 5, đó là “Tất cả vì quyền lợi của NLĐ”, do đó, cần tôn trọng quyền tự do lựa chọn dựa trên nhu cầu/nguyện vọng khác nhau của các chủ hộ kinh doanh cá thể khi xem xét, tham mưu, đề xuất phương án giải quyết vấn đề này. Theo đó, đối với người đã đủ thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đủ điều kiện hưởng lương hưu thì giải quyết chế độ hưu trí; nếu tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (nếu có) chưa đủ thời gian hưởng lương hưu thì được công nhận thời gian đã đóng và tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian tới…
*Kết luận Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo “trong năm 2023 rà soát, thống kê đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc trên nguyên tắc đóng hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia BHXH…”. Trên cơ sở kết luận đó, theo ông, chúng ta cần triển khai thế nào?
- Phiên chất vấn về lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề và an sinh xã hội đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thu hút được sự quan tâm của nhiều ĐBQH và cử tri. Bộ trưởng cũng đã đề xuất hai phương án giải quyết đó là: Phương án 1 là sắp tới sửa đổi Luật BHXH bổ sung nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc. Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật này và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và dự kiến Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Phương án 2, nếu Quốc hội đồng ý thì cho phép bổ sung giải quyết vấn đề này vào trong Nghị quyết chất vấn Kỳ họp thứ 5 để Chính phủ và các bộ, ngành có hành lang pháp lý thực hiện ngay các biện pháp cầp thiết để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Tôi cho rằng, hai phương án đều có tính hợp lý nhất định. Xét về tổng thể, dài hạn thì phương án 1 sẽ giải quyết căn cơ tình trạng này, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật BHXH. Tuy nhiên, xét dưới góc độ quyền lợi của người dân thì chúng ta cần thiết phải thực hiện ngay phương án thứ hai như chỉ đạo kết luận của Chủ tịch Quốc hội. Người dân không thể chờ đến khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành, mất hơn 1,5 năm nữa mới được thụ hưởng quyền được đảm bảo an sinh của mình theo quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, trong thời gian chờ đợi này, quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể bị chậm hoặc không được bảo đảm do NLĐ ra nước ngoài, chết hoặc ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN trong thời gian này nhưng không/chưa được hưởng các chế độ BHXH. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan Quốc hội đang rất lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, cử tri, NLĐ và việc xử lý đang đề xuất theo phương án này. Tôi tin rằng, việc này sẽ nhận được sự đồng thuận của đa số các vị ĐBQH khi thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn, Chính phủ và Quốc hội cũng cần có ngay những giải pháp xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh khác trong quá trình tổ chức thi hành Luật BHXH năm 2014 như mượn hồ sơ tư pháp để ký HĐLĐ cho NLĐ đã tham gia BHXH; giải quyết quyền lợi chính đáng cho NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nhưng nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp lạm dụng, trục lợi hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Để thực hiện được các yêu cầu này, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước và BHXH Việt Nam, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đó là “Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân” để mọi người dân đều được bảo đảm an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: V.Thu
Đồ hoạ: Thanh An