Có “thâm niên” hơn 20 năm làm việc tại Xí nghiệp Gạch Đông Văn (Công ty CP Xây dựng Hancorp.2), thế nhưng từ năm 2012, chị Nguyễn Thị Thương (xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) không được hưởng quyền lợi ốm đau, thai sản, dù hằng tháng Công ty vẫn khấu trừ các khoản đóng BHXH, BHYT từ lương của chị. Hiện nay, chị Thương phải chạy vạy khắp nơi để trang trải cuộc sống, bởi Xí nghiệp Gạch Đông Văn đã dừng hoạt động, chị lại không thể xin được việc do các đơn vị mới đều từ chối vì đơn vị cũ không chốt sổ BHXH.
“Tôi đóng BHXH với mong muốn bảo đảm quyền lợi khi đang còn tuổi lao động và có chút lương hưu để đỡ phần nào khi về già. Nhưng do Xí nghiệp nợ BHXH, nên mọi chế độ, quyền lợi của chúng tôi hơn 10 năm qua không được giải quyết. Hiện nay, sổ BHXH của tôi vẫn chưa được xác nhận tại đơn vị cũ, nên tôi rất lo lắng. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi”- chị Thương bức xúc phản ánh.
Cũng là công nhân Xí nghiệp Gạch Đông Văn, anh Lê Xuân Trường tham gia BHXH đã được hơn 25 năm, hằng tháng Xí nghiệp cũng đều trích trừ tiền đóng BHXH từ lương. Tuy nhiên, từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2020, do Xí nghiệp Gạch Đông Văn không đóng BHXH, nên mỗi lần đi KCB, anh Trường cũng như nhiều công nhân khác đều không được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB, không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như trợ cấp ốm đau, thai sản... Đặc biệt, đến thời điểm này, gần 100 công nhân vẫn chưa chốt được sổ BHXH.
Nghiêm trọng hơn, từ tháng 2/2018, Xí nghiệp Gạch Đông Văn đã ngừng hoạt động. Đến tháng 2/2020, Xí nghiệp gửi thông báo chấm dứt HĐLĐ từ ngày 30/4/2020 tới NLĐ; và đến ngày 6/5/2020 có quyết định chấm dứt HĐLĐ với NLĐ từ ngày 1/5/2020. Vì thế, NLĐ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như tìm kiếm công ăn việc làm mới. Tập thể NLĐ đã rất nhiều lần tập trung kiến nghị, gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu; Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều năm qua, vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa được xử lý hiệu quả mặc dù đã được cơ quan chức năng “điểm mặt chỉ tên”. Đáng nói, tình trạng này diễn ra cả ở DN trong và ngoài nước với muôn hình vạn trạng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa có giải pháp xử lý triệt để, mà nguyên nhân một phần do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, mức xử phạt cao nhất đối với chủ SDLĐ có hành vi đóng không đủ, chiếm dụng tiền BHXH là 75 triệu đồng, trong khi khoản nợ có khi lên đến hàng tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều DN lách luật bằng cách chỉ truy đóng BHXH cho những người ốm đau, thai sản nhằm tránh tranh chấp lao động tập thể. Vì thế, dẫn đến tình trạng số tiền chậm đóng cứ lớn dần, thậm chí lên tới cả chục tỷ đồng, nên ngày càng khó xử lý. Đơn cử, Haprosimex trước khi chuyển đổi từ DN nhà nước sang công ty cổ phần, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu công ty nào muốn mua phải cam kết trả nợ lương và BHXH cho NLĐ. Thế nhưng, sau khi hoàn tất chuyển đổi, công ty mới đã né tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho 488 NLĐ, khiến số tiền nợ BHXH kéo dài từ tháng 7/2011 đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Còn đối với những đơn vị phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn thì việc xử lý tài sản vẫn còn lúng túng do thiếu cơ chế, nên NLĐ vẫn là những người chịu thiệt thòi đầu tiên. Bên cạnh đó, Công đoàn được ủy quyền thay NLĐ khởi kiện, nhưng trên thực tế việc khởi kiện và khởi tố hình sự cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Luật BHXH 2014 quy định tổ chức Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ. Tuy nhiên, qua gần 7 năm được “trao quyền”, việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ của tổ chức Công đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chính là do vướng mắc về pháp lý, một số quy định của pháp luật còn bất cập, nhận thức của NLĐ và tâm lý e ngại của chính tổ chức Công đoàn cơ sở khi khởi kiện chủ DN. Bởi, các tổ chức Công đoàn cơ sở được hình thành ở DN, có mối quan hệ chặt chẽ với DN trong việc phối hợp, bảo vệ và chăm lo đời sống NLĐ. Tuy nhiên, lương của cán bộ Công đoàn cơ sở lại do DN chi trả và chính sự phụ thuộc này khiến họ e ngại khi khởi kiện theo sự ủy quyền của NLĐ.
Theo Điều 14 Luật BHXH 2014, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn. Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, DN chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, theo các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động (quy định trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự), để tổ chức Công đoàn khởi kiện được và Tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của NLĐ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn chưa phát huy hiệu quả. Kể cả khi đã có đầy đủ giấy ủy quyền, thì khi đó việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân, Tòa án sẽ phải xét xử mỗi một NLĐ bị nợ BHXH là một vụ án, quá trình tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian; việc tập hợp NLĐ cũng gặp trở ngại do họ đã chuyển sang những DN hoặc địa phương khác.
Bài: Vũ Thu
Đồ hoạ: Hiểu Thanh