BHXH- Công cụ đắc lực giúp Nhà nước điều tiết xã hội
Chính sách BHXH ở Việt Nam mang ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng CNXH, thực sự trở thành công cụ đắc lực và hiệu quả giúp cho Nhà nước điều tiết xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có những chia sẻ về vấn đề này.
* PV: Thưa Bộ trưởng, Việt Nam đã có chặng đường 25 năm đổi mới chính sách BHXH trong lịch sử gần 60 năm thực hiện chính sách quan trọng này (tính từ năm 1961, khi Chính phủ ban hành Nghị định 218-CP về Điều lệ tạm thời các chế độ BHXH đối với CNVC Nhà nước). Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự đổi mới này?
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: BHXH luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách ASXH, góp phần ổn định việc làm, thu nhập và đời sống NLĐ khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Vấn đề BHXH đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhìn nhận ngay sau khi thành lập nước và đã được ghi nhận trong các Nghị quyết của Đảng, Sắc lệnh của Chính phủ. Tuy nhiên, chính sách này chỉ thực sự được thực hiện từ năm 1962, với sự ra đời của Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với CNVC Nhà nước, bao gồm các chính sách chủ yếu: Hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản và TNLĐ; đối tượng chỉ bao gồm lao động khu vực nhà nước và NSNN chịu trách nhiệm chi trả các chế độ BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong lần đến thăm Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH
Cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chính sách BHXH không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với từng thời kỳ. Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chính sách BHXH cũng từng bước được sửa đổi, bổ sung, mở rộng ra các khu vực kinh tế khác. Việc ra đời Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ đã đặt nền móng cho một chính sách BHXH dựa trên đóng góp của NLĐ và người SDLĐ, với sự hỗ trợ của Nhà nước, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cho đến nay, với việc ra đời Luật BHXH (năm 2006), Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 và đặc biệt là Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, chính sách BHXH đã hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân (kể cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động) thông qua hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Đồng thời, từng bước được hoàn thiện, đồng bộ phù hợp với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế; ngày càng khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đảm bảo ASXH của Đảng và Nhà nước.
* Việc hình thành và phát triển quỹ BHXH có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Độ bao phủ cả về tỉ lệ dân số cũng như quyền lợi người dân từ BHXH chính là một trong các chỉ số “chấm điểm” mức độ bền vững của lưới an sinh cũng như sự phát triển của mỗi quốc gia. Vậy, việc thực hiện ở Việt Nam như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Các quốc gia xây dựng hệ thống chính sách BHXH đều theo đuổi 3 nguyên tắc: Công bằng hướng tới mở rộng độ bao phủ của chính sách- mọi NLĐ đều có thể tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ chính sách BHXH; tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng và đảm bảo bền vững về tài chính- đảm bảo khả năng cân đối giữa mức đóng góp và mức hưởng thụ từ hệ thống; có sự chia sẻ giữa những thành viên tham gia vào hệ thống BHXH, chia sẻ giữa các chính sách trong hệ thống.
Như vậy, cũng có thể nói rằng, mức độ bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả hệ thống BHXH của mỗi quốc gia, qua đó thể hiện sự phát triển, tiến bộ của quốc gia đó.
Ở Việt Nam, với việc ra đời quỹ BHXH (năm 1995) hạch toán độc lập với NSNN. Cho đến nay, quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, với số chi và tỉ lệ chi ngày càng tăng, giảm dần số chi và tỉ lệ chi từ NSNN cho các chính sách này. Quỹ BHXH hiện đang chi trả cho trên 3,1 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, mỗi năm chi trả cho khoảng trên 10 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản… Ngoài ra, với số kết dư quỹ BHXH lớn, thông qua việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, đầu tư vào các dự án quan trọng… góp phần quan trọng tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn.
* Thực tế cho thấy, công tác BHXH hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Để sự nghiệp BHXH phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào đảm bảo ASXH, theo Bộ trưởng, chúng ta cần quan tâm tới vấn đề gì?
- Nghị quyết 28-NQ/TW đã khẳng định những thành quả to lớn của chính sách BHXH trong thời gian qua; đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập như: Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế- xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH 1 lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững...
Với mục tiêu tổng quát “cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân…”, Nghị quyết 28-NQ/TW đã đặt ra 11 nội dung cải cách và 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 12//NQ-CP ngày 8/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW.
Do vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, nội dung cải cách chính sách BHXH nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra.
* Bên cạnh tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, theo Bộ trưởng, ngành BHXH cần có những giải pháp gì để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ ngày càng lớn, phức tạp trong giai đoạn phát triển tiếp theo?
- Nhằm từng bước củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu “phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”, trong thời gian tới, cơ quan BHXH cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: Tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khoá XII. Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp. Hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối CSDL quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống CSDL có liên quan, nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Tiếp tục hiện đại hoá quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, BH thất nghiệp. Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, BH thất nghiệp.
* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
NH (Thực hiện)
- Tác giả ca khúc “Tin yêu” chia sẻ cảm xúc sáng tác
- Công bố kết quả Cuộc thi sáng tác ca khúc về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
- Sóc Trăng: Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”
- Tây Ninh: Tổ chức Cuộc thi ảnh “NLĐ với chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” trên Facebook
- BHXH tỉnh Vĩnh Long nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội