BHXH TP.Thủ Đức hoạt động thế nào?

Thứ Ba, 26 /01/2021 14:49

Từ ngày 22/1, chính quyền TP.Thủ Đức (TP.HCM) chính thức hoạt động. Theo đó, chính quyền quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đã kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền TP.Thủ Đức. Trong lĩnh vực BHXH, hoạt động của BHXH TP.Thủ Đức sẽ như thế nào là vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm. Kỳ An sinh xã hội trao đổi với ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM về vấn đề này.

* PV: Căn cứ Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 4764/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM, BHXH TP.HCM xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của BHXH TP.Thủ Đức như thế nào, thưa ông?

- Ông Phan Văn Mến: Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Công văn số 5081/UBND-VX, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị ngành dọc thuộc Trung ương phải tiến hành kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, bàn giao nhiệm vụ, tài sản thực hiện trước ngày 25/1/2021 và chính thức hoạt động ngày 7/2/2021. Do vậy, công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của BHXH TP.Thủ Đức đang được thực hiện hết sức khẩn trương.

Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM

Nhìn chung, BHXH quận 2, 9 và Thủ Đức không quá chênh lệch về khối lượng công việc, với tổng số 92 CCVC. Năm 2020, BHXH 3 quận thu-chi BHXH, BHYT gần 8.669 tỷ đồng; quản lý 11.268 đơn vị tham gia BHXH; 214.218 người tham gia BHXH và 722.712 người tham gia BHYT… Tuy nhiên, việc sáp nhập khiến cho quy mô công việc của BHXH TP.Thủ Đức sẽ rất lớn, chỉ sau BHXH quận 1. Song, TP.Thủ Đức lại có địa bàn lớn gấp 27,4 lần quận 1; dân đông gấp 4,9 lần; số đơn vị hành chính cấp xã gấp 3,4 lần. Do đó, khi thành lập BHXH TP.Thủ Đức, cần tính toán kỹ cơ cấu tổ chức bộ máy để phù hợp với thực tiễn.

Về tổ chức bộ máy, BHXH TP.Thủ Đức sẽ có 5 tổ nghiệp vụ gồm: Tổ tiếp nhận và quản lý hồ sơ, Tổ thu BHXH, Tổ cấp sổ thẻ và kiểm tra, Tổ chính sách BHXH, Tổ kế toán-chi trả và giám định BHYT. Về nhân sự, thực hiện phương án sau: Bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Hòa- Giám đốc BHXH quận Thủ Đức làm Phó Giám đốc Thường trực BHXH TP.Thủ Đức; bà Trần Thị Ngọc Dung- Giám đốc BHXH quận 9 điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc BHXH quận 4; bà Đỗ Thị Thu- Giám đốc BHXH quận 2 điều động, bổ nhiệm Giám đốc BHXH quận 6. Đối với 6 Phó Giám đốc của BHXH 3 quận, trong thời gian chuyển tiếp, sẽ tạm điều động, bổ nhiệm Phó Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức, sau đó sẽ cơ cấu cấp phó còn lại 4 vị trí...

* Lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu TP.Thủ Đức phải duy trì các hoạt động hành chính, không để gián đoạn, không để người dân bị ảnh hưởng do quá trình chuyển tiếp. Vậy BHXH TP.Thủ Đức sẽ hoạt động thế nào để đáp ứng quy định, vừa tạo thuận lợi cho người dân, thưa ông?

- Chiều 22/1, tại buổi trao các quyết định nhân sự của TP.Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh, mong muốn của TP.HCM là lấy TP.Thủ Đức làm trước một số việc để làm hình mẫu cho toàn TP.HCM. Theo đó, TP.Thủ Đức cần tiếp tục ổn định, duy trì các hoạt động thường xuyên, không để gián đoạn. Cũng trong ngày 22/1, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có Quyết định số 128 về việc thành lập BHXH TP.Thủ Đức- có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Thực hiện các chỉ đạo trên, BHXH TP.Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 1/2/2021, trụ sở đặt tại quận 2. Mục tiêu của BHXH TP.Thủ Đức là giải quyết nhanh nhất thủ tục, hồ sơ; không để ách tắc bất cứ thủ tục nào đối với người dân và quyết tâm sẽ phục vụ tốt hơn nữa.

Do TP.Thủ Đức có diện tích lớn, nên để phục vụ tốt các tổ chức, DN và người dân, BHXH TP.Thủ Đức sẽ sử dụng cả 3 trụ sở BHXH quận, trong đó 1 trụ sở chính và 2 trụ sở còn lại làm Văn phòng giao dịch để tiếp nhận TTHC, hướng dẫn, tiếp công dân… Chúng tôi sẽ phân bổ lực lượng để đưa hồ sơ tiếp nhận từ 2 “trụ sở chi nhánh” về trụ sở chính theo từng buổi.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Đức (Thực hiện)