35% NLĐ thoải mái sống dựa vào tiền lương hằng tháng

Thứ Tư, 20 /11/2024 12:59

Theo kết quả khảo sát, nhân sự Việt đang cảm thấy bất an về công việc của mình vì áp lực tài chính, 74% nhân sự luôn cảm thấy thu nhập không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu; 65% người được hỏi tin rằng nguyên nhân đến từ việc DN trả lương thấp hơn năng lực bản thân.

Đó là nội dung trong Báo cáo độc quyền Onto the next step- Bước nhảy thời cuộc của Anphabe- công ty tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc. Báo cáo đã khảo sát 253 CEO (giám đốc điều hành) và giám đốc nhân sự nhằm cập nhật những xu hướng và thực hành cấp tiến nhất về nhân tài, nguồn nhân lực và môi trường làm việc tại Việt Nam.

Theo Anphabe, năm 2024, chỉ số hạnh phúc của nhân sự Việt đang giảm ở mức thấp nhất trong suốt 5 năm qua. Tính đến Quý III/2024, chỉ có 49% nguồn nhân lực Việt có các chỉ số hạnh phúc tích cực. Trong đó, hai chỉ số “cảm thấy niềm vui và sự hứng khởi trong công việc” và “không cân nhắc tìm công việc khác” giảm lần lượt xuống 39% và 43%. Một trong những nguyên nhân được cho là đến từ áp lực tài chính. Trong số 3 nhân viên thì chỉ có 1 người có “sức khỏe tài chính” tích cực. Thậm chí, đến 74% nhân sự Việt cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Việc tích lũy để sở hữu những tài sản lớn như nhà ở càng trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh giá cả leo thang và chế độ đãi ngộ hạn chế. Đáng chú ý, hơn một nửa nhân sự Việt cho rằng công ty đang trả lương không công bằng, khiến họ lo ngại về sự ổn định về tài chính trong tương lai. Chỉ có 35% NLĐ thoải mái sống dựa vào tiền lương hằng tháng, số còn lại phải làm thêm công việc tự do, đầu tư hoặc “cầu cứu” sự hỗ trợ từ gia đình.

Bà Thanh Nguyễn- Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng tại Anphabe cho biết, nhiều khoản thu nhập không ổn định sẽ khiến những nhân viên có “sức khỏe tài chính” thấp càng có ý định nghỉ việc. Theo khảo sát, nhóm nhân sự này có ý định nghỉ việc trong 6 tháng tới cao gấp 4 lần so với những nhóm khác. Kể cả những nhân viên cảm thấy hạnh phúc trong công việc, hơn một nửa trong số họ vẫn sẵn sàng chuyển việc nếu nhận được chế độ đãi ngộ cao hơn công ty cũ. Bởi họ rất xem trọng một công việc tạo cảm giác an toàn về tài chính cho họ. “Chúng ta rất dễ nhìn thấy xung quanh mình một nhân viên lương 15 triệu/tháng nhưng luôn trong tâm trạng chờ lương. Mỗi khi lương về, họ mua sắm, chi tiêu, hết tiền lại rơi vào căng thẳng, muốn đi chữa lành… Như vậy, vòng lặp lại khi các bạn trẻ rơi vào xoáy có tiền- tiêu nhanh- hết tiền lại rơi vào căng thẳng”- bà Thanh Nguyễn dẫn chứng.

Chính vì vậy, đối với một người, ngưỡng an toàn tài chính đầu tiên là khoản tiền lương tương đương 6 tháng lương đầu tiên. Số tiền này có thể đảm bảo cho một người xử lý các công việc đột xuất mà không rơi vào bế tắc. Với một nhân viên lương 15 triệu đồng thì 89 triệu là ngưỡng an toàn. Vì vậy, DN cần hướng dẫn nhân viên các khoản chi tiêu hợp lý, lộ trình để dành được khoản tích lũy đầu tiên. Từ đó, nhân viên có động lực tiết kiệm những khoản tiếp theo…

Bà Lưu Bảo Vân- Giám đốc nghiên cứu tại Intage Việt Nam (người cùng công bố khảo sát) cho rằng, lý do khiến nhân viên luôn cảm thấy “lương không đủ sống” là chưa có tích lũy, giá cả tăng nhanh, chi trả cho các khoản thuê nhà.... Do đó, để giữ chân nhân sự, doanh nghiệp phải thấu hiểu những khó khăn mà nhân sự đang đối mặt, đặc biệt là nỗi lo lớn nhất- tài chính. Bên cạnh đó, DN cải thiện chỉ số hạnh phúc của nhân viên bao gồm tăng cường phúc lợi như BH nhân thọ, BH tai nạn; tổ chức kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, tầm soát thay vì kiểm tra định kỳ; hỗ trợ BH mở rộng cho cả gia đình của nhân viên. Đồng thời, DN có thể hỗ trợ nhân viên tiếp cận với các nguồn vay vốn để trang trải các khoản chi phí lớn; tăng tỷ lệ tăng lương, đảm bảo công bằng về đãi ngộ; cung cấp những hỗ trợ về giáo dục; đề xuất những phần thưởng linh hoạt (như phòng tập gym, F&B…); tặng thêm ngày nghỉ phép; quỹ lương hưu… Đặc biệt, DN cũng có thể tổ chức đào tạo trực tuyến, kích thích nhân viên tự học về những kiến thức tài chính, tăng khả năng đưa ra chiến lược tài chính hiện tại và tương lai.

Cũng theo báo cáo của Anphabe, trong năm 2024, có 33% DN tham gia khảo sát cho hay sẽ mở rộng nguồn nhân lực trong thời gian sắp tới. Đáng chú ý, chỉ có 9% đơn vị chia sẻ họ sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự. Số lượng nhân sự được tăng lương trong năm nay cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyệt Hà