PortalViewLongForm
E-magazine

Thu hút DN FDI đầu tư phát triển bền vững và lâu dài

Shared facebook

Xu thế tăng trưởng bền vững trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế- xã hội, với mục tiêu cao cả nhất là đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Với hàng nghìn dự án trải khắp cả nước, khu vực FDI, nhất là FDI Nhật Bản ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

DN chế xuất Nitori Việt Nam (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) là một thành viên của tập đoàn Nitori Nhật Bản chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, được thành lập năm 2003 với 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản. Đây được coi là một trong những DN FDI Nhật Bản “kiểu mẫu” tại Hà Nội khi luôn chấp hành đầy đủ pháp luật về BHXH, BHYT. Hiện DN đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 4.794 lao động, trong đó có 3 lao động là người nước ngoài. Năm 2022, DN này đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên 154 tỷ đồng và 9 tháng năm 2023 đóng 116,1 tỷ đồng.

Luôn theo đuổi ý tưởng “Mang đến không gian sống tiện nghi cho mọi người”, sau hơn 20 năm hoạt động, Nitori Việt Nam đang ngày càng phát triển và khẳng định tiềm lực sản xuất. Điều không thể thiếu giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty chính là nguồn nhân tài ưu tú. Vì thế, công ty luôn chú trọng yếu tố con người, cùng những chế độ phúc lợi xã hội tốt nhất cho nhân viên, đặc biệt là chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Theo ông Kushida Akihiro- Phó Tổng Giám đốc DN chế xuất Nitori Việt Nam,  xuất phát từ văn hóa Nhật có truyền thống “tuyển dụng suốt đời" nên hầu hết người Nhật Bản từ lúc ra trường tới lúc về hưu chỉ làm cho một công ty duy nhất. Do đó, việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được các DN Nhật Bản đặt lên hàng đầu.

“DN Nhật Bản nói chung và Nitori nói riêng rất xem trọng việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Vì khi NLĐ còn khỏe mạnh họ đóng góp cho công ty, lúc ốm đau có nguồn quỹ bảo đảm, hết tuổi lao động họ được an nhàn hưởng lương hưu. Nhờ sự chia sẻ, bù đắp của công ty với những người đã có cống hiến, đóng góp sẽ khiến họ yên tâm gắn bó lâu dài với công ty. Đó chính là sự đầu tư bền vững từ yếu tố cơ bản nhất là con người…”- ông Kushida Akihiro chia sẻ.

Thực tế cho thấy, phần lớn NLĐ đều có cuộc sống khó khăn, nếu DN không đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ, trong đó có quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thì cuộc sống của họ càng chật vật.

Theo anh Nguyễn Huy Sáng- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), cùng với chăm lo, cải thiện thu nhập cho NLĐ, việc đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được Công ty quan tâm. Điều này không chỉ giúp NLĐ được hưởng các chế độ BHXH mà còn giúp vun đắp mối quan hệ khăng khít giữa NLĐ với DN, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của công ty.

Chia sẻ về định hướng kinh doanh, ông Miura Nozomu- Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam cho biết, có 3 yếu tố quan trọng được Công ty quan tâm đến đó là: Sức khỏe, an toàn và sự tuân thủ. Phúc lợi của NLĐ luôn được đặt ngang bằng với sự phát triển của Công ty. Hiện toàn Công ty đang có 1.500 NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền đóng mỗi năm khoảng trên 50 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 612 DN FDI Nhật Bản đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 115.111 lao động; trong đó 114.683 lao động là người Việt Nam, 428 lao động là người nước ngoài. Đây cũng là khối DN có đóng góp BHXH lớn, với 4.023,9 tỷ đồng trong năm 2022 và 3.234,8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.

BHXH TP.Hà Nội ghi nhận: Hầu hết các DN FDI nói chung và DN FDI Nhật Bản nói riêng đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; thực hiện đúng quy trình thủ tục về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, có đội ngũ làm công tác BHXH chuyên nghiệp, nắm vững các TTHC về BHXH; chủ động và phối hợp với cơ quan BHXH. “Điều này đã góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho NLĐ, ổn định sản xuất kinh doanh cho các DN, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển Thủ đô”- ông Mến khẳng định.

Là một trong những địa phương thu hút vốn FDI đứng thứ tư trong vùng đồng bằng sông Hồng, hiện toàn tỉnh Hải Dương có gần 500 dự án FDI đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 9,3 tỷ USD. Ngành, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 94% vốn đăng ký, còn lại là dịch vụ và nông nghiệp. Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 40% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Nhật Bản chiếm 16,3%, Hàn Quốc chiếm 15,4%...

Riêng đối với DN FDI Nhật Bản, Hải Dương có 61 đơn vị đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 36.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong quá trình hoạt động, mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng DN FDI Nhật Bản tại Hải Dương luôn thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trung bình mỗi năm, các DN này đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại tỉnh khoảng 941 tỷ đồng.

Ông Vũ Đức Khiên- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương cho biết, BHXH tỉnh luôn lắng nghe để thấu hiểu khó khăn, chia sẻ cùng nhà đầu tư, từ đó có những cải cách về chính sách, TTHC nhằm phục vụ tốt nhất cho DN. Hiện nay, phương thức giao dịch điện tử đã được triển khai đến 100% DN FDI Nhật Bản trên địa bàn; 25 TTHC được tiếp nhận và trả kết quả ngay tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Hầu hết NLĐ tại các DN này cũng đã được BHXH tỉnh hướng dẫn và cài đặt sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số…

Theo bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Giám đốc cấp cao Công ty TNHH điện tử UMC Việt Nam (KCN Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương), việc cơ quan BHXH triển khai đồng loạt các giải pháp cải cách TTHC, giao dịch điện tử đã mang đến lợi ích thiết thực cho người tham gia BHXH cũng như các DN. Theo tính toán của cơ quan BHXH, phương thức giao dịch điện tử và qua hệ thống bưu điện đã giúp giảm 16 giờ đi lại, chờ đợi trong việc làm thủ tục tại cơ quan BHXH cho 1 DN/năm, nhưng theo chúng tôi con số này còn lớn hơn nữa. Giao dịch điện tử đã giúp giảm thời gian đi lại, chờ đợi của nhân viên công ty khi làm thủ tục nộp hồ sơ, nhận kết quả, từ đó giúp DN tiết kiệm được chi phí và nguồn nhân lực.

Việc cải cách TTHC của ngành BHXH Việt Nam đã tạo thuận lợi tối đa cho các DN FDI Nhật Bản trong quá trình giao dịch với cơ quan BHXH, tạo dựng hình ảnh ngành BHXH Việt Nam “chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả” đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ đó thu hút các DN FDI tiếp tục đầu tư bền vững tại Việt Nam.

Bài: Hoài Anh

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Bình luận mới