BHXH các địa phương phải xem việc hoàn thành các chỉ tiêu là nhiệm vụ sống còn

Thứ Ba, 29 /10/2024 16:17

Ngày 29/10, tại tỉnh Vĩnh Long, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đôn đốc, hướng dẫn triển khai giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT 3 tháng cuối năm 2024 đối với BHXH 6 địa phương Tây Nam Bộ: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp.

Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, BHXH tỉnh Hậu Giang đã chủ động trong công tác tham mưu, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT cho các huyện, thị xã, thành phố; BCĐ cấp huyện giao chỉ tiêu đến các xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, các xã, phường, thị trấn giao chỉ tiêu đến từng ấp, khu vực; cũng như đôn đốc thực hiện chỉ tiêu trong các kỳ họp chi bộ...

Do đó, đến ngày 25/10/2024, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có 67.942 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 98,8% chỉ tiêu (từ nay đến cuối năm còn phải phát triển thêm 832 người); 25.846 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 85,1% chỉ tiêu (từ nay đến cuối năm còn phải phát triển thêm 4.516 người); 660.802 người tham gia BHYT, đạt 95,6% chỉ tiêu và đạt tỷ lệ bao phủ 90,73% dân số (từ nay đến cuối năm còn phải phát triển thêm 29.867 người)...

Ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Vĩnh Long đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời, nên đến nay các chỉ tiêu được thực hiện khá tốt, trong đó đã đạt và vượt chỉ tiêu về BHYT. "Thuận lợi trong việc phát triển người tham gia là tỉnh Vĩnh Long có 16 xã an toàn khu được cấp thẻ BHYT. Vì vậy, các xã này sẽ chuyển sang mục tiêu phấn đấu phát triển thêm BHXH tự nguyện"- ông Dương thông tin.

Về BHXH bắt buộc, đến nay, BHXH tỉnh Vĩnh Long đã đạt hơn 96% chỉ tiêu, nên từ nay đến cuối năm cần phát triển thêm 4.000 người. Để thực hiện chỉ tiêu này, trên CSDL của cơ quan Thuế, BHXH tỉnh phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, vận động NLĐ quay lại làm việc trong các DN tại các KCN. Tuy nhiên, theo ông Dương, khó khăn lớn nhất của BHXH Vĩnh Long là BHXH tự nguyện, khi đến nay mới đạt khoảng 80% chỉ tiêu. "BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong phối hợp cùng các hội, đoàn thể, nhất là bám sát và phối hợp cùng Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; đồng thời yêu cầu các tổ chức dịch vụ thu phát huy hết khả năng, tích cực vào cuộc vận động người dân"- ông Dương nhấn mạnh.

Là địa phương vùng địa đầu Tổ quốc, tỉnh Cà Mau đến nay đã thực hiện nhiều mô hình được các địa phương khác quan tâm học hỏi. Ông Trịnh Trung Kiên- Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau cho biết, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở KH-ĐT và Cục Thuế tỉnh phối hợp rà soát dữ liệu ngay từ đầu năm. Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.093.431 người tham gia BHXH, BHYT, đạt 95,16% kế hoạch. Trong đó, về BHXH bắt buộc có 62.662 người, đạt 96,64% kế hoạch; về BHYT có 1,063 triệu người, đạt 95,6% kế hoạch; về BHXH tự nguyện có 31.276 người, đạt 84,4% kế hoạch.

Nổi bật tại Cà Mau là huyện Đầm Dơi đạt các kết quả rất tốt, nhất là việc thực hiện BHXH tự nguyện. Huyện Đầm Dơi có 15 xã và 1 thị trấn, được chia ra 22 đầu mối thi đua, giao chỉ tiêu rõ người, rõ việc trong công tác BHXH tự nguyện. Đặc biệt, đã giao số lượng cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị trong việc vận động, nhất là vận động thân nhân CBCCVC tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử, khối giáo dục có 1.800 giáo viên, do chỉ tiêu được giao cụ thể, rõ ràng, nên đến nay đã sớm hoàn thành vượt chỉ tiêu này.

Địa phương khác là BHXH tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, đơn vị đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã phát huy hiệu quả các mô hình ở huyện Châu Thành, huyện Lai Vung… và nhân rộng các mô hình này ra các địa phương khác...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, hội nghị với một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ nằm trong chuỗi hoạt động được BHXH Việt Nam tổ chức với BHXH các địa phương trong cả nước. Qua đó, nhằm chủ động nắm bắt tình hình, đôn đốc triển khai thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT tại các địa phương. Đồng thời, thông qua hoạt động này, các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam sẽ hướng dẫn nghiệp vụ cho BHXH các địa phương; cũng như bàn giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong thời gian còn lại của năm 2024.

Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh, BHXH các địa phương phải xem việc hoàn thành các chỉ tiêu là nhiệm vụ sống còn, là sứ mệnh của Ngành; phải gắn với việc hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội của địa phương. Trên tinh thần đó, BHXH các địa phương phải chủ động đối chiếu nội dung, số liệu của tỉnh mình với kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT. "Trong cuộc làm việc với BHXH 6 tỉnh lần này, tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu rất khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu và cần phải nỗ lực rất nhiều; tỉnh Hậu Giang năm 2023 phát triển rất nhanh về người tham gia BHXH, BHYT, nhưng nay có dấu hiệu hụt hơi”- Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.

Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các địa phương phải chú trọng khâu tổ chức thực hiện; tham mưu trong việc giao nhiệm vụ cho từng BCĐ và từng thành viên BCĐ. “Phải đặt câu hỏi là tại sao tỉnh này làm được mà tỉnh kia chưa làm được; tại sao tỉnh khác có chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT mà tỉnh mình khá hơn lại không có chính sách hỗ trợ. Trong khâu tổ chức thực hiện chính sách, cơ quan BHXH địa phương phải xác định vai trò dẫn dắt trong thực hiện, bản thân cán bộ phải xác định vai trò của người đứng đầu BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện… Đòi hỏi BHXH các địa phương phải có nhận thức phù hợp và biến thành hành động, bám sát các chỉ đạo của Ngành để có giải pháp, cách thức phù hợp”- Phó Tổng Giám đốc lưu ý.

Trà Giang - Chí Dũng