PortalViewLongForm
E-magazine

Triển khai mô hình xã có 100% người dân tham gia BHYT: Khi quyết tâm chính trị được công nghệ số “tiếp sức”

Shared facebook

Đến hết buổi sáng ngày 13/4/2024, thôn Quảng Xá (xã Tân Ninh) đã vận động được hai hộ gia đình cuối cùng chưa tham gia BHYT gia nhập hệ thống chính sách an sinh xã hội quan trọng này, trở thành thôn đầu tiên của huyện Quảng Ninh đạt mục tiêu 100% người dân trên địa bàn tham gia BHYT. Thành công này gặt hái được ngay trong ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên triển khai mô hình này (từ ngày 9/4/2024), khi nhóm tuyên truyền đầy tâm huyết gồm bà Nguyễn Thị Lệ- Trưởng ban MTTQ thôn Quảng Xá, cùng với nhân viên thu Dương Thị Thương và ông Nguyễn Quang Thuận- Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh, ông Dương Viết Quý- cán bộ BHXH huyện Quảng Ninh đã đến vận động từng hộ chưa tham gia BHYT theo danh sách được “lọc” trước đó.

Đang chuẩn bị hồ sơ đi lao động ở nước ngoài- đây vốn là lý do khiến anh Trần Văn Tài chưa tham gia BHYT trước đó. Tuy nhiên, khi nghe giới thiệu về mô hình “Xã có 100% người dân tham gia BHYT” mà xã Tân Ninh đang triển khai, gia đình anh Tài đã quyết định ghi danh để sở hữu tấm thẻ BHYT. “Thực tế là bản thân mỗi người đều có thể cần đến sự hỗ trợ của tấm thẻ BHYT bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, để thôn Quảng Xá trở thành thôn đầu tiên được công nhận đạt 100% người dân tham gia BHYT cũng là trách nhiệm và mong muốn của mỗi người trong thôn”, anh Tài nói. Tại hộ gia đình thứ hai, bà Nguyễn Thị Chiên cũng đã đăng ký tham gia BHYT cho thành viên còn lại của gia đình ngay sau khi gọi điện thuyết phục cô con gái là chị Nguyễn Thị Thì đang đi làm xa nhà...

Chia sẻ niềm vui trong buổi tuyên truyền hiệu quả này, bà Nguyễn Thị Lệ- Trưởng ban MTTQ thôn Quảng Xá bảo: “Chúng tôi tin rằng mục tiêu mở rộng BHYT đến mọi người dân sẽ đạt được, bởi không chỉ là có ích cho bản thân người tham gia, mà ai cũng sẽ sẵn lòng đóng góp cho hình ảnh đẹp của quê hương mình”. Tâm huyết với chính sách nhân văn này, bà Lệ cũng đã hỗ trợ một phần mức phí đóng BHYT cho những hộ kinh tế còn khó khăn. “Bà con ở đây còn nhiều người khó khăn lắm, mình không dư dả nhiều nhưng đâu phải lúc nào người ta cũng cần mình phải hỗ trợ kinh tế. Trong khi đó, giúp nhau tham gia BHYT là việc vô cùng ý nghĩa...”, bà Lệ tâm sự.

Chia sẻ sáng kiến triển khai mô hình này, ông Nguyễn Quang Thuận- Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh cho biết: Mô hình nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ý thức tự giác, tự nguyện từ người dân; đặc biệt là sự chủ động của cơ quan BHXH trên cơ sở khai thác nguồn “tài nguyên” ngành BHXH đang sở hữu là dữ liệu dân cư tham gia BHYT.

Ông Thuận giải thích rõ: Hiện nay, cơ sở dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, cùng hệ dữ liệu khá đầy đủ về hộ gia đình tham gia BHYT. Thời gian qua, thực hiện phối hợp cùng ngành Công an tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào CSDL quốc gia về dân cư (để sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID thực hiện KCB BHYT); ngành BHXH cũng đã cập nhật số định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT trong cơ sở dữ liệu đang được BHXH Việt Nam quản lý. “Hệ dữ liệu thông tin khá đầy đủ này là một lợi thế vô cùng quý giá để thực hiện sàng lọc thông tin, tìm các nhóm “đối tượng đích” cần vận động tham gia BHYT, BHXH. Đồng thời cũng hỗ trợ thông tin để BHXH huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai các giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất với từng nhóm đối tượng”, ông Thuận chia sẻ.

Theo đó, trên cơ sở dữ liệu đang có, cơ quan BHXH sẽ thực hiện sàng lọc các nhóm dân cư đang sinh sống tại địa phương chưa tham gia BHYT. Số người không có BHYT này sẽ lại được phân chia thành từng nhóm khác nhau: người đã có thẻ BHYT nhưng hết hạn chưa đăng ký tham gia lại; người dân khu vực vừa ra khỏi các nhóm được NSNN hỗ trợ đóng BHYT nên chưa “quen” với việc chủ động tham gia BHYT; nhóm dân cư có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vẫn chưa thuộc đối tượng “hộ nghèo”, “cận nghèo”; và nhóm người vẫn chưa mặn mà với chính sách BHYT… Xác định được cụ thể từng nhóm, từng cá nhân cụ thể cần vận động tham gia BHYT, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phù hợp. 

“Hệ cơ sở dữ liệu dân cư mà ngành BHXH thu thập từ trước đó, cùng với việc phối hợp với ngành Công an trong thực hiện Đề án 06 thời gian qua, hiện đã đảm bảo tiêu chí “đúng- đủ- sạch- sống”. Trên cơ sở khối lượng thông tin khổng lồ này, biết khai thác đúng cách sẽ tạo ra cho chúng ta một công cụ vô cùng hữu hiệu, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và mọi nhiệm vụ được giao. Ví dụ như tại BHXH huyện Quảng Ninh, chúng tôi đang khai thác dữ liệu để “lọc” danh sách chính xác từng cá nhân người dân đã hoặc chưa tham gia BHXH, BHYT; thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tiếp đón người dân đăng ký vào giải quyết TTHC thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ số, yếu tố quyết định cho thành công vẫn phải là quyết tâm và trách nhiệm từ người thực hiện…”, Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh- Nguyễn Quang Thuận phân tích.

“Hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT là một tiêu chí cần đạt được của các xã nông thôn mới, và đã có được sự quan tâm nhất định của chính quyền địa phương và người dân. Tại huyện Quảng Ninh, với sự thống nhất của BHXH huyện, Ban chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện, cùng chính quyền địa phương, chúng tôi mong muốn chỉ tiêu tham gia BHYT sẽ đạt được ý nghĩa cao hơn nữa trong nhận thức của người dân. Làm sao để với mỗi thôn xóm, mỗi người dân, việc tham gia BHYT vừa là đảm bảo quyền lợi của bản thân mình, vừa trở thành một nét đẹp văn hóa cộng đồng…”, ông Thuận chia sẻ.

Bày tỏ sự ủng hộ và quyết tâm của chính quyền địa phương với sáng kiến triển khai mô hình xã có 100% người dân tham gia BHYT tại xã Tân Ninh, ông Lê Ngọc Huân- Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Quảng Ninh nhấn mạnh: “Thời gian qua, các phòng, ban, đơn vị, và thành viên Ban chỉ đạo Thực hiện chính sách BHYT huyện đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển người tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn”. Tuy nhiên, ông Huân cũng đánh giá: Huyện Quảng Ninh vẫn còn một số khó khăn trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đáng lưu ý là tỷ lệ bao phủ BHYT chưa bền vững, một số xã có tỷ lệ bao phủ BHYT và số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp...

Triển khai mô hình “Xã kiểu mẫu có 100% người dân tham gia BHYT” tại xã Tân Ninh bắt đầu từ ngày 9/4/2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh bày tỏ tin tưởng: Mô hình “100% người dân tham gia BHYT” sẽ là một trong các giải pháp hiệu quả hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT năm 2024 đã đề ra. Để khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của từng địa phương, UBND huyện cũng thống nhất với BHXH huyện Quảng Ninh có các hình thức khen thưởng kịp thời cho đến từng thôn, hội đoàn thể tham gia triển khai thực hiện chủ trương này... “BHYT là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Mô hình xã có 100% người dân tham gia BHYT là mô hình mới, mang tính nhân văn cao cả, thiết thực. Qua đó, sẽ xây dựng nét đẹp văn hóa kiểu mẫu, giúp cho mọi người dân trong xã đều được chăm sóc sức khỏe khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm của họ với cộng đồng theo phương châm: Mình vì mọi người, mọi người vì mình khi tham gia BHYT”, ông Lê Ngọc Huân đánh giá.

Hiện huyện Quảng Ninh đang có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 92%, còn tại xã thực hiện thí điểm mô hình này- xã Tân Ninh đang có 6.045 nhân khẩu thường trú trên địa bàn 5 thôn (Thế Lộc, Hữu Tân, Quảng Xá, Nguyệt Áng, Hòa Bình) với tỷ lệ bao phủ BHYT đến cuối năm 2023 đạt 93,39%. Theo dữ liệu rà soát của BHXH huyện Quảng Ninh, để đạt mục tiêu 100% dân số đang sinh sống trên địa bàn tham gia BHYT, địa phương này cần vừa giữ vững độ bao phủ bền vững, vừa cần thực hiện vận động mới khoảng 110 người tham gia BHYT.

Khẳng định sự thành công của mô hình này cần các giải pháp đồng bộ và trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đề nghị các đơn vị, đoàn thể phát huy cao nhất vai trò của mình trong triển khai thực hiện chính sách BHYT, sát sao thực hiện trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh yêu cầu BHXH huyện chủ trì phối hợp với Công an huyện, UBND xã Tân Ninh rà soát, tổng hợp chính xác danh sách đối tượng chưa tham gia BHYT trên địa bàn để có cơ sở vận động phát triển đối tượng tham gia đạt chỉ tiêu đề ra; phối hợp, hướng dẫn UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa để triển khai thực hiện. Yêu cầu UBND xã Tân Ninh báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐND xã và phối hợp chặt chẽ với Mặt trận đoàn thể xã trong triển khai mô hình, phát huy trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự thống nhất cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện mô hình cũng như chính sách, pháp luật về BHYT. Huy động các nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ thẻ BHYT cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn… Đồng thời, Hội Nông dân, Hội LHPN huyện phối hợp chặt chẽ với BHXH huyện, UBND xã Tân Ninh tổ chức tuyên truyền về chính sách BHYT, vận động hội viên và nhân dân tham gia BHYT tự nguyện. Phát động, triển khai một số mô hình gây quỹ, tiết kiệm mua thẻ BHYT, đồng thời kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT...

Trước đó, kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2024 của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Quảng Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huân- với vai trò Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan. Trong đó, yêu cầu Hội Nông dân, Hội LHPN huyện lựa chọn, nhân rộng một số mô hình như “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “Nông dân sản xuất giỏi tham gia BHXH, BHYT”... Phấn đấu mỗi xã, thị trấn có 1 mô hình khoảng từ 10 người tham gia BHYT tự nguyện và 15 người tham gia BHYT hộ gia đình. Hội Nông dân huyện vận động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, BHXH, phấn đấu ít nhất mỗi cơ sở hội có ít nhất 5 thẻ BHYT, hoặc mỗi năm đóng BHXH tự nguyện cho 1-2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn…

Cam kết sẽ đạt 97% dân số tham gia BHYT trước ngày 31/5/2024 và đạt 100% dân số đang sinh sống trên địa bàn có BHYT trước ngày 30/6/2024, ông Nguyễn Văn Hoan- Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết: Giải pháp cụ thể sẽ được chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan BHXH triển khai đến từng nhóm dân cư. UBND xã sẽ xây dựng Kế hoạch để thực hiện mô hình, xác định rõ nội dung công việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đoàn thể, các thôn. “Chúng tôi sẽ xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ, đối tượng vận động như: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, học sinh. Làm việc trực tiếp với các tổ chức chính trị xã hội, các thôn, triển khai các biện pháp để mọi người dân tham gia BHYT, phối hợp vận động người dân tự nguyện tham gia, đồng thời tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT”, ông Hoan chia sẻ những giải pháp sẽ tích cực thực hiện trong thời gian tới.

Việc triển khai mô hình điểm “Xã có 100% người dân tham gia BHYT” tại Tân Ninh thành công, như kỳ vọng được Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh: “sẽ tạo tiền đề lan tỏa, nhân rộng đến các địa phương khác, góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT trên toàn huyện, hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân”…

Bài: Thái An

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Bình luận mới