BHXH tỉnh Đắk Lắk: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính vì lợi ích người tham gia BHXH, BHYT

Chủ nhật, 16 /02/2025 17:35

Thời gian qua, công tác cải cách TTHC và chuyển đổi số của BHXH tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có nhiều đột phá, mang lại lợi ích lớn cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Ông Tạ Đức Hậu- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, xác định cải cách TTHC và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới, BHXH tỉnh luôn quan tâm, chú trọng triển khai công tác này trong các lĩnh vực hoạt động. Căn cứ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm soát TTHC và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành gắn nhiệm vụ chuyên môn với cải cách TTHC; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác để phục vụ công tác quản lý, giải quyết TTHC; thực hiện đa dạng hóa nhiều phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC...

Người dân, NLĐ làm thủ tục tại bộ phận "Một cửa" của BHXH tỉnh Đắk Lắk

Theo ông Tạ Đức Hậu, với nhiều nỗ lực của toàn hệ thống BHXH tỉnh đã đem lại những bước chuyển mạnh mẽ trong công tác cải cách TTHC và chuyển đổi số. Từ đó, không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, mà còn tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn các thủ tục hồ sơ, đơn giản hóa TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân khi giao dịch tại cơ quan BHXH.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 5.045/5.813 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, đạt tỷ lệ 86,79%; có 1.719.549 người tham gia đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 98,85%; số lượt KCB thành công bằng CCCD trên địa bàn tỉnh là 1.883.106 lượt tra cứu dữ liệu CCCD, số cơ sở KCB thực hiện tra cứu là 226/226 cơ sở.

Cùng với đó, đã triển khai sử dụng ứng dụng “VssID-BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, khi toàn tỉnh đã hỗ trợ, đăng ký 546.845 tài khoản. Qua đó, giúp người dùng tra cứu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như giám sát nghĩa vụ đóng của chủ sử dụng lao động, góp phần ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Ở Đắk Lắk, bây giờ khi thực hiện dịch vụ KCB BHYT, người dân có thể lựa chọn sử dụng ứng dụng VssID, VNeID hoặc thẻ CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.

Cơ quan BHXH cũng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với hai nhóm TTHC thiết yếu tại Đề án 06 gồm: “Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí” và “Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi”. Tính đến ngày 31/12/2024 đã giải quyết và trả kết quả 31.599 hồ sơ khai sinh, cấp thẻ BHYT và hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng phí. Đồng thời, triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, tính đến cuối năm 2024 toàn tỉnh đã chi trả qua phương thức ATM cho 26.415/50.034 người, đạt tỷ lệ 52,79%.

Khẳng định thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển cải cách TTHC và chuyển đổi số, đại diện BHXH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, thực tế hiện nay, tất cả các TTHC của ngành BHXH đều được thực hiện trên không gian số. Điều này đã tạo thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, còn giúp doanh nghiệp, NLĐ dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch.

Do đó, thời gian tới, BHXH tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; đổi mới việc thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động và nhân dân.

"Chúng tôi cũng sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, CNTT trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với hai nhóm TTHC thiết yếu tại Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người tham gia và doanh nghiệp hiểu rõ các lợi ích của việc giao dịch trực tuyến và chuyển đổi số, cũng như việc ứng dụng dữ liệu dân cư vào các lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để cùng đồng thuận, phối hợp trong quá trình thực hiện nhằm đạt được hiệu quả cao nhất...”- ông Tạ Đức Hậu nhấn mạnh.

Phạm Thọ