BHXH huyện Tiểu Cần (Trà Vinh): Phát huy mô hình Dân vận khéo “1+1”
Nhằm giúp người thân của chị em phụ nữ được tiếp cận chính sách BHXH, BHYT, từ năm 2022, BHXH huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) cùng với Hội LHPN huyện xây dựng và triển khai mô hình Dân vận khéo “1+1”. Đến nay, mô hình này đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Ông Trần Quang Truyền- Phó Giám đốc BHXH huyện Tiểu Cần cho biết, để thực hiện hiệu quả mô hình Dân vận khéo “1+1”, BHXH huyện và Hội LHPN huyện đã ký quy chế phối hợp. Theo đó, đề ra chỉ tiêu cụ thể, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong các chi, tổ hội và người dân. Cùng với đó, chủ động cử cán bộ hội ở cơ sở làm cộng tác viên thu và hướng dẫn người dân về thủ tục và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Còn theo bà Lê Thị Kim Loan- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần, mô hình Dân vận khéo “1+1” có ý nghĩa rất thiết thực. Sau khi chị em hiểu rõ và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, thì mỗi người lại tiếp tục vận động thêm một người thân trong gia đình hoặc bạn bè, hàng xóm cùng tham gia. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn chỉ đạo các cấp hội cơ sở rà soát, thống kê những trường hợp chưa tham gia để tìm hiểu hoàn cảnh, kịp thời có giải pháp giúp đỡ chị em tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Kết quả, từ việc ra mắt tại xã Hiếu Tử với 11 người tham gia, đến nay mô hình Dân vận khéo “1+1” được nhân rộng khắp 11 xã, thị trấn với hàng trăm thành viên (trong đó có 80 chị là Chi hội trưởng). Trong đó gồm trên 16.000 hội viên tham gia BHYT (chiếm trên 90% số hội viên trong toàn huyện) và hơn 1.000 hội viên tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, 100% cơ sở hội còn thành lập Tổ hùn vốn mua BHYT, với tổng số tiền góp vốn gần 1,3 tỷ đồng, giúp hơn 1.000 người tham gia BHYT và hơn 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Hội viên Lê Thị Thu Hương (khóm 2, thị trấn Tiểu Cần) cho biết, thông qua các cuộc tuyên truyền, chị đã thấy được lợi ích của việc tham gia mua BHXH tự nguyện. Vì vậy, ngoài tham gia cho bản thân từ năm 2019, chị Hương còn vận động thêm cho một thành viên tham gia BHXH tự nguyện từ cuối năm 2022. “Để tham gia BHXH tự nguyện, tôi tích lũy từ tiền dành dụm hàng tháng. Tuy số tiền đóng chưa cao, nhưng tôi tự ý thức phải tích góp, để khi lớn tuổi có một khoản tiền lương trang trải cuộc sống, tự chăm sóc bản thân khi tuổi cao, không phụ thuộc vào con cháu”- chị Hương chia sẻ.
Đánh giá về mô hình này, bà Nguyễn Thị Kiều Diễm- Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tiểu Cần chia sẻ: “Đây là một trong những mô hình “Dân vận khéo” rất thiết thực của huyện, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương và tình hình thực tế ở cơ sở. Qua đó, giúp người dân nhận thức rõ hơn về lợi ích thiết thực của chính sách và tự giác tham gia để giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống”.
Còn theo ông Trần Quang Truyền, hiện toàn huyện có trên 2.700 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ mô hình Dân vận khéo “1+1”. Mô hình không những có ý nghĩa chăm lo lợi ích thiết thực cho hội viên phụ nữ và người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, mà còn thu hút chị em tích cực tham gia sinh hoạt chi, tổ hội, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; thể hiện tính gương mẫu, đi đầu của cán bộ, hội viên phụ nữ trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Văn Phạm
- Công bố kết quả Cuộc thi sáng tác ca khúc về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
- Sóc Trăng: Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”
- Tây Ninh: Tổ chức Cuộc thi ảnh “NLĐ với chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” trên Facebook
- BHXH tỉnh Vĩnh Long nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Phòng Thanh tra-Kiểm tra (BHXH tỉnh Long An): Xứng danh người “gác cửa”