Bác sĩ nam học cảnh báo bệnh lý nguy hiểm không thể “ngại ngần” đến bệnh viện
Là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm, bệnh xoắn tinh hoàn thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên, cần được can thiệp phẫu thuật trước 6 tiếng kể từ khi cơn đau xuất hiện. Những ngại ngần về tâm lý, không kịp thời đến cơ sở y tế can thiệp, có thể gây biến chứng nguy hiểm như tình trạng hoại tử tinh hoàn, dẫn đến không thể bảo tồn tinh hoàn và buộc phải cắt bỏ…
BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa phẫu thuật và bảo tồn thành công một ca xoắn tinh hoàn cho nam sinh 15 tuổi. Được biết, nam sinh đột ngột xuất hiện cơn đau từ 7 giờ sáng, khi vừa ngủ dậy. Cơn đau dữ dội, đau quằn quại ở vùng bẹn bên trái. Bệnh nhân vội vàng tìm hiểu thông tin trên internet về các dấu hiệu cơn đau mình vừa gặp phải, nhận định cơn đau này có thể do tình trạng xoắn tinh hoàn gây nên. Tới 10 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thăm khám.
Tại BV, qua khám lâm sàng, bác sĩ nhận thấy tinh hoàn trái treo cao, xoay trục, ấn vào đau nhói, trên siêu âm có hình ảnh xoắn tinh hoàn. Cụ thể, tinh hoàn và mào tinh hoàn, thừng tinh đoạn dưới vị trí xoắn mất tín hiệu mạch máu nuôi dưỡng trên phổ doppler. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu ngay để bảo toàn tối đa chức năng tinh hoàn.
“Từ lúc bệnh nhân vào viện đến lúc bắt đầu tiến hành mổ chỉ khoảng hơn một tiếng. Quá trình thăm khám diễn ra rất nhanh và chúng tôi xác định mổ càng sớm càng tốt. Trong quá trình mổ, các bác sĩ nhận thấy thừng tinh xoắn 3 vòng, tinh hoàn tím. Ca phẫu thuật tháo xoắn thành công, thấy tinh hoàn hồng trở lại, bác sĩ quyết định bảo tồn và cố định hai bên tinh hoàn, đề phòng tái phát”- BS.Trịnh Kiên Cường- Chuyên khoa Nam học (BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) thông tin. Sau mổ 24 tiếng, bệnh nhân được khám và siêu âm Doppler mạch máu thấy mạch nuôi tinh hoàn đã có trở lại, hai bên nhu mô tưới máu tốt, sức khỏe ổn định, không còn đau đớn.
Theo BS.Trịnh Kiên Cường, xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó, làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, xung huyết. Nếu không được cấp cứu, chẩn đoán cũng như xử lý kịp thời, người bệnh có thể phải đối diện với nguy cơ hoại tử tinh hoàn hoặc biến chứng teo tinh hoàn do thiếu máu nuôi dưỡng.
Mặc dù đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trên thực tế, xoắn tinh hoàn thường gặp trong các tình huống trước hoặc trong tuổi dậy thì; khi thời tiết lạnh, dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt hoặc có các bất thường về cấu trúc của tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vào ban đêm hoặc rạng sáng với triệu chứng xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội ở tinh hoàn, kèm theo đau bìu, sưng bìu, đỏ vùng da bìu tương ứng, đau vùng bụng dưới và nôn.
Ở lứa tuổi thanh niên, xoắn tinh hoàn có thể chỉ gây đau nhưng không nhiều, khiến nhiều nam giới trẻ chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu và thường đến viện quá trễ. Hệ quả của việc điều trị xoắn tinh hoàn muộn sẽ rất nặng nề. Kể cả trong trường hợp phải cắt bỏ chỉ một bên tinh hoàn, khả năng sinh sản khi trưởng thành của bệnh nhân sẽ bị giảm đi. Bên cạnh đó, việc cắt bỏ một bên tinh hoàn cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý...
“Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa, bệnh nhân cần được phát hiện và xử trí kịp thời. Nếu người bệnh đến BV trong vòng 6 giờ kể từ khi tình trạng xoắn thừng tinh diễn ra thì có khả năng bảo tồn, phục hồi chức năng của tinh hoàn hầu như là trên 90%. Đây gọi là thời điểm vàng để điều trị xoắn tinh hoàn, tính từ lúc có biểu hiện đau. Tinh hoàn có khả năng bảo tồn phục hồi trên 90% khi xử lý sớm trong vòng 6 giờ, 70% trước 10 giờ và sau 10 giờ chỉ còn 10%”- BS.Cường cho biết thêm.
Nhiều nam giới thắc mắc liệu xoắn tinh hoàn có tự khỏi không? Câu trả lời của các chuyên gia y tế là “tình trạng này không thể tự khỏi và cần can thiệp điều trị gấp”. Để tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra, BS.Cường còn khuyến cáo nam giới khi có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ xoắn tinh hoàn, nên nhập viện để được cấp cứu sớm, tránh nguy cơ điều trị muộn hoặc sai phương pháp, có thể buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.
Đối với trẻ nhỏ, khi phát hiện có biểu hiện sưng đau vùng bìu, cha mẹ cần đưa con đi khám. Nếu là trẻ sơ sinh, nếu thấy phần bìu của trẻ đôi khi bị trống, chỉ có một bên thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay tại các BV lớn, có chuyên khoa Ngoại nhi. Phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời chính là những yếu tố vô cùng quan trọng giúp trẻ được điều trị xoắn tinh hoàn hiệu quả và có thể bảo tồn được tinh hoàn. Một điểm cần lưu ý, với trẻ nhỏ bị xoắn tinh hoàn thường hay đau vào ban đêm. Tuy nhiên, không ít trường hợp cha mẹ lại cố chờ đến sáng hôm sau mới đưa trẻ đi khám, mà không biết rằng điều đó đã làm mất “thời gian vàng” điều trị của trẻ.
Thái An
- Ứng dụng y tế từ xa: Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế
- Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp cần thiết và cấp bách
- Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Kháng thuốc: Mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu
- Hỗ trợ các giáo viên hiếm muộn chạm ước mơ làm cha mẹ