BHXH huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi): Chính sách thấm sâu, niềm tin lan tỏa
Tại BHXH Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi), số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng ấn tượng qua từng năm. Phía sau những con số ấy là sự kiên trì, đổi mới và tinh thần phục vụ tận tụy của những cán bộ, viên chức BHXH.
Khởi sắc hiện hữu qua từng con số
Năm 2023, số người tham gia BHXH tự nguyện tại huyện Sơn Tịnh là 1.180 người, thì đến hết tháng 5/2025 đã tăng gần gấp đôi, đạt 2.083 người. Đằng sau sự tăng trưởng đầy lạc quan đó là cả một hành trình đổi mới cách làm, xây dựng mạng lưới vận động hiệu quả và phát huy vai trò cơ quan BHXH trong giai đoạn chuyển mình về tổ chức và phương thức hoạt động.
Tại một buổi đối thoại nhóm nhỏ ở xã, Giám đốc BHXH huyện Sơn Tịnh Võ Văn Tâm mở lời với phóng viên bằng chất giọng chậm rãi nhưng đầy quyết đoán: Chúng tôi xác định rõ tư tưởng xuyên suốt là “chính sách phải chủ động tìm đến với dân, chứ không thể đợi dân tự tìm đến với chính sách”. Ông Tâm cũng khẳng định, nếu chỉ trông chờ vào tổ chức dịch vụ thu, thì hiệu quả vận động BHXH tự nguyện sẽ khó đạt kỳ vọng.
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, BHXH huyện đã phối hợp cùng UBND các xã rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở từng xã; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; tổ chức họp định kỳ để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh phương pháp truyền thông. Mỗi xã, thôn được thiết kế cách làm riêng, phù hợp đặc điểm dân cư, nhân lực tại chỗ, với nguyên tắc “thường xuyên - liên tục - linh hoạt - sáng tạo” trong tuyên truyền, để đưa chính sách thấm sâu từ thị trấn đến tận các vùng quê. Nhờ đó, nhận thức của người dân từng bước thay đổi, để việc tham gia BHXH tự nguyện không còn là điều xa lạ mà trở thành lựa chọn tin cậy cho tương lai.
Bắt đầu từ nhóm nhỏ, lan tỏa thành thay đổi lớn
Thay vì chỉ tổ chức hội nghị quy mô lớn, BHXH huyện Sơn Tịnh linh hoạt triển khai mô hình “đối thoại nhóm nhỏ” tại nhà dân, nhà văn hóa thôn dựa trên việc phân nhóm người dân có đặc điểm, tiềm năng tham gia tương đồng. Tại đây, bà con được trực tiếp chia sẻ suy nghĩ, nghe phân tích từ cộng tác viên là người địa phương có uy tín, cùng những câu chuyện thực tế về người đã có lương hưu- là những người có cuộc sống chủ động và ổn định. Chính sự gần gũi đó giúp chính sách BHXH tự nguyện trở nên dễ hiểu, dễ tin và từng bước lan tỏa sâu rộng.
Anh Nguyễn Trọng Huy (sinh năm 1998) là một trong số những người tham gia BHXH tự nguyện sau buổi đối thoại trực tiếp nhóm nhỏ tại nhà văn hóa thôn vào tháng 5/2025 vừa qua, phấn khởi cho biết: "Cả nhà, tôi là người thứ 3 tham gia BHXH tự nguyện. Cha mẹ tôi đã tham gia gần 3 năm về trước. Chúng tôi là người dân lao động, muốn có BHXH tự nguyện để sau này có lương hưu hằng tháng, được khám chữa bệnh BHYT miễn phí đến cuối đời, khỏi phải cậy nhờ con cháu. Tự lo được cho mình mới là yên tâm nhất! Tới đây, tôi sẽ đóng tiếp cho bà xã nữa".
Anh Trần Thanh Hải (sinh năm 1982), một tiểu thương từng nhiều lần từ chối khi được mời, đến tháng 3/2025 đã chủ động đăng ký tham gia. Anh Hải vui vẻ bộc bạch: "Trước kia, tôi cứ nghĩ đóng BHXH tự nguyện biết đến bao giờ mới được hưởng, liệu mình có sống tới lúc nhận lương hưu không? Nhưng sau vài lần được chị Võ Thị Thu- nhân viên thu tư vấn kỹ, nhất là nghe chị ấy kể câu chuyện về ông Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1963) người cùng làng, trước đây tham gia BHXH bắt buộc 15 năm 5 tháng, khi nghỉ việc được chị Thu hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện và đã được nhận lương hưu từ hồi tháng 5/2023, tôi mới vỡ ra đây là cách “trữ lương” cho mình khi về già, bỏ qua BHXH tự nguyện thực sự là một thiếu sót lớn về tiền bạc mà chính tôi trước đây từng mắc phải! Giờ tôi không chỉ tham gia, mà còn vận động thêm 4 người thân cùng tham gia".
“Phong trào thôn văn hóa - Người dân có lương hưu"
Điểm sáng lớn trong cách làm của BHXH huyện Sơn Tịnh là phát triển “hệ sinh thái vận động” đa tầng, đa lực lượng. Từ nhân viên thu chuyên nghiệp đến cộng tác viên thôn, hội viên phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… đều được tập huấn kỹ năng truyền thông, giao chỉ tiêu cụ thể trên cơ sở phân tích tiềm năng, có thời hạn, có hỗ trợ, giám sát thường xuyên. Chỉ tiêu được theo dõi, điều chỉnh linh hoạt, gắn với động viên, khen thưởng kịp thời để tạo động lực bền vững cho đội ngũ.
Một tấm gương điển hình là chị Nguyễn Thị Thu Trang, từ cộng tác viên không chính thức đã trở thành nhân viên “chủ lực” của tổ chức dịch vụ thu Bưu điện, với hơn 220 người tham gia. Tương tự, chị Phan Thị Vinh nay là nhân viên thu của Công ty Bảo hiểm PVI, cũng đã vận động thành công hàng trăm người. Từ nhận thức rõ tính nhân văn của chính sách, các chị hành nghề bằng đam mê, trở thành những tư vấn viên chuyên nghiệp, am hiểu pháp luật và nắm vững kỹ năng.
Từ nền tảng đó, Sơn Tịnh đã khởi xướng phong trào “Thôn văn hóa - Người dân có lương hưu”, ban đầu ở một vài thôn điểm, nay lan rộng khắp nhiều xã. Mỗi thôn gắn chỉ tiêu BHXH tự nguyện với tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa mới. Khi đạt chỉ tiêu, Ban Chỉ đạo xã tổ chức biểu dương, trao giấy khen và phần thưởng cho các hộ tiêu biểu- đây được coi là một cách làm vừa thiết thực, vừa tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Điều phối hiệu quả, mô hình linh hoạt
Giám đốc BHXH huyện Sơn Tịnh Võ Văn Tâm khẳng định: "Chúng tôi không làm hình thức. Từng con số, từng người dân đều phải phản ánh thực chất, chứ không phải chỉ để làm đẹp báo cáo". Dưới sự chỉ đạo sát sao của Giám đốc Võ Văn Tâm, mọi hoạt động đều được kiểm tra định kỳ, đánh giá hiệu quả theo từng tháng. Tổ chức dịch vụ thu nào không đạt chỉ tiêu sẽ bị xem xét điều chỉnh; ngược lại, những đơn vị làm tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo động lực lan tỏa trong hệ thống.
Hướng đến tương lai, BHXH huyện Sơn Tịnh xác định sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện công tác truyền thông: Tổ chức linh hoạt, đan xen nhiều hình thức, tăng cường kết nối, chia sẻ giữa các địa bàn, đơn vị, cá nhân. Mục tiêu là mở rộng hệ sinh thái vận động đa tầng, đa lực lượng, nơi mỗi cộng tác viên, mỗi người dân có uy tín trở thành một “điểm lan tỏa chính sách” tại tổ dân phố, thôn xóm, nhất là trong bối cảnh mở rộng không gian phát triển sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Ông Võ Văn Tâm nói thêm: "Chính sách thì đúng, nhưng cách làm cần sáng tạo và bền bỉ. Làm BHXH tự nguyện không phải là phát tờ rơi, mà là lội đồng, lội ruộng, lội cả vào nỗi lo toan cùng dân, gieo niềm tin để gặt kết quả".
Giờ đây, BHXH huyện Sơn Tịnh không chỉ là điểm sáng về số người tham gia BHXH tự nguyện, mà còn là nơi khơi mở nhận thức mới: An sinh không phải đặc quyền được ban phát, mà là quyền lợi được lựa chọn, xây dựng từ chính ý thức của mỗi người dân.
Từ hội nghị lớn đến đối thoại nhóm nhỏ, từ những buổi trò chuyện gần dân đến các báo cáo tổng kết đậm nét số liệu... Tất cả đang hòa nhịp tạo nên bản giao hưởng an sinh bền vững. Nếu ví BHXH tự nguyện là mạch nước âm thầm nuôi dưỡng tương lai, thì BHXH huyện Sơn Tịnh chính là người mở dòng, dốc lòng đưa dòng nước ấy về với dân.
Giang Đông Hải
- Nhiều địa phương khả năng sẽ hỗ trợ tới 70% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên
- Đổi tên gọi BHXH khu vực thành BHXH cấp tỉnh, BHXH huyện và liên huyện thành BHXH cơ sở
- Lào Cai: Tăng cường giải pháp phát triển người tham gia, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT
- Trường hợp nào được hoàn tiền đóng BHYT năm 2025?
- BHXH Khu vực XXIII: Không để gián đoạn phục vụ Nhân dân