PortalViewLongForm
E-magazine

Mở rộng quyền lợi BHYT: Cần đánh giá rõ tác động tài chính

Shared facebook

Tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ mới nhất cho biết, hiện nay một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi KCB chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị.

Do đó, Dự thảo Luật đã đề xuất mở rộng một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT như: Mở rộng phạm vi chi trả BHYT đối với chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, tế bào gốc; chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trường hợp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi (sửa Khoản 7 Điều 23); chi phí chi trả cho chân, tay giả; máy trợ thính (sửa Khoản 8 Điều 23) từ quỹ BHYT lên 100% theo mức hưởng tại Khoản 14 Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định mở tại Khoản 2 Điều 21: “Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định nguyên tắc, tiêu chí, tỷ lệ, điều kiện, mức thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế, máu, khí y tế, chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt để điều trị bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, quy định theo lộ trình khi đủ điều kiện việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh phù hợp với khả năng cân đối của quỹ BHYT, bảo đảm hiệu quả”.

Có thể thấy, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT là mục tiêu mà các nhà soạn thảo luật cũng như cơ quan thực hiện chính sách đang hướng đến. Tuy nhiên, vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong xây dựng chính sách, đó là các đề xuất mới chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi được hiện thực hóa bằng những giải pháp phù hợp và khả thi trong thực tế.

Quyền lợi BHYT mở rộng cần đi đôi với việc đảm bảo nguồn lực cho các chính sách này. Tuy nhiên, Tờ trình xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) chưa có đánh giá tác động tài chính đến quỹ BHYT một cách toàn diện, đầy đủ; chưa có số liệu chi tiết về cân đối thu chi quỹ đối với mỗi giải pháp chính sách, đặc biệt là về nội dung mở rộng quyền lợi theo lộ trình dự kiến.

Trong khi đó, tổng hợp của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2016, quỹ BHYT bắt đầu mất cân đối thu chi, trong đó năm 2017 có tỷ lệ sử dụng quỹ lên tới 111% (bội chi 9.300 tỷ đồng); đến năm 2021- do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, số lượt và số chi KCB đều giảm, nhưng đến năm 2022 số chi KCB BHYT cao hơn số thu tới hơn 3.000 tỷ đồng.

Hết năm 2022, ước tính tổng số tiền lũy kế của quỹ dự phòng còn 55.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi quỹ dự phòng được sử dụng để chi trả chi phí KCB (sau khi bỏ tổng mức thanh toán theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP và sau khi BHXH Việt Nam giải quyết các chi phí tồn đọng của giai đoạn trước năm 2021 do vướng mắc liên quan các văn bản hướng dẫn, quy định thanh toán chưa rõ ràng), quỹ dự phòng ước còn khoảng trên 40.000 tỷ đồng…

Với thực tế quỹ dự phòng BHYT liên tục bổ sung nguồn kinh phí KCB BHYT trong các năm qua, số kết dư 40.000 tỷ này có thể “gánh” mức tăng chi phí KCB BHYT ra sao, hay việc cân đối thu chi của quỹ BHYT sẽ được tính toán như thế nào? Giải pháp của Bộ Y tế về khả năng tăng nguồn thu của quỹ BHYT hiện vẫn chưa rõ ràng, vì Tờ trình không đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT và cũng chưa có định hướng sửa đổi căn cứ đóng khi không còn quy định về mức lương cơ sở.

Ngoài ra, ngay tại Công văn số 3908/BYT-KH-TC ngày 23/6/2023 của Bộ Y tế báo cáo Văn phòng Chính phủ về lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB cũng đã từng nêu: Nếu tính thêm chi phí khấu hao trang thiết bị y tế, tài sản cố định, thì giá dịch vụ KCB ước tăng gấp 2-3 lần mức giá hiện tại. Đồng thời, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và định giá KCB theo quy định mới của Luật KCB với số lượng dịch vụ được xây dựng giá nhiều hơn, có thể có tác động tăng chi từ quỹ BHYT…

Với rất nhiều yếu tố gia tăng chi phí KCB BHYT liên quan đến các đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi KCB BHYT, trách nhiệm của Ban soạn thảo Luật BHYT là phải đưa ra các giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn nguồn quỹ, để người dân thực sự được hưởng lợi từ những quy định “mở” này. Vì vậy, Bộ Y tế cần đánh giá tác động tài chính đến quỹ BHYT một cách toàn diện, đầy đủ, có số liệu chi tiết về cân đối thu chi quỹ BHYT đối với mỗi giải pháp chính sách, đặc biệt là nội dung mở rộng quyền lợi theo lộ trình dự kiến.

Việc đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật BHYT (sửa đổi) phải được thực hiện đồng thời trong mối tương quan đối với các chính sách khác ảnh hưởng đến quỹ BHYT như: Nguồn kết dư thực tế của quỹ BHYT đến khi Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến từ 1/1/2025); lộ trình kết cấu chi phí quản lý và chi phí khấu hao vào giá dịch vụ y tế; khả năng điều chỉnh tăng mức đóng. Đáng lưu ý, quỹ BHYT hiện nay có đến 40% nguồn thu từ ngân sách, do đó việc điều chỉnh mức đóng để tương đồng với mở rộng phạm vi hưởng BHYT là các quyết định chính sách tác động đến NSNN, nên cần có các quyết định chính trị mạnh mẽ của Chính phủ.

Thực hiện: Ngọc Thảo
Trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận
Bình luận mới